Đĩa than thức giấc

03-09-2020 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay có nhiều nghệ sĩ ra đĩa than như để gìn giữ, phát triển hình thức nghe nhạc phổ biến một thời trong cuộc sống đương đại.

Đĩa than ra đời từ hơn 100 năm trước, là một kiểu đồng bộ tín hiệu âm thanh vào lưu trữ dạng đĩa được ghi theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau. Các đường rãnh được đọc từ vòng lớn nhất cho tới tâm của chiếc đĩa. Thị trường tiêu thụ đĩa than trên thế giới rất phát triển vào những năm 50 - 70 của thế kỷ XX. Đến đầu những năm 80, do sự ra đời của đĩa CD, thị trường đĩa than đã bị thu hẹp lại nhiều. Tuy nhiên, đối với những người chơi sành điệu, hiện vẫn sở hữu một số lượng đĩa than lớn thì việc thưởng thức âm thanh Analog thuần túy qua đĩa than vẫn là một thú vui không gì sánh nổi. Nhiều người yêu nhạc đánh giá, so với đĩa CD, đĩa than mang lại cho người nghe những âm thanh sinh động mà đầu đọc CD chất lượng khá, thậm chí chất lượng cao vẫn không thể có được.

Một số đĩa than của ca sĩ Việt ăn khách gần đây.

Một số đĩa than của ca sĩ Việt ăn khách gần đây.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, đĩa than đã bắt đầu rục rịch hồi sinh với album Mỹ Linh Acoustic - Một ngày. Nhiều năm trở lại đây và hiện tại, không ít nghệ sĩ vẫn “đánh liều” khi ra đĩa than dù lượng người sử dụng đĩa than không còn đại trà như trước. Thậm chí, anh Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc Công ty sản xuất - phát hành băng đĩa Audio Space chia sẻ: “Thị trường đĩa than hiện nay sôi động gấp nhiều lần so với 5 - 7 năm trước”.

Gần đây, NSƯT Tố Nga khiến công chúng bất ngờ khi ra mắt album Trăng ở định dạng: đĩa than, băng cối và CD. Trăng phát hành dưới dạng đĩa than là một sự mạo hiểm nhưng cũng được nhiều người đánh giá cao vì nữ nghệ sĩ muốn chinh phục những người nghe nhạc khó tính nhất, minh chứng cho giới audiophile thấy nghệ sĩ Việt có thể thực hiện được sản phẩm đạt chuẩn audio không thua kém nước ngoài. Thực tế, 10 ca khúc trong đĩa than Trăng gồm: Trăng chiều, Ru con mùa đông, Cơn mưa sang đò, Chị tôi, Tình ca mặt trời, Tóc gió thôi bay, Trở về dòng sông tuổi thơ, Về đi em, Sao em nỡ vội lấy chồng, Mong chờ đã chinh phục được người nghe.

Đầu năm 2020, ca sĩ Quang Dũng cũng đã phát hành đĩa than Nỗi niềm là tuyển tập 8 ca khúc nhạc tình khi anh mới vào nghề như: Tôi với trời bơ vơ, Cô đơn, Nếu một mai em qua đời, Tạ tình, Nỗi niềm, Bài không tên số 5, Vì đó là em... Đĩa than được Quang Dũng ấp ủ trong vòng 3 năm, không quảng cáo rầm rộ, tuy nhiên nhanh chóng được người yêu nhạc tìm mua. Quang Dũng cho rằng, đĩa than Nỗi niềm của anh sẽ mở ra xu hướng mới khi ngày càng có nhiều người muốn thưởng thức những sản phẩm có giá trị, chất lượng âm thanh trung thực. Đĩa than Lênh đênh nhớ phố với 9 ca khúc nhạc Trịnh và một bản hòa tấu, là hình thức biểu đạt nguyên sơ, đằm thắm qua tiếng vĩ cầm của Anh Tú, guitar Anh Hoàng và giọng hát trong trẻo của Giang Trang - người đã nhiều năm theo đuổi âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Ca sĩ Đồng Lan với đĩa than Này em có nhớ theo phong cách jazz, được hát song ngữ Việt - Pháp là những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Đây là lần đầu tiên một album nhạc Trịnh Công Sơn được hát bằng tiếng Pháp trọn vẹn. Đồng Lan đã dành 4 năm cho việc chuyển ngữ các bài hát nhạc Trịnh sang tiếng Pháp, trung thành với nguyên tác, với ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng vẫn mang tinh thần Pháp. Các bài hát được sắp xếp như câu chuyện của một vòng đời: Này em có nhớ, Ngẫu nhiên, Hạ trắng, Thành phố mùa xuân, Vết lăn trầm, Ở trọ, Cát bụi, Hãy yêu nhau đi, Để gió cuốn đi. Nữ ca sĩ đã dựa vào sự giao thoa văn hóa của nhạc Trịnh để phát triển ý tưởng cho album của mình nên tạo ra sự mới mẻ nhưng không kém phần hấp dẫn.

Ngoài ra, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Việt gần đây đã trình làng các sản phẩm âm nhạc theo hình thức đĩa than, chiếm được cảm tình của người nghe. Đó là Requiem (Đức Tuấn), Khúc tình xưa (Lệ Quyên), Giai điệu thời gian, Tâm 9 (Mỹ Tâm), Đường em đi (Phạm Thu Hà), Một thời đã xa (Thùy Chi), Chuyện hẹn hò (Hương Lan - Thái Châu),...


Mai kiên
Ý kiến của bạn