Dịch bệnh COVID-19: Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ vượt 3 triệu, Tổng thống Brazil có triệu chứng mắc COVID-19

07-07-2020 09:09 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tính đến 9h ngày 7/7, theo trang thống kê Worldometers, số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 11.739.167, trong đó có 540.660 người tử vong và 6.641.864 người bình phục.

Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, đứng đầu thế giới về  cả số  trường hợp mắc và tử vong.  Mỹ đã vượt qua “cột mốc” mới về số người chết là hơn 130.000 người. Nhiều bệnh viện tại Mỹ đã cảnh báo, nhiều bệnh viện ở một số bang  sẽ lâm vào tình trạng quá tải khi số người nhập viện không ngừng gia tăng.

Trong khi đó Ấn Độ đã trở thành “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới, trong 24h qua, quốc gia này ghi nhận hơn 23.000 trường hợp nhiễm COVID-19  mới, vượt  Nga và trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19  cao thứ ba trên thế giới.

Tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại Ấn Độ

Theo trang thống kê Worldometers đến 9h sáng ngày 7/7 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  trên toàn cầu đã lên tới 11.739.167, trong đó có 540.660 người tử vong và 6.641.864 người bình phục.

Tổng thống Brazil nghi nhiễm  COVID-19

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết, ông đã trải qua một xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để xác nhận, sau khi xuất hiện  các triệu chứng liên quan đến bệnh COVID-19, ông đã bị sốt. Tổng thống Bolsonaro nói với những người ủng hộ bên ngoài dinh tổng thống rằng ông vừa được xét nghiệm máu và các kiểm tra cho thấy phổi của ông  đang rất tốt. Kênh CNN tại  Brazil và  báo Estado de S.Paulo đưa tin, Tổng thống có các triệu chứng của bệnh trong dó có sốt.

Theo dữ liệu chính thức, tình hình dịch bệnh ở Brazil có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên nước này đã  trải qua một trong những đợt bùng phát dịch bệnh  tồi tệ nhất thế giới, với hơn 1,6 triệu trường hợp được xác nhận và 65.000 ca tử vong liên quan.

Mỹ: Các bệnh viện tiếp quá tải, Miami đóng cửa nhà hàng

Tại Mỹ, nhiều  bệnh viện đã phải hoạt động hết công suất như  ở Florida và Texas. Trước tình hình số ca nhiễm bệnh gia tăng, Miami đã tuyên bố  đóng cửa các nhà hàng trở lại. Dư luận cho rằng tại các địa điểm du lịch, việc mở cửa khiến người dân đổ xô đi nghỉ cuối tuần, vui chơi…. làm gia tăng lây lan dịch bệnh.

Một số bệnh viện đối mặt với tình trạng vượt quá công suất hoạt động

Đến nay, số người chết do COVID-19   ở Mỹ vượt qua 130.000 người, số mắc bệnh gần “chạm” 3 triệu trường hợp. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh.  Dịch bệnh ở Mỹ nghiêm trọng đến mức một số bang phải đình chỉ việc mở cửa kinh tế theo từng giai đoạn.

Tổng thống Mỹ đề nghị mở cửa trường học

Trong một bài đăng tên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald  Trump cho rằng,  các trường học phải mở cửa trở lại vào mùa thu, bất chấp đại dịch. Lời kêu gọi của Người đứng đầu nước Mỹ diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh dường như đang bùng phát trở lại, một số bang phải áp dụng các biện pháp  hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Không rõ, đề xuất này của Tổng thống Trump có được chính quyền các bang xem xét hay không nhưng theo quy định, việc mở cửa trường học thuộc thẩm quyền của chính quyền các bang và các địa phương.

Tổng thống Mỹ Donald  Trump đề nghị mở cửa trường học

Pháp: Số người chết vì COVID-19  gia tăng

Số ca tử vong ở Pháp do  COVID-19  đã tăng 27 trường hợp,  lên 29.920 người, Bộ y tế Pháp cho biết. Số bệnh nhân phải điều trị tại các phòng  chăm sóc đặc biệt đã giảm 12 người xuống còn 548 trường hợp, dự kiến con số này sẽ  tiếp tục xu hướng giảm trong những tuần tới đây, Bộ Y tế cho biết.

Thử nghiệm vaccin COVID-19 của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 20/7 tại  Brazil

Thống đốc bang São Paulo ông João Doria cho biết, các thử nghiệm về một loại vaccin  mới chống lại COVID-19, do SinoVac của Trung Quốc phát triển, sẽ bắt đầu tiến hành vào ngày 20/7. Các thử nghiệm  được thực hiện với sự hợp tác của Viện dữ liệu Butantan, sẽ có 9.000 tình nguyện viên ở  khắp 12 trung tâm nghiên cứu ở Sao Paulo, một số bang và cả thủ đô Brasília. Bang São Paulo là khu vực giàu có và đông dân nhất Brazil.

Israel áp dụng các biện pháp hạn chế sau khi số ca mắc COVID-19  tăng đột biến

Israel đã đưa ra một loạt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Các quy định mới  bao gồm đóng cửa ngay lập tức các quán bar, phòng tập thể dục và phòng tổ chức sự kiện.

Trong bài phát biểu tại phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng y tế, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel phải đảo ngược tiến trình dịch bệnh nhằm  tránh  tình trạng phong tỏa diện rộng có thể làm tê liệt nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Israel đã lên tới 20%. Ngân hàng Israel  dự báo nền kinh tế của nước này sẽ bị thu hẹp 6% do dịch bệnh.

Công xưởng, nơi sản xuất bị đóng cửa tại Israel

Một thông báo của chính phủ cho biết, ngoài việc đóng cửa ngay lập tức các quán bar, câu lạc bộ đêm, phòng tập thể dục, phòng tổ chức sự kiện và sự kiện văn hóa, số lượng thực khách trong các nhà hàng sẽ bị giới hạn ở  mức 20 người  trong nhà và 30 người  ngoài trời.

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thúc đẩy các đối tác EU nhanh chóng giải ngân cứu nền kinh tế

Các nhà lãnh đạo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thúc ép Liên minh châu Âu ký một thỏa thuận vào cuối tháng này liên quan đến  một quỹ phục hồi để giúp 27 quốc gia thành viên của họ vượt qua cơn suy thoái kinh tế từ đại dịch COVID-19.

"Điều quan trọng là tất cả các nhà lãnh đạo EU đều nhận ra rằng tháng 7 phải là tháng chúng ta có được một thỏa thuận", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông Antonio Costa ở Lisbon, Bồ Đào Nha.

Ủy ban điều hành của EU đã vạch ra kế hoạch cho một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (849 tỷ USD) chủ yếu từ các khoản tài trợ. Kế hoạch đã gặp phải sự kháng cự từ các nước EU  như Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển – những quốc gia  phản đối phản đối việc chi tiền cho các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha đồng thời cho rằng các khoản viện trợ không nên được trao cho các thành viên một cách dễ dàng  mà không bị ràng buộc.

Bảo tàng Louvre nổi tiếng được mở cửa trở lại

Bảo tàng Louvre nổi tiếng ở kinh đô Paris hoa lệ, nơi có bức tranh nàng  Mona  Lisa đã bắt đầu mở cửa đón khách tham quan, tuy nhiên  du khách bị giới hạn khi đến Louvre . Bảo tàng Louvre, nơi lưu giữ bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới và là nơi được khách tham quan ghé thăm nhiều nhất thế giới,  đã bị đóng cửa suốt 4  tháng  vì dịch bệnh.  Hiện nay khách tham quan chỉ có thể đi tới khoảng 70 % khu vực trong bảo tàng, khoảng  45.000 mét vuông – nơi có tới  30.000 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày.

Bảo tàng Louvre đóng cửa dịp dịch bệnh COVID-19

Giám đốc bảo tàng Jean-Luc Martinez cho biết:  "Thật xúc động cho tất cả đội ngũ của chúng tôi, chúng tôi đã chuẩn bị mở cửa trở lại”. Ông Martinez cho biết bảo tàng  mong đợi có khoảng 7.000 khách vào ngày mở cửa trở lại. Trước đại dịch, mỗi ngày ở đây tiếp đón nhiều nhất lên tới 50.000 người.

LHQ cảnh báo dịch bệnh ảnh hưởng tới công cuộc phòng chống các bệnh khác

Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, dịch bệnh COVID-19 có thể làm tăng số người tử vong vì AIDS  thêm nửa triệu người do việc  điều trị bị gián đoạn trong thời gian dài. Đại  dịch đang phá hỏng thành quả nhiều năm phòng chống HIV. Năm ngoái có khoảng, 1,7 triệu người mới nhiễm HIV, hiện nay trên thế giới có gần 40 triệu người nhiễm. Báo cáo thường niên của LHQ  cho biết, mục tiêu năm 2020 là giảm tử vong liên quan đến AIDS xuống dưới 500.000 người và nhiễm HIV mới dưới 500.000 người cũng có thể bị bỏ lỡ.

"Giống như đại dịch HIV trước đó, đại dịch COVID-19 đang phơi bày những hạn chế - bao gồm sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội và đầu tư không đầy đủ vào y tế công cộng", Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres nói.

Trong những thập kỷ gần đây, hàng triệu người đã chết mặc dù chúng ta đã có  các phương pháp điều trị hiệu quả. Các ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm 60% kể từ đỉnh điểm của đại dịch HIV năm 2004, nhưng đến  năm 2019, vẫn có khoảng 690.000 người chết vì căn bệnh này.

Bộ trưởng Y tế Pakistan xét nghiệm dương tính với COVID-19

Bộ trưởng Y tế Pakistan đã thử nghiệm dương tính với COVID-19, đây là quan chức cấp cao mới nhất được xác định mắc bệnh của Pakistan.

"Tôi đã thử nghiệm dương tính với COVID-19. Tôi đã tự cô lập tại nhà và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa. Tôi có các triệu chứng nhẹ.", Bộ trưởng Bộ Y tế Zafar Mirza nói trên Twitter.

Pakistan cho đến nay đã xác nhận hơn 229.831 trường hợp với 4.762 người chết, theo số liệu của chính phủ. Nước này đã tiếp tục xác nhận khoảng 4.000 trường hợp mới mỗi ngày, mặc dù số lượng thử nghiệm hàng ngày giảm.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Shah Mehmood Qureshi cũng  tuyên bố ông đã nhiễm bệnh COVID-19.


Hải Yến
Ý kiến của bạn