50 tỉnh thành chọn môn thi thứ ba vào lớp 10 là Ngoại ngữ
Trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024, cả nước có 50 tỉnh thành tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Không tỉnh, thành nào tổ chức quá 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trong đó, môn Ngoại ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh.
Long An, An Giang, Hải Dương lựa chọn phương án thi 2 môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và môn thứ ba lựa chọn ngẫu nhiên. Đây cũng là phương án mà Bộ GD&ĐT đề xuất trong dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Vĩnh Phúc và Ninh Bình là hai địa phương từng tổ chức thi 4-5 môn đã chọn giảm tải xuống 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Hà Nội, Bắc Giang đều bỏ môn thi thứ tư. Quảng Bình, Hà Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long chỉ thi 2 môn là Toán và Ngữ văn.
Một số tỉnh thành cho phép học sinh tự chọn ngoại ngữ trong các thứ tiếng Anh, Trung, Pháp, Nhật, Đức, Hàn… như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế…
Đáng chú ý, năm nay, 4 tỉnh thành xét tuyển kết hợp thi tuyển gồm: Đắk Nông, Kon Tum, Tây Ninh và Thừa Thiên Huế.
9 tỉnh thành chỉ xét tuyển gồm: Cà Mau, Đăk Lăk, Đồng Tháp, Gia Lai, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam và Vĩnh Long.
60/63 tỉnh thành đồng ý thi 3 môn vào lớp 10 THPT
Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó, thông tin đáng chú ý nhất là không còn quy định các sở GD&ĐT phải tổ chức bốc thăm để chọn ngẫu nhiên môn thi thứ ba vào lớp 10 như đề xuất của Bộ trước đó.
Cụ thể, theo dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, Bộ GD&ĐT đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GD&ĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của Quy chế.
Theo đó, tính đến ngày 7/10 đã có 63 Sở GD&ĐT gửi ý kiến góp ý các nội dung về tuyển sinh THCS và THPT; đã lấy ý kiến của 8.898 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh/thành phố, trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo chiếm 92.9%; có 631 ý kiến có đề nghị bổ sung.
Đặc biệt, về phương án thi lớp 10, có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.
Dự kiến Thông tư quy chế tuyển sinh THCS, THPT sẽ được hoàn thiện và ban hành trước 31/12.