Thống kê cho thấy ngành công nghiệp dệt may mang lại cho con người doanh thu bảy nghìn tỉ đô la một năm, nhưng nó cũng đang đồng thời sử dụng đến 8.000 hóa chất tổng hợp trong quá trình sản xuất, nhiều hóa chất trong đó đã được giới khoa học khẳng định là nguy hại với sức khỏe con người.
Những tác nhân gây dị ứng trong quần áo và vải vóc
Một trong những loại hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư ở con người có trong các sản phẩm vải vóc được Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo chính là các chất PFC (perfluorinated chemicals), bao gồm chất phụ gia không dính Teflon. Những hóa chất này được ngành công nghiệp dệt may ưa chuộng bởi chúng giúp cho các chất liệu vải gia tăng độ bền và không bị nhăn. Hầu hết các loại vải vóc và quần áo không nhăn đều có chứa PFC.
Bên cạnh quần áo và các sản phẩm làm từ vải vóc, đã có nhiều trường hợp dị ứng với phụ kiện thời trang được phát hiện liên quan đến kim loại nickel. Nickel là kim loại được sử dụng phổ biến trong nhiều loại trang sức và phụ kiện thời trang như dây chuyền, vòng đeo tay, khóa kéo, cúc áo, dây nịt, gọng kính... Kim loại này còn xuất hiện trong nhiều vật dụng hàng ngày khác như chìa khóa, bút viết, điện thoại di động, niềng răng, dụng cụ làm bếp... Theo thống kê ở Hoa Kỳ, dị ứng nickel có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. 16% nam giới và 36% nữ giới dưới 18 tuổi trong dân số Mỹ dị ứng với kim loại này. Một khi đã xuất hiện, tình trạng dị ứng nickel sẽ không biến mất. Cách tốt nhất để phòng ngừa chính là tránh xa những vật dụng và thực phẩm có chứa nickel.
Một hóa chất gây ung thư khác đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại sản phẩm thời trang và vật dụng hàng ngày là formaldehyde. Tương tự như PFC, formaldehyde giúp cho vải vóc luôn phẳng phiu trước các tác động cơ học. Không có chất này, quần áo dễ bị biến dạng, nhăn nhúm và mất đi phom dáng ban đầu. Nhiều cuộc khảo sát đã phát hiện vài trường hợp người tiêu dùng bị viêm da do tiếp xúc (contact dermatitis) vì mặc quần áo được làm từ các loại vải không nhăn chứa formaldehyde, với các triệu chứng dễ nhận diện như da bị ngứa ngáy, phát ban và nổi mụn rộp.
Vào năm 2010, Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) từng thực hiện một cuộc khảo sát về thực trạng sử dụng formaldehyde trong các sản phẩm tiêu dùng theo yêu cầu của Đạo luật về An toàn tiêu dùng được thông qua năm 2008. Kết quả cho thấy 5,5% hàng hóa được khảo sát - chủ yếu bao gồm các sản phẩm được làm từ vải không nhăn như áo sơ-mi, nhiều loại quần, bao gối, tấm trải giường và mũ lưỡi trai - vượt quá các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về tỉ lệ hóa chất gây dị ứng có trong sản phẩm. “Khảo sát cho thấy hóa chất gây dị ứng hiện hữu nhiều nhất trong các loại áo sơ-mi công sở” - nhận định của John Stephenson, giám đốc chuyên trách các vấn đề về bảo vệ môi trường ở GAO - “Tôi thực sự bất ngờ trước thực trạng này, bởi lẽ phần lớn các loại áo sơ-mi tôi mặc đều làm từ vải không nhăn. Kết quả khảo sát này khiến tôi hình thành thói quen giặt chúng ít nhất hai lần sau mỗi lần mặc”.
Tiến sĩ Joseph F. Fowler - giáo sư khoa da liễu trường Đại học Louisville chia sẻ nhận định của ông về thực trạng trên: “Trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may đã và đang chứng minh với chúng ta rằng họ không còn sử dụng formaldehyde trong sản phẩm nữa; có chăng, họ dùng nó với liều lượng không vượt quá các tiêu chuẩn an toàn. Ấy vậy mà suốt khoảng thời gian đó, giới bác sĩ da liễu chúng tôi vẫn liên tục tiếp nhận các ca dị ứng formaldehyde nghiêm trọng, với những triệu chứng viêm da mà chúng tôi chắc chắn rằng chỉ có thể do quần áo gây ra”.
“Hầu hết các hãng thời trang có thương hiệu ngày nay đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, nhưng điều này không áp dụng với những cơ sở sản xuất và phân phối nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý”, ý kiến của David Brookstein, chủ nhiệm khoa nghiên cứu Đại học Philadelphia. Vốn là một kỹ sư dệt may, Brookstein đã từng tự mình thực hiện nhiều nghiên cứu độc lập về formaldehyde trong vải vóc. “Từ góc độ khoa học, tôi cho rằng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mỗi sản phẩm quần áo ngày nay nên được gắn nhãn mác với dòng chữ “Giặt trước khi sử dụng”.
Biểu hiện của tình trạng dị ứng do vải vóc
Hầu hết những người bị dị ứng với các sản phẩm thời trang hoặc vải vóc nói chung thường có những triệu chứng như:
- Da bị ngứa rát, phát ban hoặc xuất hiện các mụn rộp.
- Cảm giác nôn ói.
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
- Nhức đầu không rõ nguyên nhân .
- Khó thở.
- Viêm mũi dị ứng.
- Bỗng dưng bị đau ở một số bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là những mô mềm.
Khắc phục tình trạng dị ứng với quần áo
Nếu bạn có cơ địa dị ứng với quần áo hoặc vải vóc nói chung, cách khắc phục tốt nhất chính là lựa chọn các loại trang phục và phụ kiện được làm từ các loại vải sợi thiên nhiên bao gồm:
Vải sợi bông (cotton): loại vải tự nhiên được mệnh danh là chất liệu “vua” của ngành dệt may, có khả năng thấm hút tốt.
Sợi bông (cotton) được mệnh danh là chất liệu “vua” của ngành dệt may, có khả năng thấm hút tốt
Vải lanh: một trong những loại sợi bền chắc nhất ngoài tự nhiên.
Vải gai dầu: sợi gai dầu đã được giới khoa học chứng minh là có độ bền chắc gấp bốn lần cotton.
Lụa: được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại vải vóc”. Thận trọng với trang phục bằng lụa có kết hợp với thuốc nhuộm tổng hợp.
Len: đảm bảo rằng trang phục bạn chọn được làm từ len hữu cơ và không hóa chất.
Một số loại vải sợi tự nhiên khác: len alpaca, len angora, cashmere, vải mohair, vải cây gai (ramie), vải đay.