Hà Nội

Dị vật đường thở với trẻ: Mối lo lớn từ những… vật nhỏ

04-10-2020 09:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Dị vật đường thở (DVĐT) hay hít phải vật lạ vào đường thở, đối với trẻ em, đây là những bất trắc khó lường, bởi hạn chế từ ý thức và nhận thức của lứa tuổi. Nghiêm trọng hơn, có nhiều trường hợp không được xử lý kịp thời, đã để lại hậu quả tổn thương não vĩnh viễn và có thể dẫn đến tử vong.

Nghẹt thở bởi hạt lạc nhỏ

Mới đây, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị thành công một trường hợp DVĐT ở bé trai T.T.P., 13 tháng tuổi. Mẹ bé cho biết, buổi chiều ngày hôm trước, sau khi ăn cháo, bé ra ngồi chơi với bác và được cho ăn lạc rang trong lúc những người lớn đang nhậu. Vừa ngậm lạc, bé vừa chạy chơi với các chị lớn. Đang rượt đuổi vui vẻ thì đột ngột bé sặc sụa nôn ói ra cháo, có lẫn một hạt lạc rang, sau đó ho dữ dội nhiều tiếng liên tục. Thấy bé ho nhiều, nên mẹ đưa ngay bé đến bệnh viện địa phương để khám. Kết quả chụp phim X quang phổi không thấy bất thường, nên xin về nhà. Suốt đêm đó, bé vẫn ho khó thở từng cơn không ngớt. Trong giấc ngủ chập chờn, thỉnh thoảng lại nghe có kèm tiếng rít, nên sáng ra mẹ đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng 1 khám và được nhập viện. Thăm khám, bác sĩ phát hiện bé lừ đừ, khó thở nặng, có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nên nghi ngờ. Bà mẹ cho biết, bé đã ăn lạc rang và nôn ói sặc sụa ra nguyên một hạt lạc lẫn trong cháo. Các bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi đường thở cho bé. Kết quả, phát hiện và gắp ra một nửa hạt lạc nằm bít ngay ở ngã ba khí quản, nơi đường thở phân chia thành hai cuống phổi hai bên. Sau khi gắp dị vật ra, bé hết khó thở, không còn ho, ăn uống trở lại và xuất viện sau đó.

 Dị vật đường thởDị vật là một nửa hạt lạc nằm ngay ở ngã ba khí quản của bé T.T.T, gây bít tắc đường thở

Tai nạn nguy hiểm ở trẻ nhỏ

Trong quá trình trông trẻ, chỉ một thoáng lơ là, bất cẩn của người lớn là trẻ có thể hóc sặc dị vật phải đi cấp cứu. Trẻ nhỏ thích khám phá và có khuynh hướng cho vào miệng các vật có được trong tay, từ những hạt thực vật đến bộ phận đồ chơi, vật dụng nhỏ. Trẻ lớn ngậm nguyên cả trái cây trong miệng như trái nhãn, vải, chôm chôm, táo, thạch rau câu để ăn…Vừa ngậm ăn vừa chạy chơi, đó là điều kiện dễ làm cho dị vật chui  vào đường thở khi trẻ hít vào mạnh hoặc sau một một trận cười, khóc, sợ hãi, ngạc nhiên và trở thành mối nguy đe dọa tính mạng trẻ.

Theo các báo cáo y học tại Mỹ, hóc sặc dị vật gây nghẹt thở là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 3 tuổi trở xuống. Ước tính có khoảng 150 trẻ em bị nghẹt thở mỗi năm. Hàng nghìn trẻ phải cấp cứu do dị vật đường thở, một số khác bị tổn thương não vĩnh viễn.

Theo các báo cáo y học tại Mỹ, hóc sặc dị vật gây nghẹt thở là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 3 tuổi trở xuống. Ước tính có khoảng 150 trẻ em bị nghẹt thở mỗi năm.Hàng nghìn trẻ phải cấp cứu do dị vật đường thở, một số khác bị tổn thương não vĩnh viễn.

Thống kê tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, DVĐT thường xảy ra ở trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi dễ bị nhất, chiếm tỉ lệ đến 73%. Nguyên nhân do bé vừa ngậm thức ăn vừa chơi đùa hay khóc la trong lúc ăn, tuổi này trẻ chưa đủ răng khi nhai thức ăn. Đây là thời kỳ hành vi tay - miệng, trẻ nhỏ khám phá thế giới xung quanh, bằng cách cho vào miệng tất cả mọi vật có trong tay.

Phòng ngừa là “chìa khóa”

“Chìa khóa” để chấm dứt những tai nạn thương tâm này phải bắt đầu bằng việc giáo dục sức khỏe rộng rãi cho cha mẹ và những người chăm sóc trẻ về mối nguy hiểm DVĐT. Nhấn mạnh sự nhận biết, tránh những thức ăn, đồ vật có khả năng trở thành dị vật gây nghẹt thở cho trẻ, bởi phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.

Dưới đây là các kĩ năng phòng ngừa, giữ cho những món đồ chơi nhỏ và những miếng thức ăn “quá lớn” không gây nguy hiểm nghẹt thở cho bé.

 Dị vật đường thở

Thức ăn cho bé

- Để các loại thực phẩm như nho, xúc xích, cà rốt sống, rau sống, lạc…các loại hạt xa trẻ nhỏ.

- Chuẩn bị bữa ăn cho trẻ cẩn thận:

Nếu bé bú bình, lưu ý kiểm tra núm vú sao cho lỗ thông núm ti không nên quá rộng, khiến sữa chảy xuống dồn dập bé không nuốt kịp. Không nên cho bé bú khi đang nằm, khóc, chơi, ho… Khi bé ăn bột, cháo, không ép bé ăn nhiều, nhanh quá, không cho ngậm bình khi đang ngủ.

Chuẩn bị thức ăn đặc: Thịt cá lấy hết xương, lọc sạch xương trong nước súp, trái cây lột vỏ, lấy hạt ra. Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ trước khi cho trẻ ăn, có chiều dài và chiều rộng bằng ngón út của người lớn và đảm bảo đủ mềm để trẻ có thể nuốt. Khuyến khích trẻ ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ thức ăn. Giám sát giờ ăn. Yêu cầu trẻ ngồi trên ghế trong khi ăn, không bao giờ được nói chuyện, chạy nhảy, đi qua đi lại, chơi nghịch, đùa giỡn hoặc nằm khi ngậm thức ăn trong miệng. Tránh ép trẻ ăn uống khi trẻ đang la khóc.

- Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm dính, thực phẩm cứng và có thể nuốt được toàn bộ. Chẳng hạn như các loại hạt, bắp rang và kẹo, cho đến khi trẻ có thể nhai hoàn toàn.

 Dị vật đường thở Cắt nhỏ thức ăn cho trẻ trước khi cho ăn

Đồ chơi cho bé

- Cha mẹ và người chăm sóc được khuyên đặt túi xách tránh xa trẻ. Chẳng hạn như treo trên giá cao hoặc trong tủ quần áo. Để những vật dụng trong túi như chìa khóa, tiền xu, thuốc ho, nắp bút, kẹp giấy… không thể dễ dàng rơi ra sàn và sau đó trở thành đồ chơi của trẻ.

- Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Đảm bảo tất cả các bộ phận phải có kích thước lớn hơn nắm tay của trẻ.

- Không cho trẻ chơi các vật thể nhỏ như viên bi hoặc đá nhỏ, các loại hạt, đồng xu, đồ vật nhỏ. Nhà có trẻ lớn hơn chơi chung cần đặc biệt lưu ý cất riêng đồ chơi và trò chơi có những đồ vật này, để chúng xa tầm tay trẻ và xa sàn nhà.

Nếu phát hiện trẻ cho những thức này vào miệng, không vội la làm trẻ khóc thét hay giật mình dễ bị hít sặc ngay. Khi nghi ngờ nên đưa đến cơ sở y tế và báo ngay tình huống cụ thể ngậm, nuốt dị vật đáng ngờ.


BS.CKII NGUYỄN THỊ KIM THOA
Ý kiến của bạn