Đi xem “hoạt náo” cồng chiêng

19-12-2008 06:05 | Thời sự

Người trưởng nhóm tự xưng là nghệ nhân cầm micro hú hét một điệu kỳ bí gọi thần linh, 6 chàng trai ôm chiêng đấm bập bùng vô hồn trong sự nhốn nháo của hàng trăm du khách đến từ phương xa.

Người trưởng nhóm tự xưng là nghệ nhân cầm micro hú hét một điệu kỳ bí gọi thần linh, 6 chàng trai ôm chiêng đấm bập bùng vô hồn trong sự nhốn nháo của hàng trăm du khách đến từ phương xa. Trong một không gian được thu nhỏ dường như sự huyên náo là bất tận. Và tiếng cồng chiêng trở nên lạc lõng, chìm nghỉm trong mớ âm thanh hỗn tạp...

 Du khách nhất loạt bị yêu cầu giơ hai tay lên trời... gọi thần linh.
 
Văn hóa cồng chiềng bị biến tướng

Theo chân một đoàn du khách hơn 300 người, chúng tôi tìm đến nhóm cồng chiêng Lang Biang do Kră Jăn Tẹ làm chủ ở khu phố Bon Đưng (thị trấn Lạc Dương). Ngay sát dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, đêm thị trấn miền rừng không còn huyền hoặc tình sử mà huyên náo bao trùm. Ba chàng trai của nhóm trong trang phục ẩm ương, trên áo khoác thời trang, dưới đóng khố ôm chiêng gõ bập bùng đón khách.

Nhóm Lang Biang hiện được xem là nhóm cồng chiêng đông khách nhất vùng thị trấn này, hai sân khấu bê tông của gia đình Kră Jăn Tẹ có thể đón từ 600 - 700 khách du lịch mỗi đêm. Chủ nhóm cho biết, có tháng chỉ riêng rượu cần đã tiêu thụ hết... gần 1.000 chóe! Sự chuyên nghiệp trong kinh doanh là điều nổi bật nhất trong các nhóm cồng chiêng vùng Lạc Dương. Mùa du lịch cao điểm, mỗi nhóm có thể thu lợi nhuận lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Hàng trăm con người háo hức với văn hóa cồng chiêng vỡ òa trong những tràng cười khi chủ nhân cầm micro làm điệu bộ hú hét những câu bí ẩn "gọi thần linh" được phóng to hết cỡ bằng 6 chiếc loa công suất lớn. Sau lưng chúng tôi, 4 du khách ngoại quốc tròn xoe mắt ngạc nhiên không hiểu đám đông trước mặt họ đang diễn trò gì! Tiếng cồng chiêng trầm hùng khi những chàng trai đâm trâu để hiến tế thần linh ngày bỏ mả; thổn thức trong lễ cầu sức khỏe; da diết ước mong trong ngày lễ phát rẫy trỉa lúa; phấn khởi, mừng vui trong ngày lễ mừng lúa mới ở các buôn làng Tây Nguyên bị nén lại trong một không gian hỗn tạp. Những nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết với cồng chiêng Tây Nguyên; những người đã bỏ không biết bao nhiêu công sức sưu tầm, nghiên cứu, thuyết trình để UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là 1 trong 43 di sản của 46 quốc gia trong ngày 25/11/2005 chắc hẳn sẽ đau lòng trước những hình ảnh biến tướng ở vùng Lạc Dương hôm nay.

 Du khách cõng sơn nữ sau trò chơi giành ghế.
Phản cảm!

Đêm hoạt náo lên đến đỉnh điểm khi một "nghệ nhân" đưa ra "sáng kiến" trò chơi "giành ghế có thưởng" thu hút hàng trăm người đứng lên vây quanh đống lửa giữa tiếng chiêng lọt thỏm, loãng ra tội nghiệp. Những sơn nữ mặc thổ cẩm được "đạo diễn" chỉ đạo cặp đôi với những chàng du khách người Kinh và ngược lại, các "kiều nữ" miền xuôi lại đóng cặp giành ghế với các "Đam Săn đóng khố hiện đại". Tiếng chiêng. Lại tiếng chiêng tội nghiệp vang lên vô hồn để bắt đầu trò chơi. Kết thúc trò diễn hoạt náo này, hai cặp thắng nhất, nhì lại được các chàng trai buôn làng "đấm chiêng" cổ vũ cõng nhau chạy 8 vòng quanh đống lửa và... hôn nhau trước hàng trăm cặp mắt xa lạ. Păng Tin Phi Ni - sơn nữ đoạt giải nhất trò giành ghế, mặt toát mồ hôi rướn chân hôn liên tục lên cổ một chàng du khách sau khi đã cõng người đàn ông này chạy 3 vòng. Tội nghiệp sơn nữ! Nếu đêm nào cũng thắng cuộc thì chẳng biết cô còn đủ sức mà hôn du khách hay không?!

Tiếng cồng chiêng luôn đem đến một cảm xúc rạo rực khó tả trong mỗi con người từ hàng nghìn năm trước đã được mang ra làm nền cho những trò lố lăng khi một chàng "đực rựa" đóng giả sơn nữ mang kính đen lao ra bên đống lửa! Chúng tôi chết lặng và những điệu chiêng lạc lõng hình như cũng không đủ sức thoát khỏi mớ âm thanh hỗn tạp để vọng theo triền núi. Những du khách ngoại quốc phía sau lặng lẽ rời đi.

Dịch vụ kinh doanh văn hóa cồng chiêng vùng thị trấn Lạc Dương "ăn theo" tour du lịch tham quan đỉnh núi Lang Biang mấy năm gần đây nở rộ. Thị trấn chỉ kéo dài chưa tới 2 km này hiện có tới 10 nhóm cồng chiêng thương mại. Có cả những người Kinh vào đây bỏ vốn đầu tư và mượn danh người bản địa để kinh doanh. Tất cả đều hoạt động dựa trên quy chế riêng của địa phương mà không có một tụ điểm nào được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. Ông Nguyễn Tánh - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đưa ra lý do "Không dễ xin cấp phép vì đây vẫn là hoạt động nghệ thuật chưa chuyên nghiệp, là hoạt động văn hóa quần chúng nên rất khó". Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các tụ điểm này "lách" quy chế của huyện, đua nhau bày ra lắm trò để biểu diễn cốt câu khách kiếm tiền.

 Du khách không thể tìm thấy bản sắc văn hóa cồng chiêng tại những đêm biểu diễn như thế!
 
Chỉnh tiếng cho chiêng

Kết quả tìm hiểu nhiều năm của các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, những cư dân Tây Nguyên đã "nhập" hàng vạn sản phẩm bằng đồng vô hồn từ các vùng đất khác và với tài nghệ chế tạo nhạc cụ, năng khiếu thẩm âm bẩm sinh tuyệt vời của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác đã biến cồng chiêng thành không gian tâm linh riêng của mình, thành kiệt tác di sản của nhân loại. Những nghệ nhân Tây Nguyên xưa đã làm nên điều kỳ diệu đó, nên không có lý gì con cháu lại làm cho kiệt tác biến tướng theo xu thế thương mại hóa cồng chiêng hiện nay. "Những trò biến tướng, nhố nhăng đã xảy ra là do các “cò” du lịch bày cho bà con" - Ông Đinh Bá Quang, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng) khẳng định. Chúng tôi cũng tin điều đó vì với đại đa số đồng bào các buôn làng Tây Nguyên thì tiếng chiêng vẫn mang giá trị tâm linh là linh hồn trong đời sống văn hóa cộng đồng của họ. Âm thanh cồng chiêng là sợi dây kết nối cá thể với cộng đồng, cộng đồng với cộng đồng một cách linh thiêng và thế tục, cộng niệm và cộng cảm. Chiêng cồng đã trở thành biểu tượng cuộc sống các dân tộc Tây Nguyên. Khác với cồng chiêng của các nước trong khu vực, cồng chiêng Tây Nguyên chưa bị chuyên nghiệp hóa, vẫn gắn bó với p' lei, p' lơi, buôn, bon, vẹn nguyên dáng vẻ dân gian, thô mộc mà chắc khỏe, tinh tế và sâu lắng nơi núi rừng đại ngàn, cùng với tiếng thác nước ào ạt chảy ngày đêm, tạo nên một không gian văn hóa đậm chất sử thi trải dài cả một dải Nam Trường Sơn. Giá trị nổi bật của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là chứa đựng những sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Tài nghệ của cư dân Tây Nguyên là biến một sản phẩm hàng hóa vốn không được chính họ chế tạo thành một nhạc cụ tuyệt vời.

Những điều đó không phải các nhà quản lý văn hóa ở Lâm Đồng không biết! Chưa cần chờ đến việc cấp phép hay không cho hoạt động kinh doanh văn hóa cồng chiêng, chỉ cần thực hiện đúng quy chế của huyện Lạc Dương, thực hiện một cách có quản lý giám sát thực chất, không thả nổi hình thức kinh doanh này thì âm thanh cồng chiêng cũng đỡ tạp lắm rồi! Đừng để cồng chiêng trở thành những vĩ thanh buồn!

Bài và ảnh: Sơn Tùng


Ý kiến của bạn