Chỉ đến khi bỏng phải nhập viện với những đau đớn do bỏng gây ra, người ta mới lường được sự nguy hiểm từ việc dùng cồn để nướng mực.
TS.BS. Đỗ Lương Tuấn, Trưởng khoa Bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, hầu hết các ca bỏng cồn đều liên quan đến nướng mực, cá. Tuần nào tại khoa cũng tiếp nhận những bệnh nhân bỏng tương tự, liên quan đến nướng mực, cá khô bằng cồn y tế. Hầu hết các ca bỏng cồn nhập viện đều do nướng mực. Các tai nạn này rải rác quanh năm, nhưng gặp nhiều nhất vào mùa hè khi người dân đi nghỉ mát, mua mực khô về nhà, cơ quan để làm quà.
Trung bình một năm Khoa Bỏng người lớn tiếp nhận hơn 300 ca bỏng cồn (năm 2016 là 325 ca), chiếm tỉ lệ 6,35% trong các tác nhân gây bỏng. Trong khi đó, ga hầu như nhà nào cũng sử dụng, tỉ lệ bỏng do ga chỉ chiếm khoảng trên dưới 3%.
Nhiều trường hợp bị bỏng do dùng cồn nướng mực, cá.
Việc sử dụng cồn để nướng mực là tuyệt đối không an toàn, thậm chí để lại hậu quả ghê gớm, có những ca bỏng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhân phải phẫu thuật ghép da vài lần mà không thể hết sẹo. Những vết sẹo bỏng nhăn nhúm sẽ đi theo người bệnh cả cuộc đời, nhất là ở những vị trí vùng mặt càng để lại hậu quả nặng nề hơn.
“Vì thế, hãy từ bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô. Nó rất nguy hiểm, trong tích tắc có thể khiến bạn và những người xung quanh bị bỏng, với thời gian điều trị hàng tháng trời. Hãy dùng các biện pháp nướng khác an toàn hơn, như nướng ở lò vi sóng, than, trên bếp ga... Chỉ cần thay đổi một thói quen sẽ giúp giảm nguy cơ bị bỏng gây nên một gánh nặng cho bản thân, gia đình”, TS. Tuấn khuyến cáo.
Sở dĩ khi sử dụng cồn nướng mực, cá khô dễ gây bỏng, bởi khi cồn cháy tạo thành ánh sáng xanh, nếu nướng mực ban ngày, ở nơi nhiều ánh sáng rất khó để phát hiện lửa đã tắt hoàn toàn chưa. Các ca tai nạn đều xảy ra do bệnh nhân nghĩ lửa đã tắt, đổ cồn vào khiến lửa bắt vào, cuống quá họ hất ngay chai cồn bắn tung tóe ra những người xung qua, bám vào quần áo, bốc cháy và gây bỏng. Tình huống này gặp phổ biến nhất, gần như 100%.
Nếu đã trót bị, lời khuyên của các bác sĩ là ngay lập tức dập lửa, cởi quần áo cháy, sau đó ngâm vùng bị bỏng vào nước mát từ 16 - 20 độ C. Sau khi ngâm nước mát, làm mát bề mặt bỏng thì nên đưa đến cơ sở y tế.
Đặc biệt với lửa cồn cần chú ý nguy cơ bỏng hô hấp, nhất là khi bị cồn bám vào vùng mặt gây cháy lông mũi, lông mi. Đây là loại bỏng rất nguy hiểm, ngay khi bị cháy vùng mặt cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khẩn trương, bởi khi bệnh nhân đã nói khàn cho thấy dấu hiệu bỏng hô hấp sẽ rất nguy hiểm, bệnh nhân phù nề đường thở khiến không thở được.