Đi xem xiếc, bị “vào xiếc”

29-09-2012 18:11 | Xã hội
google news

Ở vào thời điểm kinh tế khó khăn, nhà nhà thắt chặt chi tiêu, việc Rạp Xiếc Trung ương còn phải vắng khách cũng là điều bình thường. Ấy vậy mà với những chiêu tiếp thị đầy “mới lạ” và khéo léo, một đoàn xiếc vô danh không biết ở đâu ra lại… dụ được cả nghìn con người chen chân vào xem những tiết mục “khỉ gió” một cách đầy hứng khởi…

(SKDS) - Ở vào thời điểm kinh tế khó khăn, nhà nhà thắt chặt chi tiêu, việc Rạp Xiếc Trung ương còn phải vắng khách cũng là điều bình thường. Ấy vậy mà với những chiêu tiếp thị đầy “mới lạ” và khéo léo, một đoàn xiếc vô danh không biết ở đâu ra lại… dụ được cả nghìn con người chen chân vào xem những tiết mục “khỉ gió” một cách đầy hứng khởi…

Sáng 21/9/2012, hàng nghìn cháu bé thuộc các trường mẫu giáo, tiểu học thuộc quận Tây Hồ được một đoàn xiếc đến và phát đến tận tay từng cháu một chiếc vé xem xiếc màu mè rất hấp dẫn. Trên vé ghi chữ “MIỄN PHÍ” rõ to để bố mẹ… yên tâm. Chương trình là Đại hội xiếc người - thú 2012 – được ghi rõ là tổng hợp đặc biệt, cực hay, cực hấp dẫn, lần đầu tiên được tổ chức công phu, hoành tráng bậc nhất Đông Nam Á, diễn ra tối hôm đó tại Nhà thi đấu khu Liên hiệp thể thao quận Tây Hồ trên phố Xuân La.

Có vẻ khâu marketing đã được làm chỉn chu nên tối hôm ấy, dưới ánh đèn laser sáng cả một vùng trời, hàng ngàn bậc phụ huynh cùng con em náo nức chen chân trước cửa nhà thi đấu. Tiếng loa của ban tổ chức phát ra rả mời gọi càng khiến mọi người cuống cuồng. Bãi gửi xe quá tải ùn đặc, tiếng hét tiếng khóc tùm lum.

 Sân khấu “hoành tráng bậc nhất Đông Nam Á”.

Điều khiến mọi người ngỡ ngàng nhất là muốn vào thì phải mua vé, chỉ trừ trẻ em dưới 6 tuổi. Đến đây ai cũng ngộ ra phần nào, nhưng đã trót “đâm lao thì phải theo lao”, không lẽ hứa với con đi xem xiếc mà lại đi về. Vậy là ai nấy bấm bụng móc túi mỗi người lớn 100.000 đồng/vé, trẻ em trên 6 tuổi 50.000 đồng/vé. Nhiều đoàn đi đông đã không lường trước tình huống đành đứng ngoài bãi cỏ chơi… rồi về. Thế nhưng chính họ là những người may mắn bởi có vào trong mới biết.

Bên trong nhà thi đấu nóng nực, lại không quạt, không điều hòa, không cả nhà vệ sinh. Hàng ngàn con người chen chúc nhau đến khổ sở. Càng thất vọng hơn khi sân khấu “hoành tráng” chỉ là một cái bục dựng tạm ở một góc nhà thi đấu mênh mông, còn không “hoành tráng” bằng cái bục tổ chức đám cưới.

Ban tổ chức lại còn mọc ra cả một đội ngũ… cho thuê ghế nhựa để những ai muốn ngồi gần “sân khấu”, 10.000 đồng/ghế, không thuê thì xin mời đi lên hàng ghế bệ xi măng trên khán đài xa tít tắp mà ngồi. Mọi người lại tấp nập thuê ghế. Rồi lại mọc ra một đội ngũ bán quạt giấy. 10.000 đồng/chiếc. Không ai không mua bởi chịu hết nổi sự ngột ngạt trong nhà thi đấu, mỗi người một cái quạt, quạt lấy quạt để khiến cả khán đài như thể đang cổ vũ nhiệt tình vậy. Điều này chứng tỏ ban tổ chức hoặc đoàn xiếc đã lường trước tình hình, cố tình tạo khó khăn để kiếm lời.

Các tiết mục xiếc thì còn đáng xấu hổ hơn. Chỉ là những tiết mục hết sức cổ lỗ như lắc vòng, thăng bằng trên ống tròn, tung hứng. Diễn viên lắc vòng lắc đúng 10 vòng thì chào đi xuống, tiết mục này cảm giác bất kể cô gái nào hay tập lắc vòng cũng làm được. Tiết mục thăng bằng diễn viên ngã lăn trên sân khấu, rồi gãy cả bục thăng bằng khiến khán giả cười ồ. Xiếc thú là… mấy chú chó Nhật cùng trò sủa 1, 2, 3, 4 mà ai cũng biết. Điều đặc biệt là chương trình diễn thì ít mà nói ba hoa lấp liếm gọi là “giao lưu với khán giả” thì nhiều khiến mọi người sốt ruột. Đến tiết mục tung hứng, hàng đoàn người không chịu nổi nối đuôi nhau ra về. Bên ngoài, vẫn hàng đoàn người khác kéo đến trong tiếng loa ra rả của ban tổ chức: “Giá vé chỉ còn 50.000 đồng”. Tôi cũng bực bội ra về mà không biết còn bao nhiêu người bị vào “xem xiếc” ở trong đó nữa.

 Những ai không thuê ghế thì phải ngồi xa tít thế này để xem.
Thì ra vở “xiếc” đáng xem nhất ở đây chính là cách đoàn xiếc cho mọi người vào “xiếc” một cách cực kỳ ngoạn mục và khéo léo. Đến nỗi dẫu có rất bực mình, tôi cũng phải thầm phục cách tiếp thị, quảng cáo rất kêu mà đoàn xiếc vô danh này đã làm. Họ đã rất khéo léo đánh vào tâm lý rằng: “Chỉ diễn một đêm duy nhất”, bởi lẽ đoàn xiếc này thừa hiểu nếu chương trình này diễn đêm thứ hai sẽ chẳng lừa được ai và rất dễ bị… “ném đá”, chắc chắn họ lại kéo đi quận khác để diễn.
 
Chỉ trách rằng lòng tin của các bậc phụ huynh đã bị lợi dụng, trách rằng Ban tổ chức trong đó chắc chắn không thể thiếu Nhà thi đấu Xuân La đã không tìm hiểu hoặc quá dễ dãi để cho những đoàn xiếc như vậy có điều kiện “móc túi” người dân. Trong lúc Liên đoàn Xiếc Việt Nam gần đây có rất nhiều chương trình hấp dẫn, có giá trị như “làng quê” đang kín hợp đồng ở nước ngoài thì việc một số nhóm xiếc vô danh đi “đánh quả” kiểu này thật đáng buồn. Cũng mong được cảnh báo để những quận, huyện khác đề cao cảnh giác nếu gặp trường hợp các đoàn biểu diễn “không rõ nguồn gốc” này tới liên hệ. 

Bài, ảnh: Hoàng Dương


Ý kiến của bạn