Diazepam: Dùng sao cho đúng?

02-10-2015 14:00 | Dược

SKĐS - Diazepam thuộc nhóm thuốc benzodiazepines. Thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu, các triệu chứng cai rượu, hoặc co thắt cơ...

Diazepam thuộc nhóm thuốc benzodiazepines. Thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu, các triệu chứng cai rượu, hoặc co thắt cơ và đôi khi được sử dụng phối hợp với các thuốc khác để điều trị động kinh...

Ai không nên dùng diazepam?

Diazepam có thể gây quen thuốc, cho nên bạn không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng không bao giờ chia sẻ loại thuốc này với một người khác, đặc biệt là người đã từng lạm dụng ma túy hoặc nghiện. Bạn nên để thuốc ở xa tầm tay trẻ em và để nơi kín đáo, tránh người khác có thể lấy thuốc sử dụng. Không dùng thuốc nếu bị dị ứng với diazepam hoặc các thuốc tương tự. Những người mắc một trong các bệnh sau đây cũng không nên dùng diazepam: nhược cơ nặng, bệnh gan nặng, tăng nhãn áp góc hẹp, khó thở nặng, ngưng thở khi ngủ. Không dùng diazepam cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Diazepam: Dùng sao cho đúng?

Cần đến bác sĩ để được tư vấn khi thấy biểu hiện bất thường khi dùng thuốc. Ảnh: TM

Để chắc chắn rằng có thể dùng diazepam một cách an toàn, bạn hãy nói cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ bệnh nào sau đây: tăng nhãn áp góc hẹp, hen suyễn, khí phế thũng, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hoặc các vấn đề hô hấp khác; bệnh thận hoặc bệnh gan; động kinh hoặc rối loạn co giật khác; tiền sử bệnh tâm thần, trầm cảm hoặc có các ý nghĩ hay hành vi tự tử; nghiện ma túy hoặc rượu.

Không sử dụng diazepam cho phụ nữ có thai vì thuốc có thể gây hại cho thai nhi. Nói cho bác sĩ biết nếu bạn có thai trong thời gian điều trị. Thuốc diazepam có thể gây ra huyết áp thấp, khó thở hoặc nghiện và triệu chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Diazepam có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây hại cho em bé bú. Vì vậy không sử dụng thuốc này ở bà mẹ đang cho con bú. Tác dụng an thần của diazepam có thể kéo dài hơn ở người cao tuổi. Trên thực tế, tai nạn té ngã khá phổ biến ở bệnh nhân cao tuổi dùng benzodiazepin. Do đó, cần thận trọng để tránh chấn thương té ngã hoặc tai nạn trong khi đang dùng thuốc này.

Dùng diazepam thế nào cho đúng?

Bạn nên dùng diazepam theo đúng chỉ định của bác sĩ. Theo đó bạn không nên dùng với liều lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc kéo dài thời gian hơn so với đơn của bác sĩ. Ngoài ra bạn cần thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Đối với thuốc dạng lỏng, bạn cần dùng dụng cụ đong thuốc đúng liều như muỗng đo liều hoặc ly đặc biệt. Diazepam thường chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn nên cần chú ý không dùng thuốc này dài hơn 12 tuần (3 tháng) mà không có chỉ định của bác sĩ. Không được ngưng thuốc đột ngột vì có thể làm tăng triệu chứng co giật hoặc triệu chứng cai thuốc khó chịu khi ngưng dùng diazepam. Có thể cần phải sử dụng giảm liều dần trước khi ngưng thuốc hoàn toàn.

Nếu bạn quên uống một liều, thì uống liều đó ngay khi nhớ ra. Chỉ bỏ qua liều đã quên nếu khi nhớ ra gần với thời gian uống liều tiếp theo từ nửa giờ đến 2 giờ. Nếu quá liều sẽ có các triệu chứng: buồn ngủ cùng cực, mất thăng bằng hoặc phối hợp, lú lẫn, khập khiễng hoặc yếu cơ bắp hoặc ngất xỉu, thậm chí có thể gây tử vong. Khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng quá liều, cần phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu.

Thuốc này có thể làm giảm suy nghĩ hoặc phản ứng, vì vậy cần thận trọng đối với trường hợp nếu phải lái xe hoặc vận hành máy móc. Không uống rượu trong khi dùng diazepam vì thuốc này có thể làm tăng tác dụng của rượu. Trong thời gian dùng thuốc cần thiết phải xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng gan. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh độ ẩm, nhiệt độ cao và ánh sáng vì làm hư thuốc.

Những tác dụng phụ của diazepam

Thuốc diazepam có thể gây các tác dụng phụ như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng. Bạn phải ngừng sử dụng diazepam và gọi ngay cho bác sĩ nếu có tác dụng phụ nghiêm trọng như: nhầm lẫn, ảo giác, suy nghĩ hoặc hành vi bất thường nguy hiểm, giảm ức chế, không sợ nguy hiểm; tâm trạng chán nản, suy nghĩ tự tử hoặc tự làm hại chính mình; hiếu động thái quá, kích động, gây hấn, thù địch; có cơn co giật; thở yếu hoặc nông; cơ bắp co giật, run; mất kiểm soát bàng quang, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không có nước tiểu.

Những tác dụng phụ ít nghiêm trọng của diazepam có thể là: buồn ngủ, cảm giác mệt mỏi; giảm trí nhớ; chóng mặt, cảm giác quay cuồng; cảm thấy bồn chồn hoặc cáu kỉnh; yếu cơ; buồn nôn, táo bón; chảy nước dãi hoặc khô miệng; nhìn mờ, nhìn đôi; da phát ban, ngứa nhẹ; mất hứng thú tình dục... Khi đó bạn cần gọi cho bác sĩ để được tư vấn về tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc nào ảnh hưởng đến diazepam?

Bạn cần báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác đang sử dụng, đặc biệt là các thuốc an thần gây ngủ cả Tây y và Đông y; thuốc chữa đau dạ dày: cimetidine, omeprazole...; thuốc kháng sinh như clarithromycin, erythromycin...; thuốc kháng nấm như itraconazole...; thuốc chống trầm cảm như fluoxetine và những loại khác; thuốc tim mạch như amlodipine, diltiazem...

ThS. Nguyễn Thế Minh

 


Ý kiến của bạn