- * Bộ Y tế sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra về nước sinh hoạt và nước uống
- * 13 trường hợp tử vong ở Sơn La không phải do viêm não Nhật Bản
- * Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tiêu chảy cấp, dịch bệnh Ebola, viêm não Nhật Bản và các dịch bệnh có diễn biến phức tạp khác
Đây là những thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều nay (ngày 6/8) tại Bộ Y tế
Đánh giá chung về tình hình dịch bệnh hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, số ca tử vong do dịch bệnh giảm hẳn so với năm ngoái nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn diễn biến rất phức tạp. Nếu không phòng chống tốt rất dễ bùng phát các ổ dịch. Tại cuộc họp, Bộ trưởng nhấn mạnh các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến phòng chống các bệnh Ebola, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản B do mức độ tử của bệnh rất cao. Riêng với bệnh tiêu chảy cấp, Bộ trưởng yêu cầu, việc phòng chống tiêu chảy phải gắn chặt với đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch và an toàn thực phẩm. Không ngoại trừ vi khuẩn tả kháng thuốc.
GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch bệnh chiều ngày 6/8 Ảnh. Trần Minh
Về tình hình dịch bệnh Ebola, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế Trần Đắc Phu lưu ý, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng đã xảy ra trên 11 quốc gia, vùng trên thế giới với mức độ lây lan rất nhanh. Thế giới đã ghi nhận hơn 1600 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 887 trường hợp tử vong tại 4 nước Tây Phi. Đặc biệt, có đến 100 cán bộ y tế lây nhiễm vi rút Ebola.
Thông tin thêm về dịch bệnh này tại cuộc họp, TS Nguyễn Thị Phúc - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại (WHO) Việt Nam cho biết, hầu hết các ca nhiễm dịch bệnh Ebola đều do tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc, chất dịch cơ thể người nhiễm bệnh. Đã tìm thấy động vật nhiễm dịch bệnh Ebola chết trong rừng và bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người. Để phòng chống dịch bệnh này, đại diện WHO cũng như đại diện Bộ Y tế khuyến cáo các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác giám sát liên ngành khách nhập cảnh qua các cửa khẩu vào Việt Nam đến từ vùng dịch, phát hiện kịp thời và cách ly hiệu quả, tránh lây lan. Xây dựng kế hoạch hành động, chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 565 trường hợp viêm não do virus, tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tỉnh Sơn La có số ca tử vong cao nhất cả nước với 13 trường hợp.
Về dịch tiêu chảy cấp, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn quốc ghi nhận 301.570 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp từ vong tại tỉnh Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Các trường hợp tử vong này xảy ra tại những địa phương có điều kiện vệ sinh kém, nước ao hồ tù đọng, cầu tiêu đặt trên ao cá, rác thải không được thu gom và thiếu nước sạch. Qua kiểm tra, phát hiện các nguồn nước sạch ở đây có rất ít chất clo dư và còn chứa một lượng đáng báo động vi khuẩn rất đáng ngại. Cục trưởng Trần Đắc Phu khuyến cáo các cấp các ngành cần tích cực phối hợp đảm bảo môi trường sạch sẽ, đẩy mạnh công tác truyền thông, phát động chiến dịch rửa tay sạch sẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh.
13 trường hợp tử vong ở Sơn La không phải do viêm não Nhật Bản
Liên quan đến 13 trường hợp tử vong tại Sơn La, trao đổi với phóng viên báo chí bên lề cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các trường hợp tử vong này do hội chứng não cấp hoặc viêm não virus chứ không phải do viêm não Nhật Bản B
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long Ảnh: Trần Minh
Tại Sơn La ghi nhận huyện Sông Mã có số mắc viêm não do virus cao nhất, tiếp đến là Mường La và Phù Yên... Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc hội chứng não cấp và viêm não Nhật Bản ở Sơn La là 100 trường hợp. Trong đó, số điều trị khỏi là 71 ca, số tử vong 13 ca và hiện đang điều trị là 16 ca. Trong đó xét nghiệm 73 mẫu huyết thanh có 31 mẫu dương tính với viêm não Nhật Bản B rải rác tại tất cả các huyện. “Đối với 13 mẫu tử vong thì đều không có trường hợp nào dương tính với viêm não Nhật Bản B”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Hiện nay ở Sơn La, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1 và mũi 2 có tỉ lệ khá cao, tuy nhiên, mũi 3 đến nay, mới đạt khoảng 42%. Do đó, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo Sơn La mở rộng phạm vi lứa tuổi tiêm phòng từ 1-5 tuổi trước đây lên đến từ 1-15 tuổi tại hai huyện xảy ra tử vong, từ 1-10 tuổi ở những nơi khác, phấn đấu đạt trên 95% trẻ từ 1-15 tuổi được viêm vắc xin viêm não Nhật Bản .
“Chúng tôi cho rằng diễn biến tình hình viêm não Nhật Bản B, viêm não, viêm não và hội chứng não, màng não của tỉnh Sơn La vẫn có những diễn biến tiếp tục phức tạp, mặc dù số mắc đang có xu hướng giảm. Bộ Y tế đã đề nghị tỉnh Sơn La triển khai các biện pháp cần thiết. Về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản B tại Sơn La thì tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 đạt khá cao nhưng số mũi 3 thì đạt thấp (chỉ khoảng 42%), thế nên chúng tôi đã yêu cầu Sơn La tiếp tục triển khai tiêm chủng để đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết
Thái Bình