Hà Nội

Đi xem xiếc tất niên

22-01-2012 08:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đã luống tuổi rồi, trời lạnh, con cháu đều đi làm và đi học vắng, tôi thường chỉ ở nhà đọc sách và vào mạng để khỏi tách mình ra khỏi cuộc sống, trừ khi có việc mới dám bước ra khỏi nhà.

Đã luống tuổi rồi, trời lạnh, con cháu đều đi làm và đi học vắng, tôi thường chỉ ở nhà đọc sách và vào mạng để khỏi tách mình ra khỏi cuộc sống, trừ khi có việc mới dám bước ra khỏi nhà.

Nhưng thú thực, bây giờ phải ra đường cũng ngại lắm. Ngày trước tôi có 7 phương tiện để di chuyển: đi bộ, cưỡi xe đạp, phóng xe máy, ngồi xích lô, vẫy xe ôm, nhảy tắc xi và đôi khi xe cơ quan cũ đón…

Nhưng giờ đã nghỉ hưu lâu rồi, họa hoằn mới phải đến cơ quan. Xe đạp và xe máy thì vợ con cấm tiệt, xích lô ở phố tôi không có, xe ôm cũng sợ va quệt, tắc xi thì tốn tiền, thế là chỉ còn có xe “căng hải” là được phép tự do.

Nhưng với xe “căng hải” liệu cũng có yên không đây?! Thì đấy, ông bạn nhạc sĩ Hồng Đăng đã nem nép đi trên vỉa hè bên Tràng Tiền, đang thăng hoa với mấy quầy sách thì bị xe máy tông gẫy đùi, nằm bẹp mấy tháng nay rồi. Nhạc sĩ Văn Dung xót xa cho bạn, bạn chưa khỏi thì cũng lại bị xe máy quệt, vốn thoăn thoắt như thế mà hiện cũng mới chỉ có thể ngao du bằng “ba chân” quanh phòng.

Nhớ lại hồi còn trẻ mà thèm. Vỉa hè thênh thang. Lòng đường thoáng đãng. Có thể yên tâm ngắm phố. Ôn lại những kỷ niệm một thời đã gắn bó mình với ba mươi sáu phố phường này.

  Giờ thì vỉa hè rộng rãi ngăn nắp như xưa hầu như cũng chẳng còn. Lòng đường chật cứng. Nhiều lúc ùn tắc, xe máy còn theo nhau lao lên hè. Tiếng máy, tiếng còi inh ỏi. Bụi, khói hun đen lỗ mũi.

 Ra dạo phố yên tâm nhất, may ra cũng chỉ còn được ba ngày Tết …

Nói thế nhưng thỉnh thoảng, tù túng quá tôi cũng bạo gan vùng lên, ới mấy ông bạn già tới mấy quán ăn quen thuộc, cùng nhau nâng lên đặt xuống, tán gẫu chuyện đời… vui buồn lẫn lộn, vui vì được gặp nhau, buồn vì mỗi lần lại thiếu bớt một vài người.

Mấy hôm nay, thấy mọi người ngược xuôi, lo sắm Tết, một ông bạn già điện hỏi: Tất niên, có định đi đâu không ? - Tôi bảo: Đang cần một chút ồn ào náo nhiệt và hấp dẫn sau nhiều ngày tự giam trong thư phòng bình lặng đây!

Không ngờ ông bạn không thèm hỏi gì thêm, cứ thế đưa tôi đến rạp xiếc bên công viên Thống Nhất.

Tôi chưa kịp phản ứng thì hàng ngàn đôi mắt long lanh như mắt thỏ của các cháu đã đưa tôi sang một thế giới khác, hồn nhiên trong trắng. Nhất là khi nghe các cháu reo hò hoan hô hoặc rú lên thích thú vì tài nghệ và những trò nguy hiểm của nghệ sĩ, tôi như quên hẳn những ưu tư thường nhật. Cũng reo, cũng hò và la hét như các cháu lúc nào không biết… nếu có gì khác, có lẽ là do tuổi tác và thói quen tư duy, ngoài sự thích thú, có những tiết mục khiến tôi không khỏi suy nghĩ…  

Xiếc thăng bằng, mà tôi đã được xem nhiều lần trước đây, bỗng hôm nay gây cho tôi một cảm thụ mới mẻ.

Vốn biết đó là thành quả của sự mẫn cảm hình thể, phải dày công luyện tập, đôi khi phải dám chịu nguy hiểm và chỉ dựa vào tài năng của bản thân mình là chính. Nhưng hôm nay nó là hình ảnh của cái không thể và có thể.

Cứ theo dõi nhiều trò tưởng rằng rồi sẽ đổ, sẽ ngã, là nguy hiểm, có thể gây tai nạn… là không thể được, nhưng rồi với tài nghệ của người nghệ sĩ, cái không thể lại thành có thể.

Làm thế nào mà hàng chục chiếc đĩa cứ xoay tít trên đầu que nghiêng gần sát đất mà không rơi, làm thế nào mà có thể đứng trên mấy tầng ván trên những con lăn, trao qua trao lại trên mặt bàn cao ngất ngưởng mà không ngã?... Người xem thì căng thẳng hồi hộp, nhưng người diễn thì cứ thoải mái, cười tươi như hoa.

Bí quyết ở đây là do giữ được thăng bằng, chính sự thăng bằng đã tạo ra sự ổn định. Và đâu là ranh giới giữa ổn định và mất thăng bằng, làm thế nào để giữ được thăng bằng là do mẫn cảm và tài năng thích ứng của người nghệ sĩ, mới là điều mà người xem khâm phục.

Tôi bất giác nghĩ tới sự thăng bằng trong cuộc đời, một điều mà tôi vẫn thầm cảm thấy rất cần thiết cho cuộc sống của từng con người cũng như cho toàn xã hội. Tôi tự hỏi, cuộc sống của xã hội ta lúc này có thăng bằng không? Thật khó trả lời.

Cứ thử nghĩ xem, từ ngày đất nước ta chuyển đổi cơ chế kinh tế, mở cửa với thế giới… dù ai có nhắm mắt, bịt tai lại cũng không thể phủ nhận: đất nước đã có những bước phát triển nhất định, nhìn chung đời sống đã được nâng cao một phần, phương thức sống hiện đại hơn, không khí sinh hoạt có phần dễ chịu hơn…

Nhưng rồi mọi người cũng lại cảm thấy có sự mất thăng bằng dần trong sự phát triển. Đó là sự mất thăng bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và văn hóa, giữa đầu óc thực dụng và lý tưởng, giữa ảnh hưởng ngoại lai và truyền thống dân tộc, giữa lợi ích cá nhân và quyền lợi tập thể, giữa nông thôn và thành thị... Và hệ quả của nó là tật bệnh xã hội, tham nhũng hối lộ, cửa quyền, sự thao túng của nhóm lợi ích... phát triển tràn lan!

Bắt đầu cảm nhận thấy sự mất thăng bằng đó là tầng lớp lớn tuổi đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh rồi lan dần tới tầng lớp thanh niên có suy nghĩ. Và đến hôm nay, thật đáng sợ! đã xuất hiện một lớp người về nhận thức cũng cảm thấy xã hội như thế là không ổn, cũng lớn tiếng phê phán xã hội nhiễu nhương, bậc thang giá trị xã hội bị đảo lộn, nhưng lại vẫn hành động theo những điều mình chê trách, cho rằng khi không có đạo đức xã hội thì cần gì phải giữ đạo đức cá nhân?!

Lúc này những ai còn có ý thức đều băn khoăn, trăn trở và tự hỏi, chẳng lẽ đất nước đã phải trải qua mấy chục năm chiến tranh, hàng triệu con người đã ngã xuống vì một xã hội như thế này sao?!

Thử hỏi: trên đất nước này có ai lại không có những người thân và bạn bè đã ngã xuống. Thậm chí còn có bao nhiêu người đã hy sinh mà tới nay chúng ta còn chưa tìm được cho họ một chốn mồ yên mả đẹp. Chúng ta may mắn còn sống sót cho đến hôm nay lại có thể nhẫn tâm lãng quên họ nhanh đến thế sao?! Có thể ngày đêm chỉ lo chạy theo hạnh phúc và lòng tham của riêng mình sao?!

Và căn nguyên là do đâu?! Vì sao trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, cũng như các nước trên thế giới đều khẳng định: Văn hóa phải là động lực và mục tiêu của sự phát triển, nhưng thực tiễn lại cứ diễn ra không như quan niệm.

Sự phát triển hiện nay ngày càng lộ rõ là một sự phát tiển không dựa trên một nền tảng văn hóa đáng mơ ước, không phải là điểm gặp gỡ giữa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành tựu kinh tế với những ao ước mang tính nhân văn sâu xa của con người, là một sự mất thăng bằng đáng tiếc.

Tất niên, tôi không ngờ lại được chiêm ngưỡng những tài năng của sự thăng bằng, nhìn qua cứ tưởng chỉ là trò du hí, nhưng suy cho cùng, đó chính là bí quyết và thước đo của mọi sự nghiệp bền vững trong cuộc đời này.

Và còn gì thú vị hơn là tất niên lại có dịp được suy nghĩ về những điều trên tại một đường phố mang tên vị anh quân lẫy lừng nhất trong lịch sử. Đó là Đức vua Trần Nhân Tông, người đã dạy nhân dân ta rằng: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Người đã có công hiển hách lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng hai cuộc xâm lược của quân thù mạnh hơn gấp bội.

Tuy công lao là thế nhưng không màng danh lợi, sau khi tạm yên việc nước, tuy còn rất trẻ đã nhường ngôi lại cho con để xuất gia, trở thành Phật Hoàng, lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang danh muôn thuở và là nơi linh thiêng đối với nhân dân cả nước.

Lững thững dọc đường phố Trần Nhân Tông, hình như tôi lại được nghe văng vẳng đâu đó bài thơ của ông:

“Ngủ dậy ngó song mây,

Xuân về vẫn chưa hay.

Song song đôi bướm trắng

Phất phới sấn hoa bay”.        

GS.TS. Đình Quang


Ý kiến của bạn