Hà Nội

Dịch bệnh mùa thu - đông: Không thể lơ là

07-10-2016 09:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, thời tiết bắt đầu chuyển mùa cũng là lúc các bệnh cúm mùa, đặc biệt cúm A/H1N1 dễ tấn công và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, thời tiết bắt đầu chuyển mùa cũng là lúc các bệnh cúm mùa, đặc biệt cúm A/H1N1 dễ tấn công và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Cùng với đó, các dịch bệnh như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết cũng đã và đang gia tăng tại một số địa phương. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp dự phòng, điều trị, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Mắc cúm A/H1N1 cũng có thể tử vong

Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, Viện Pasteur TP.HCM đã có kết luận 5 bệnh phẩm gửi xét nghiệm của các công nhân trong Nhà máy May Vinatex Kiên Giang (xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã bị dương tính với cúm A/H1N1. Trước đó, từ ngày 20-22/9, tại nhà máy này đã phát hiện 117 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm. Các bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi và đau họng, trong đó có 34 ca phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Gò Quao. PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phun thuốc khử trùng, chủ động phòng chống dịch bệnh. Ảnh: TM

PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng bổ sung thêm thông tin, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bệnh do virut Zika đã lưu hành trong cộng đồng và có thể tăng số ca mắc trong thời gian tới. Trong khi đó dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp cho đến hết mùa mưa; bệnh sốt rét có nguy cơ lan rộng... bệnh tay-chân-miệng (TCM) thường tăng cao vào mùa tựu trường. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 27.000 ca mắc TCM tại 62 tỉnh, thành. Các tỉnh có số bệnh nhân cao như TP. HCM, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng... Từ đầu năm đến nay nước ta có 72.000 ca SXH, tăng so với năm 2015, 21 người tử vong.

Tại phía Nam, ngày 6/10, BS. Lê Thị Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho hay, tính đến thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10, bệnh TCM và SXH trên địa bàn thành phố đang gia tăng khá nhanh. Cụ thể, trong tháng 9/2016, trên toàn thành phố có 516 trẻ mắc bệnh TCM phải nhập viện điều trị, tăng gần 13% so với tháng 8 (trong tháng 9 đã có 3 chùm ca bệnh TCM xảy ra tại các trường mầm non). Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong do TCM, song tổng số trẻ mắc bệnh đã lên tới gần 4.000 ca. Những diễn tiến nguy hiểm hơn đang xảy ra đối với bệnh SXH, tính riêng trong tháng 9 thành phố có tới gần 2.400 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Con số tích lũy từ đầu năm của bệnh SXH lên tới 12.996 ca với 3 người tử vong, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cả ngành y tế và người dân cùng chủ động phòng, chống dịch bệnh

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mùa thu - đông do Bộ Y tế vừa tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dịch bệnh gia tăng nguyên nhân là do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng El-nino, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường (dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước) người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và khó khăn về kinh phí. Do đó, nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp phòng và dập dịch, điều trị kịp thời, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vào cuối năm là rất cao.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng cho biết đã triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng chống dịch, chủ động tiêm vắc-xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch. Nhằm đảm bảo sức khỏe, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường; tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm; không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virut như tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Cảnh báo mất mạng vì chữa chó dại cắn bằng thuốc Nam

Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã có 49 trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố. Mới đây nhất, trong tháng 9/2016, tại Nghệ An đã có 2 nạn nhân ở huyện Hưng Nguyên và Yên Thành (Nghệ An) bị chó dại cắn chết do chỉ tiêm phòng uốn ván, không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại và điều trị bằng thuốc Nam.


Ngọc Đỗ - Thái Bình
Ý kiến của bạn