Dị vật khớp gối khi nào cần phẫu thuật?

04-11-2014 08:00 | Y học 360
google news

Dị vật trong khớp gối là những mảnh xương, hoặc sụn, hoặc cả hai di chuyển tự do trong khớp.

Dị vật trong khớp gối là những mảnh xương, hoặc sụn, hoặc cả hai di chuyển tự do trong khớp. Có thể chia thành 3 loại chính: Dị vật là các mảnh sụn: do chấn thương gây ra vỡ sụn khớp hoặc do thoái hóa khớp gối; Dị vật là các mảnh xương sụn: gây ra bởi chấn thương gãy xương, viêm xương sụn bóc tách, thoái hóa khớp hoặc u màng hoạt dịch lành tính; Dị vật là tổ chức xơ sợi: do hậu quả của chảy máu trong khớp hoặc do hoại tử các tế bào màng hoạt dịch, thường kèm theo lao khớp, thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.

Hình ảnh Xquang dị vật khớp gối.

Biểu hiện: Bệnh nhân thấy đau, sưng nề gối, dấu hiệu kẹt khớp gối: xuất hiện và biến mất tự nhiên, tái phát, có tiếng lạo xạo trong khớp khi cử động, khi thăm khám khớp gối có thể thấy gối sưng nề, có tiếng lạo xạo trong khớp, kẹt khớp ở tư thế mất duỗi... Xquang: phát hiện dị vật khớp cản quang và calci hóa. Với những trường hợp dị vật khớp nhỏ, không cản quang có thể chẩn đoán dựa vào CT Scanner hoặc chụp khớp cản quang. Cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán các thương tổn kèm theo.

Để có phác đồ điều trị hợp lý trước một trường hợp dị vật khớp gối cần phải xác định rõ nguyên nhân gây ra dị vật khớp. Với dị vật khớp gối nhỏ, chỉ cần theo dõi và dùng các thuốc điều trị triệu chứng. Với dị vật khớp gối đã gây ra các triệu chứng như đau nhiều, kẹt khớp... cần phải được lấy bỏ.

Phẫu thuật mở khớp gối để lấy dị vật khớp gối được chỉ định với một số ít trường hợp dị vật rất lớn và ở phía sau khớp gối. Nội soi khớp gối là phương pháp hiệu quả nhất để lấy bỏ dị vật khớp gối nhờ vào các dụng cụ chuyên biệt để gắp các mảnh dị vật ra hoặc gặm nhỏ các mảnh dị vật và hút ra ngoài phối hợp với bơm rửa khớp gối.

TS. BS. Nguyễn Mạnh Khánh

 

 


Ý kiến của bạn