Dị vật thức ăn gây thủng ruột thừa, dạ dày: Hiểm họa trong ăn uống cần cảnh giác

16-08-2023 10:58 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Dị vật thức ăn là những mảnh thức ăn lớn, cứng ở dạ dày hoặc tá tràng, không di chuyển được xuống ruột... có thể gây tổn thương dạ dày tá tràng, gây tắc ruột, thậm chí thủng dạ dày.

Nghi ung thư, đi khám hóa ra bị hóc xương cáNghi ung thư, đi khám hóa ra bị hóc xương cá

SKĐS - Nam thanh niên 17 tuổi thấy cổ nổi hạch và sưng, nghĩ mình bị ung thư nên đã đi khám. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị... hóc xương cá.

Áp xe, thủng ruột thừa do xương cá, xương lợn, tăm xỉa răng…

Theo ghi nhận, tại các cơ sở y tế đã tiếp nhận và điều trị thành công bằng phẫu thuật nội soi cho nhiều trường hợp bị thủng ruột thừa do các dị vật đâm như: xương cá, xương lợn, tăm xỉa răng…

Mới đây nhất, Khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa (A3A), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân H.T (sinh năm 1960, quê ở Hòa Bình) có tiền sử mổ khâu lỗ thủng hành tá tràng. Bệnh nhân có triệu chứng đầy bụng kém ăn, gầy sút cân (6kg/3 tháng); không có biểu hiện đau bụng, không buồn nôn, không nôn, không sốt, đại tiện bình thường. Khám thấy bụng mềm, không có điểm đau khu trú, không sờ thấy u cục.

Tại khoa Điều trị bệnh ống tiêu hóa, bệnh nhân được nội soi dạ dày. Kết quả thấy có dị vật dạng thức ăn hình khối, đóng khuôn gần giống chữ nhật, nằm trong tá tràng, màu đen nâu. Qua nội soi, khối được cắt và gắp ra ngoài thành 2 mảnh to, và ít mảnh nhỏ. Miếng dị vật có kích thước 3x6cm. Khi đưa ra ngoài, dị vật được xác định là 1 miếng măng tính chất khá mềm nhưng dai và tước xơ, phía trong đã chuyển màu nâu sẫm.

Nam thanh niên tưởng ung thư, không ngờ do hóc xương cá- Ăn họa trong ăn uống cần cảnh giác - Ảnh 2.

Dị vật dạng thức ăn hình khối của bệnh nhân H.T được các bác sĩ gắp ra.

Bệnh nhân sau khi được gắp dị vật ra ngoài chia sẻ: "Tôi đã không ăn măng từ tết tới giờ, ăn thì cũng không nhai nên không hiểu miếng măng đã nằm ở đó bao lâu".

Trước đó, bệnh nhân N.V.T (49 tuổi, quê ở Cần Thơ) được chẩn đoán áp xe vùng hố chậu phải do xương cá đâm thủng ruột thừa. Theo lời kể của bệnh nhân T., bệnh nhân thấy đau bụng âm ỉ vùng dưới rốn bên phải, sốt nhẹ 3 ngày trước khi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bệnh nhân uống thuốc giảm đau, hạ sốt thấy người dễ chịu hơn. Sau đó, bệnh nhân T. ra Hà Nội công tác, đến tối cùng ngày thì thấy đau bụng nhiều hơn, người mệt mỏi, sốt nhẹ nên đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ngày thứ 3, khả năng ruột thừa đã vỡ và được chỉ định mổ nội soi cấp cứu giải quyết nguyên nhân.

Theo các bác sĩ, khi mổ thấy ruột thừa bị đâm thủng bởi một dị vật là xương cá, khoảng 1 nửa dị vật vẫn nằm trong ruột thừa, xung quanh ruột thừa có khoảng 30ml mủ thối. Dị vật này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm ruột thừa và áp xe vùng hố chậu phải. Bệnh nhân đã được nội soi lấy bỏ dị vật, cắt ruột thừa, lau rửa và dẫn lưu ổ bụng.

Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị thủng ruột thừa do các dị vật đâm như: xương cá, xương lợn, tăm xỉa răng,… mà được các bác sĩ tiếp nhận và điều trị.

Nam thanh niên tưởng ung thư, không ngờ do hóc xương cá- Ăn họa trong ăn uống cần cảnh giác - Ảnh 3.

Mủ trào ra từ ổ áp xe do dị vật.

Cần thận trọng khi ăn uống để tránh dị vật

Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi… Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong do biến chứng của dị vật gây ra còn rất cao.

Dị vật đường ăn nhất là dị vật thực quản là một cấp cứu có tính phổ biến, là một tai nạn, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao. Thường nhất là xương động vật (cá, gia cầm, lợn...).

Xương động vật ngày thứ hai trở đi đã có thể gây áp xe trung thất, xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn, đều là biến chứng nguy hiểm. Dị vật đường ăn gây ra áp xe cạnh cổ, áp xe trung thất do thủng thực quản thậm chí gây ra thủng động mạch chủ gây ra tử vong. Dị vật thực quản hay gặp nhất trong các dịp tết, hội hè, người lớn bị nhiều hơn trẻ em nguyên nhân do bất cẩn trong ăn uống.

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân trong đó do tập quán ăn uống ở nước ta rất dễ dẫn đến mắc dị vật. Cụ thể các món ăn đều được chặt thành miếng thịt lẫn xương sẽ gây hóc khi ăn vội vàng, ăn không nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, đặc biệt chú ý với người già. Do đó, người dân nên tránh những thói quen này.

Nam thanh niên tưởng ung thư, không ngờ do hóc xương cá- Ăn họa trong ăn uống cần cảnh giác - Ảnh 4.

Hình ảnh nội soi nhìn rõ dị vật thức ăn.

Ngoài ra, dị vật còn do thực quản co bóp bất thường, có những khối u bất thường trong hoặc ngoài thực quản làm thực quản hẹp lại, thức ăn sẽ mắc lại ở đoạn hẹp. Ví dụ: u trung thất đè vào thực quản, ung thư hoặc co thắt thực quản.

Do các đoạn hẹp tự nhiên của thực quản, vì thực quản có 5 đoạn hẹp tự nhiên, và đây chính là chỗ thức ăn hay mắc lại. Dị vật thường mắc lại nhiều nhất ở vùng cổ 74%, đoạn ngực là 22%, còn đoạn dưới ngực là 4%.

Tóm lại: Khi nhắc đến dị vật đường thở chúng ta thường nghĩ ngay đến đối tượng là trẻ em, người già nhưng hóc dị vật có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu chúng ta sơ suất. Vì vậy, khi nghi ngờ bị hóc dị vật… tùy lứa tuổi và tình trạng của nạn nhân mà xử trí đúng cách và nhanh chóng. Nếu không có kinh nghiệm và được đào tạo, tốt nhất bạn nên tìm người có chuyên môn hoặc chờ đội cấp cứu, không nên cố gắng dùng tay móc hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra.

Những việc này làm cho niêm mạc miệng xước, dễ chảy máu, nhiễm trùng hoặc làm dị vật có thể mắc sâu hơn và rơi xuống những vị trí nguy hiểm. Mỗi người dân cần trang bị cho bản thân và gia đình các kiến thức sơ cứu cơ bản các tai nạn thường gặp nhất là hóc dị vật.

Tốt nhất, nếu nghi ngờ có dị vật cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Hoặc nếu có những hiện tượng như đau bụng, buồn nôn, sau khi nuốt phải mảnh thức ăn lớn cứng (măng, cọng rau già..) hoặc ăn các chất chát dính như (tam thất, nghệ mật ong, hồng xiêm, chuối xanh…) thì nên đi đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.

Mời xem thêm video:

Ăn thịt đỏ có làm ung thư tiến triển nhanh?

BS.CKII. Hoàng Kim Ngân
Ý kiến của bạn