Dịch bệnh COVID-19: Nga vượt qua Italia đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm COVID-19, châu Âu gỡ bỏ từng phần cách ly

12-05-2020 11:12 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Nga tuyên bố chấm dứt thời gian nghỉ hưởng nguyên lương phòng dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh Nga đã vượt qua Italia trở thành quốc gia đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc bệnh. Các trường học Hà Lan bắt đầu mở cửa một phần, Tây Ban Nha thực hiện các bước đi ​​đầu tiên hướng tới một cuộc sống 'bình thường mới'.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, từ ngày 12/5, chấm dứt giai đoạn nghỉ hưởng lương  trên toàn  quốc  mặc dù đã có một sự gia tăng kỷ lục các trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Trong 24h giờ qua Nga đã ghi nhận hơn 11.000 trường hợp mắc mới, vượt qua Italia  trở thành quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về số ca nhiễm bệnh với hơn 200.000 trường hợp . Ông Putin cũng lưu ý rằng, các biện pháp được thực hiện đã cho phép nước Nga chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, "bắt đầu một giai đoạn nới lỏng các hạn chế".

Theo nhà lãnh đạo Nga, việc dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế "phải diễn ra dưới sự tuân thủ nghiêm ngặt mọi điều kiện và yêu cầu vệ sinh đảm bảo an toàn cho người dân". Tuy nhiên vẫn "Cần có sự ưu tiên, đảm bảo an toàn cho những người trên 65 tuổi, cũng như cho những người mắc bệnh mãn tính", Tổng thống Putin nói.

Giới chức Nga cho biết người dân có thể trở lại làm việc từ thứ ngày 12/5. Tuy nhiên tùy vào khu vực, Nga sẽ dỡ bỏ các hạn chế hoặc đưa người dân quay lại cuộc sống có điều kiện.

Quyết định của Putin nhằm  khởi động lại nền kinh tế của nước Nga trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang gỡ bỏ các hạn chế, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Tổng thống Nga V.Putin họp trực tuyến ngày 11/5

Đứng đầu bảng trong số các quốc gia có người mắc COVID-19 lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Nga ở vị trí thứ 4. Dường như dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ quốc gia đến tận biên giới ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương xa xôi của Nga. Người đứng đầu nước Nga cho biết, quy mô về dịch bệnh và tình hình dịch tễ không giống nhau ở các khu vực. Chính vì thế chính quyền địa phương sẽ là cơ quan quyết định các biện pháp phong tỏa  tại chỗ hay không.  Tổng thống Putin đã gửi lời cảm ơn những y bác sĩ, những người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, họ đã làm hết sức mình để  ngăn chặn một đợt bùng phát tồi tệ hơn.

Số người chết tử vong vì COVID-19 chính thức ở Nga là hơn 2.000 người,  với 94 trường hợp tử vong mới được báo cáo trong 24 giờ qua.  Tuy nhiên có thông tin cho rằng, con số tử vong thật sự về dịch bệnh còn nhiều hơn thế.

Trong khi đó, tại  Pháp , Hà Lan và Tây Ban Nha đang dần chấm dứt tình trạng phong tỏa kể từ ngày 11/5. Trên khắp nước Pháp, các cửa hàng - bao gồm cả tiệm làm tóc - đã mở cửa trở lại. Công dân được phép đi lại mà không cần sự cho phép, mọi người có thể lái xe ra khỏi nhà trong vòng bán kính 100km. Tại  thủ đô Paris, giao thông đã tăng lên rõ rệt khi một số người trở lại với công việc của họ lần đầu tiên sau thời gian nghỉ dài.

Các trường tiểu học Hà Lan đã mở cửa một phần, cùng với một số thư viện. Một số tiệm làm tóc và làm đẹp bắt đầu mở cửa đón  khách.

Biểu đồ dịch bệnh ở một số nước châu Âu

Khoảng một nửa đất nước Tây Ban Nha dè dặt dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, hòa nhịp vào một cuộc sống “bình thường mới”. Các hạn chế  được nới lỏng cho nhiều khu vực - nhưng không phải ở một số “điểm nóng” như Madrid và Barcelona.

Với 51% người Tây Ban Nha sống ở các khu vực đã bước vào giai đoạn thứ 2 phòng chống dịch bệnh, người dân  có thể tụ tập không quá 10 người, mua sắm trong các cửa hàng nhỏ và ăn uống bên ngoài  các quán bar và nhà hàng.  Các khu vực đủ điều kiện gỡ bỏ hạn chế bao gồm hầu hết Andalusia - khu vực đông dân nhất của Tây Ban Nha - cũng như Quần đảo Canary và Balearic. Quán bar, nhà hàng, cửa hàng, bảo tàng, phòng tập thể dục và khách sạn được phép mở trở lại, tuy nhiên hầu hết đều hoạt động dưới công suất.

Hiện ở thủ đô và Barcelona, ​​hai trong số những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất Tây Ban Nha, vẫn ở giai đoạn đầu phòng chống dịch. Họ sẽ còn phải chờ thêm ít thời gian nữa, sau  khi cơ quan y tế Tây Ban Nha cho phép.

Xu hướng hiện nay  trên khắp châu Âu là nới lỏng theo từng khu vực. Nhiều khu vực đô thị sẽ phải tiếp tục  các biện pháp hạn chế trong bối cảnh lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Tại Đức , Thủ tướng  Angela Merkel kêu gọi mọi người hãy cảnh giác. Người đứng đầu Chính phủ Đức khuyên người dân  nên tiếp tục giãn cách và đeo khẩu trang. Một nhóm những người phản đối quyết định bỏ phong tỏa cuối tuần trước của Chính phủ cho rằng, chính quyết định này đã làm tỷ lệ nhiễm bệnh COVID-19 ở Đức tăng trở lại.

Theo nhiều báo cáo cho thấy, sau gỡ bỏ cách ly,   nhiều người đã không tuân thủ các quy tắc giãn  cách xã hội trong cuộc sống mới. Đức hiện có số người mắc bệnh là hơn 170.000 trường hợp, hơn 7500 người tử vong vì COVID-19, ít hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.

Trong khi đó tại Châu Á, diễn biến dịch bệnh rất khác nhau. Tại Hàn Quốc, bất ngờ xuất hiện một ổ dịch mới tại các quán bar khiến hàng chục người nhiễm bệnh. Chính phủ Hàn Quốc buộc phải lùi việc việc mở cửa trở  lại các trường học thêm 1 tuần nữa bởi lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang tới.

Tại  Afghanistan ở thủ đô Kabul, ghi nhận  ngày tồi tệ nhất khi xác nhận 161 trường hợp nhiễm bệnh, mức tăng cao nhất theo ngày. Bộ y tế Afghanistan cảnh báo nguy cơ dịch bệnh đang gia tăng trên cả nước.  Chỉ riêng ở thủ đô Kabul ghi nhận 1.257 trường hợp dương tính với COVID-19.

Cape Town và tỉnh Western Cape của Nam Phi đã trở thành điểm nóng của dịch bệnh COVID-19 khi chiếm  hơn  một nửa số trường hợp mắc bệnh ở quốc gia này  với số người mắc đã  đạt  trên 10.600 người.


Hải Yến
Ý kiến của bạn