Đỉa chui trong mũi khi tắm khe suối

02-05-2019 15:27 | Camera bệnh viện

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn cho biết đã tiến hành gắp 2 con đỉa sống trong mũi cho 2 bệnh nhân đi tắm khe suối trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Bệnh nhân 25 tuổi và 3 tuổi ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Theo lời kể của bệnh nhân sau khi đi tắm mát ở suối về cảm thấy khó thở và ngứa mũi liền tới bệnh viện để khám. Trước đó, nhân ngày nghỉ lễ bệnh nhân cùng gia đình và bạn bè rủ nhau đến con suối ở trên địa bàn huyện để tắm mát và nghỉ ngơi. Khi về, gia  đình có con trai bé có biểu hiện khó thở và ngứa mũi nên gia đình đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Bác sĩ Hồ Phú Hải - Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi xác định bên trong mũi bệnh nhân có dị vật, bác sĩ Hải đã tiến hành gắp 2 con đỉa sống trong mũi cho hai bệnh nhân. “Rất may con đỉa này chỉ mới chui vào sinh sống trong mũi bệnh nhân nên dễ gắp. Có nhiều trường hợp bị đỉa hút nhiều máu và sống hàng tháng trời rất khó khăn” - bác sĩ Hải cho biết thêm.

Đỉa suối được gắp ra từ mũi bệnh nhân.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên có bệnh nhân bị đỉa chui vào mũi mà các bác sĩ đã nhiều lần tiến hành các ca gắp đỉa từ mũi bệnh nhân. Theo ông, nguyên nhân phát sinh bệnh chủ yếu do thói quen uống nước và tắm trên khe suối của người dân.

Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã gắp thành công một con đỉa dài hơn 13cm ra khỏi khí quản bệnh nhân H.H.T (36 tuổi). Bệnh nhân ho khạc đờm ra máu ít, khó thở, khàn tiếng nhiều về ban ngày nhưng uống thuốc không đỡ. Các bác sĩ nội soi thanh quản, mới phát hiện dị vật là một con đỉa ở khí quản. Mỗi khi con đỉa hút no máu lại kích thích gây ho, gây nhiễm khuẩn, đường hô hấp dưới… Trước đây, các bác sĩ thường gặp đỉa ở mũi, tai... còn ở vị trí khí quản rất hiếm gặp.

Các bác sĩ cho biết, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị đỉa chui vào mũi khi tắm suối. Khi ký sinh trong mũi người, đỉa sẽ là một sát thủ giấu mình, tấn công cơ thể con người gây ra nhiều biến chứng.

Những loài đỉa sống ở dưới nước ngẫu nhiên chui vào cơ thể người khi uống nước qua đường miệng hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do tắm lâu dưới nước. Bệnh do đỉa chui vào cơ thể người đã gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Khi uống nước lã, đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi; do hít sâu nên đỉa có thể xuống tới phế quản. Đỉa thường bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản.

Triệu chứng thường gặp là chảy máu liên tục do đỉa tiết ra chất hirudine có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Triệu chứng chảy máu được phát hiện dưới các hình thức ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu.

Đỉa thường bám vào một vị trí nào đó để hút máu nên chúng gây ra những triệu chứng như tăng áp lực, khó chịu, đau, thần kinh bị kích thích bắt nguồn từ nơi bị ký sinh; rối loạn chức năng cơ quan bị đỉa ký sinh, bội nhiễm vi khuẩn gây viêm ở nơi đỉa bám hút máu; có thể gây ổ áp xe ở lớp dưới niêm mạc.


Lê Mai
Ý kiến của bạn