Hà Nội

Địa long trị bệnh gì?

SKĐS - Giun đất còn có tên khác là địa long, khau dẫn, giun khoang, thổ long, trùn hổ. Tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen.

Giun đất còn có tên khác là địa long, khau dẫn, giun khoang, thổ long, trùn hổ. Tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen. Giun đất có nhiều chất béo, muối vô cơ, hypoxanthin, các acid amin cần thiết cho cơ thể và vitamin A, D, E.

Theo Đông y, giun đất vị mặn, tính hàn; vào các kinh: can, tỳ, thận. Có tác dụng thanh nhiệt bình can trấn kinh, thông mạch khu phong, trừ thấp, lợi thuỷ. Trị sốt cao kinh giật, động kinh, bồn chồn kích động, ho suyễn khó thở, bại liệt phong thấp, viêm đường tiết niệu và sốt rét cơn. Liều dùng và cách dùng: 6 - 12g, bằng cách nấu hầm, sao rang, sắc, pha hãm. Sau đây là các bài thuốc chữa bệnh có dùng vị thuốc địa long (giun đất).

Thanh nhiệt, cắt cơn kinh giật

Bài 1: giun đất 12g, liên kiều 12g, câu đằng 16g, kim ngân hoa 16g, bọ cạp 4g. Sắc uống. Hoặc lấy giun đất 12g, chu sa 4g làm thành hoàn, mỗi ngày uống 4g. Trị sốt cao co giật.

Bài 2: địa long (chế) 50g, lòng trắng trứng gà 2 cái khuấy đều, chiên trên chảo, ăn ngày 1 lần. Dùng ngừa trước cơn động kinh co giật.

Bài 3 (thuốc dùng ngoài): giun đất 250g, đường đỏ 60g. Giã nát, bọc miếng vải thưa, đắp lên rốn. Trị sốt cao co giật, ngừa cơn động kinh co giật.

Trị chứng thấp nhiệt trở lạc, đau khớp, sưng nóng đỏ đau, đi tiểu vàng, ít

Bài thuốc: xuyên ô đầu 8g, thảo ô đầu 8g, giun đất khô 8g, thiên nam tinh 8g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Tất cả nghiền thành bột, phun rượu sau đó làm hồ hoàn. Mỗi lần uống 4g, uống với nước sắc kinh giới hay nước sắc thang Tứ vật (gồm: thục địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g).

Trị thấp nhiệt làm cho tiểu tiện không lợi, bí tiểu do sỏi

Bài thuốc: giun đất đỏ, củ tỏi, lá khoai lang, liều lượng bằng nhau. Giã nát, đắp lên rốn.

Thanh phế, cắt cơn suyễn:

Bài 1: giun đất 12g. Sắc uống. Hoặc giun đất khô nghiền thành bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Trị các chứng ho, hen suyễn, trẻ em ho gà… do hỏa nhiệt.

Bài 2: giun đất, cam thảo sống, liều lượng bằng nhau. Các vị nghiền thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g. Trị hen phế quản.

Bài 3: giun đất 63g, rết 63g, tổ ong vàng 63g, bồ công anh 63g, rễ cây chàm mèo 63g, bọ cạp 63g, xác rắn lột 63g, bạch hoa xà thiệt thảo 250g. Tất cả nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn 8g. Ngày uống 2 lần (sáng, chiều), mỗi lần 1 viên, uống với nước ấm. Trị ung độc.

Chữa di chứng trúng phong (bại liệt, nói ngọng, chảy nước bọt, rãi...).

Bài thuốc: địa long khô 30g, hồng hoa 20g, đào nhân 20g, xích thược 20g, đương qui 50g, hoàng kỳ 50g, xuyên khung 10g, bột ngô 400g, bột mì 100g. Đường trắng lượng thích hợp. Dùng rượu trắng ngâm địa long để khử mùi tanh, phơi sấy khô tán mịn. Đào nhân ngâm mềm bóc vỏ sao qua. Xích thược, đương qui, hồng hoa, hoàng kỳ, xuyên khung sắc lấy nước. Đem bột địa long, bột ngô, bột mì, đường trắng hoà với nước sắc thuốc, nhào thành bánh tròn khoảng 20 chiếc, đặt đào nhân trên mặt bánh, hấp chín. Ăn hằng ngày các bữa sáng, tối.

Chữa sốt rét:

Bài thuốc: giun đất 12g, vỏ rễ xoan 12g, hậu phác nam 12g, gừng 8g, trần bì 8g, dây thần thông 8g. Phơi khô, tán bột, làm hoàn. Uống hết trong ngày.

Trị viêm mũi mạn tính gây tắc ngạt mũi, đờm ít quánh dính, giảm khứu giác kèm theo đau đầu ù tai, quên lẫn. Dùng bài Cháo sài hồ địa long: sài hồ 15g, địa long chế 10g, đào nhân 10g, xích thược 10g. Các vị sắc hoặc hãm lấy nước bỏ bã, cho 60g gạo tẻ vo sạch vào nước sắc nấu cháo, khi chín cho thêm đường hoa mai vừa đủ khuấy đều. Mỗi ngày 1 lần, ăn nóng. Liên tục trong 7 - 20 ngày.

Kiêng kỵ: Người có tỳ vị hư nhược không có thực nhiệt không dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn