Dịch bệnh SXH tăng nhanh: Nhiều bệnh nhân nặng, diễn biến bất thường

21-07-2017 13:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay khởi phát sớm hơn mọi năm và đang tăng nhanh. Một số tỉnh...

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay khởi phát sớm hơn mọi năm và đang tăng nhanh. Một số tỉnh, thành phố ở phía Bắc và phía Nam đang có số mắc tăng cao và cả nước đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong vì SXH. Trước tình hình này, ngày 19/7, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Tại phía Bắc, ghi nhận ở BV Bệnh Nhiệt đới TW và Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cho thấy số lượng bệnh nhân bị SXH cũng đang tăng nhanh...

Tăng cường tập huấn tuyến dưới về điều trị SXH để giảm tải tuyến trên

Báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Y tế với UBND TP. Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có hơn 9.600 ca mắc SXH phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đã có 4 trường hợp tử vong do mắc SXH hoặc có liên quan đến SXH.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhận định về tình hình bệnh SXH đang diễn ra, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, SXH đang có những diễn biến phức tạp gây quan ngại rất lớn. Thứ nhất, tốc độ gia tăng của SXH ở mức nhanh hơn so với năm ngoái, mức trung bình chung của toàn quốc là 15-17%. Thứ hai, bệnh đến sớm hơn nếu mọi năm là tháng 8 hoặc tháng 9 bệnh mới tăng cao thì năm nay khoảng cuối tháng 5 SXH đã tăng ở mức đáng lo ngại. Thứ ba, chủng của SXH có 4 loại (từ Dengue I đến IV), TP. Hồ Chí Minh mọi năm Dengue II ít nhưng năm nay chủng này đang nổi lên.

Do đó, để chủ động phòng chống dịch SXH nhằm hạn chế sự gia tăng tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Thứ trưởng đề nghị các quận, huyện cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể, học sinh thực hiện chiến dịch “Diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh SXH”, đây là biện pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh SXH. Điều hết sức lưu ý nhất là sắp tới dịch SXH có thể tăng cao vì năm nay nhuận, mùa mưa kéo dài nên cần chuẩn bị hóa chất, dịch truyền, thuốc... để đáp ứng kịp thời khi có dịch lớn xảy ra, đồng thời tăng cường tập huấn cho các bác sĩ của tất cả trạm y tế trên địa bàn thành phố để giảm tải cho tuyến trên. Để có nguồn nhân lực thường xuyên, lâu dài cho công tác truyền thông, vận động, thành phố cần thiết lập lại hệ thống cộng tác viên trình HĐND thành phố phê duyệt...

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh hứa sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, đồng thời chỉ đạo và huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia các cấp chính quyền đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, người dân trong việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Riêng đề nghị của Thứ trưởng và đoàn công tác về kinh phí và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, thành phố sẽ đáp ứng theo nhu cầu trên cơ sở đề xuất của ngành y tế. Trước đó, Thứ trưởng và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân và thăm, kiểm tra công tác thu dung, điều trị tại BV Nhiệt đới, TP. Hồ Chí Minh.Chăm sóc bệnh nhân biến chứng sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Chăm sóc bệnh nhân biến chứng sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Lo ngại bệnh nhân SXH bị biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa

Tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết, dịch SXH tại Hà Nội đang rất căng thẳng, trung bình một tuần ghi nhận thêm hàng trăm ca bệnh. BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH. Một số khoa khác phải nhường giường bệnh cho bệnh nhân SXH nhập viện. Tuy nhiên, BV vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục.

Hiện, BV Bệnh Nhiệt đới TW có 2 cơ sở và đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc SXH. Đây chủ yếu là các ca bệnh nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH (một nữ sinh Đại học Ngoại thương và một nam bệnh nhân 51 tuổi).

Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW lo ngại, vì năm nay tử vong do SXH biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Mọi năm, chỉ 1-2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này. Ở khoa hiện còn 2 bệnh nhân nặng biến chứng SXH. Đó là bệnh nhân nữ 43 tuổi bị viêm cơ tim, vừa thoát thở máy sau hơn 10 ngày điều trị tích cực. Một bệnh nhân hạ tiểu cầu nặng, đi tiểu ra máu, bội nhiễm vi khuẩn.

“Qua thực tế điều trị nhận thấy có nhiều trường hợp nặng hơn bất thường và đang tổ chức nghiên cứu nhưng chưa tìm thấy yếu tố gì đột biến, dù bệnh nhân biểu hiện rất nặng. SXH do 4 týp virut Dengue: D1, D2, D3 và D4. Trong đó virut D2 hay tái nhiễm, gây sốc. Còn xuất huyết nội tạng týp virut nào cũng có thể gây ra. SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin phòng SXH mới đang thí điểm nên khống chế dịch khó khăn” - PGS.TS. Nguyễn Văn Kính nói.

Tại Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc SXH gia tăng nhanh. TS.BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, năm nay dịch SXH đến sớm hơn, đã tăng cao từ tháng 7, trong khi thông thường đỉnh dịch vào tháng 9-11, tần suất dịch cũng mau hơn, 2-3 năm trong khi giai đoạn trước chu kỳ dịch 4-5 năm một lần.

Hiện tại, tại Khoa Truyền nhiễm đang có 86 bệnh nhân nội trú, nhiều trường hợp phải nằm ghép do bệnh nhân vào dồn dập, cùng thời điểm. Bác sĩ lưu ý, SXH thông thường có thể theo dõi tại nhà nhưng năm nay đã ghi nhận các ca suy thận. “Nguyên nhân có thể do sốt cao mất nước nhưng không được bù nước kịp thời. Mặc dù hầu hết các trường hợp chức năng thận đều hồi phục nhưng cũng cần lưu ý theo dõi không để diễn biến nặng” - TS. BS Đỗ Duy Cường chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, ở thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, người dân hãy đi khám ngay để được test SXH, nếu kết quả cho biết không phải SXH mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt virut, sốt viêm họng... Việc phát hiện sớm SXH có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa không cầm được cực kỳ nguy hiểm.

Người bệnh cũng cần lưu ý theo dõi chặt ngày thứ 3 sốt, hầu hết mọi biến chứng đều xảy ra ở ngày này.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cũng cho biết thêm, do năm nay mưa sớm nên đỉnh dịch là tháng 5-6, tuy nhiên ở thời điểm này số ca bệnh SXH đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi vẫn còn đỉnh dịch đợt 2 là tháng 9 hàng năm. Do đó, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống bệnh của ngành y tế bởi khi thời tiết diễn biến bất thường là điều kiện rất tốt cho muỗi, lăng quăng, bọ gậy sinh sôi.


Công Chiến - Thái Bình
Ý kiến của bạn