Đi xem Lễ hội Hò khoan Lệ Thuỷ trên quê hương đại tướng Võ Nguyên Giáp

02-09-2019 08:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tối ngày 1/9, dưới cơn mưa tầm tã, đông đảo người dân huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đã đội mưa về bên bờ sông Kiến Giang để thưởng thức Lễ hội Hò khoan Lệ Thuỷ. Làn điệu dân ca này có từ lâu đời đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.

Theo đó, Lễ hội Hò khoan Lệ Thủy năm nay được tổ chức tại sông Kiến Giang ở khu vực cầu Xuân Phong. Các đội hát ở hai bên bờ sông và trên thuyền trung tâm. Mặc dù mưa lớn nhưng không làm phai nhạt các giọng hò nhiệt huyết của các nghệ sĩ.

Thuyền hát trung tâm

Hò khoan thường được người dân hát trong các dịp chèo đò, giã gạo và các lễ hội làng bên sông Kiến Giang. Hò khoan có đặc trưng sử dụng những lời ăn tiếng nói mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ nỗi lòng cũng như đối đáp. Thông thường các đội hò khoan thường được chia làm hai phe (nam nữ hoặc hai làng khác nhau) để thi đối đáp.

Hò khoan Lệ Thủy có chín mái bao gồm Lỉa trâu; Mái nhài (dài ); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm. Tiết nhịp (có thể là 2/4, 4/4 hoặc nhịp tự do), tiết tấu (nhanh, chậm, tùy hoàn cảnh lao động, môi trường lĩnh xướng mà biến đổi linh hoạt) và luật (lĩnh xướng - xố - chầu riêng của từng mái hò).

Năm 2013, câu lạc bộ (CLB) hò khoan đầu tiên ra đời, với 15 thành viên luyện tập thường xuyên ba buổi mỗi tuần, kinh phí tự túc. Hoạt động của CLB là điểm nhấn trong các chương trình văn hóa, văn nghệ địa phương. Vừa tìm lại các lời hát cũ, sáng tác tác phẩm mới để phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương, làn điệu dân ca này còn được đề xuất đưa vào trường học. Các thành viên CLB nhận trách nhiệm dạy hát cho giáo viên và học sinh, phối hợp tổ chức các hội thi đàn hát dân ca tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, được đông đảo lớp trẻ hưởng ứng.

Trong dân ca vùng duyên hải miền trung, hò khoan Lệ Thủy vừa có tính tương đồng, vừa khác biệt, chứng tỏ sự tồn tại vững bền của nó trong cộng đồng. Hầu như lĩnh vực lao động nào trong đời sống cũng có mặt hò khoan. Khó có nơi nào trong làn điệu dân ca, yếu tố hò đậm đặc như nơi đây. Hầu hết các mái hò đều có mở có kết, có xướng và có xố. Chính vì đặc tính đó nên hò khoan Lệ Thủy có tính phổ biến cộng đồng rất cao. Hầu như ai cũng có thể cất lời hò và nhất là tất cả mọi người đều có thể xố theo trong mọi cuộc hát. Nhạc phẩm Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân cho thấy rất rõ điều đó.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận làm điệu hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này sẽ khuyến khích tất cả thấu hiểu hơn nữa, bảo tồn giá trị vững bền, phát huy và quảng bá Hò khoan Lệ Thủy trong cuộc sống hiện đại.


Gia Thiên
Ý kiến của bạn