Dịch bệnh 7 tháng đầu năm ở miền Trung diễn biến thế nào?

15-08-2024 21:12 | Y tế

SKĐS - Nhiều dịch bệnh ở khu vực miền Trung tiếp tục tăng và có người tử vong. Nguyên nhân chính do người dân còn chủ quan trong việc phòng, chống. Điển hình như bệnh dại, tất cả các trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn.

Chiều 15/8, tại Nha Trang (Khánh Hòa), PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động phòng chống dịch bệnh 7 tháng đầu năm và kế hoạch các tháng cuối năm ở khu vực miền Trung.

Tham gia đoàn công tác do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu có lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế. Lãnh đạo các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 11 tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) về dự hội nghị.

Dịch bệnh 7 tháng đầu năm ở miền Trung diễn biến thế nào?- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Nhiều loại dịch bệnh gia tăng ca mắc

Trong 7 tháng đầu năm, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm ở khu vực miền Trung gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, ghi nhận 12 trường hợp tử vong vì bệnh dại (Bình Thuận 7 trường hợp, Phú Yên 2 trường hợp, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Ninh Thuận mỗi tỉnh ghi nhận 1 trường hợp), tăng gấp 2,4 lần. Bệnh sởi số mắc tăng 5,4 lần, bệnh rubella có số mắc tăng 5,5 lần.

Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm, khu vực miền Trung ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh truyền nhiễn thuộc nhóm A đã tử vong, đó là ca mắc cúm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, có sự trỗi dậy của bệnh ho gà, đã phát hiện 17 trường hợp dương tính tại các tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng có 10 trường hợp, Thừa Thiên - Huế có 4 trường hợp, Quảng Bình có 3 trường hợp.

Dịch bệnh 7 tháng đầu năm ở miền Trung diễn biến thế nào?- Ảnh 2.

Đại diện ngành y tế nhiều tỉnh cũng về dự hội nghị và nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh 7 tháng đầu năm ở khu vực miền Trung.

Một số dịch bệnh truyền nhiễm khác đã lưu hành nhiều năm tại miền Trung có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023, điển hình như sốt xuất huyết giảm 15,8%; bệnh tay chân miệng giảm 29,7%, cúm giảm 23,4%, tiêu chảy giảm 10,2%...

Theo đánh giá của một số đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực miền Trung, nhiều dịch bệnh tiếp tục tăng và có người tử vong. Nguyên nhân chính do người dân còn chủ quan trong việc phòng, chống. Điển hình như bệnh dại, tất cả các trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn. Mặt khác, nhân lực làm công việc phòng, chống dịch bệnh còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc...

Khẩn trương phòng chống các bệnh truyền nhiễm

Tập hợp thông tin từ các tỉnh miền Trung, Viện Pasteur Nha Trang cho biết, khi xảy ra các tình huống dịch bệnh, các địa phương đã khẩn trương tiến hành xử lý ổ dịch, giám sát virus, giám sát véc-tơ truyền bệnh. Các tỉnh đã duy trì thực hiện đều đặn việc theo dõi sát ca bệnh tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và trạm y tế xã. Tất cả các tỉnh xây dựng kế hoạch phun hóa chất chủ động 1-2 đợt/năm một cách bài bản, nghiêm túc.

Theo nhận định của Viện Pasteur Nha Trang, trong những tháng cuối năm, một số dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như: bệnh sởi, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh đang lưu hành bệnh này.

Dịch bệnh 7 tháng đầu năm ở miền Trung diễn biến thế nào?- Ảnh 3.

Hầu hết người bị bệnh dại tử vong ở miền Trung đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn.

Từ nhận định trên, ngành y tế các tỉnh miền Trung cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành truyền thông nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm đang nổi cộm trên địa bàn. Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi bệnh dại cắn để hướng dẫn xử trí, tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo đạt tỉ lệ cao, an toàn và hiệu quả. Rà soát tiêm chủng bù, tiêm chủng vét cho trẻ thiếu các mũi vaccine trong tiêm chủng mở rộng.

Sau khi nghe báo cáo cũng như ý kiến của nhiều đại biểu về tình hình dịch bệnh ở miền Trung, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, theo xu hướng chung, ngoài bệnh sởi nguy cơ bùng phát còn có bệnh ho gà, ghi nhận thêm bệnh bạch hầu nên không được chủ quan trong việc phòng, chống các dịch bệnh này. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố về việc tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bệnh sởi.

Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, mới có 1 loại vaccine phòng bệnh này được cấp phép, chưa có sơ sở đề xuất đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà tài trợ là công ty sản xuất vaccine xem họ có thể hỗ trợ tiêm thí điểm cho vài tỉnh có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết cao hay không? Sau đó, khi có các sản phẩm vaccine mới, giá thành giảm sẽ tính đến chuyện có đưa vào tiêm chủng mở rộng hay không?

Trước mắt, các tỉnh phải truyền thông một cách hiệu quả cho người dân hiểu, xem việc diệt lăng quăng, bọ gậy là điều quan trọng để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Đồng thời, trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh, ngành y tế các tỉnh, thành phải dự báo được trên địa bàn tỉnh mình có nguy cơ hay khả năng bùng phát những dịch bệnh nào? Trong mối quan hệ vùng miền, phải dự báo được loại dịch bệnh nào có thể lây truyền từ tỉnh này sang tỉnh khác. Từ đó, có kế hoạch đề xuất kinh phí phòng, chống dịch bệnh một cách khoa học, bài bản, không để xảy ra dịch bệnh mới đề xuất xin kinh phí, điều này không phù hợp với công tác dự phòng.

Bộ Y tế: Tăng cường phòng chống dịch bệnh, nỗ lực  cung ứng đủ vaccine tiêm chủng mở rộngBộ Y tế: Tăng cường phòng chống dịch bệnh, nỗ lực cung ứng đủ vaccine tiêm chủng mở rộng

SKĐS - Trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh đã có xu hướng gia tăng số mắc tại nhiều quốc gia, trong đó có sốt xuất huyết, sởi, ho gà. Tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.


Hà Đạo
Ý kiến của bạn