Hà Nội

Dị ứng với bao cao su - “Thủ phạm” và cách ứng phó

13-07-2020 19:20 | Giới tính
google news

SKĐS - Bao cao su là một trong những phương pháp tránh thai được sử dụng phổ biến nhất. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Mặc dù vậy, một số người có thể gặp phản ứng dị ứng với bao cao su.

Trong hầu hết các trường hợp dị ứng bao cao su (BCS) là do dị ứng với mủ cao su (latex) thành phần chính của BCS. Ngoài ra còn có khả năng người dùng bị dị ứng với các hợp chất khác của BCS như chất diệt tinh trùng, chất tạo mùi.

Với mỗi người, các triệu chứng có thể khác nhau. Trong trường hợp nhẹ, có thể là: ngứa âm đạo hoặc dương vật, da đỏ, nổi mề đay hoặc phát ban. Các triệu chứng này thường xảy ra trong vòng 12- 36 giờ sau khi tiếp xúc với BCS, tuy gây khó chịu nhưng không đe dọa đến tính mạng.

Nếu bệnh nhân đã từng bị dị ứng với latex, có thể phản ứng dị ứng sẽ xảy ra ngay lập tức. Triệu chứng bao gồm: Sổ mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, ngứa họng... Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xảy ra phản ứng phản vệ, một cấp cứu tối khẩn. Các triệu chứng của phản ứng phản vệ bao gồm: Phát ban, đỏ da có xu hướng bị rộng, ngứa, chóng mặt, đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh,...

Ảnh minh họa

Khi bạn nghi ngờ bị dị ứng với latex, hãy đến khám chuyên khoa dị ứng - miễn dịch. Khi đã xác định dị ứng latex, điều quan trọng là tránh tiếp xúc với dị nguyên - latex. Bạn có thể sử dụng các loại BCS khác, chẳng hạn như:

Bao cao su polyurethane: Nếu so sánh với BCS latex, BCS polyurethane mỏng hơn và dẫn nhiệt tốt hơn - cho cảm giác chân thật hơn. Tuy nhiên, BCS polyurethane có nhược điểm là dễ bị tuột hoặc rách.

Bao cao su da cừu: Một thay thế khác cho BCS latex là BCS da cừu (thực chất là được tạo ra từ ruột cừu). Nhưng BCS da cừu chỉ giúp ngừa thai mà không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bao cao su polyisopren: Loại này được làm từ vật liệu tổng hợp không gây dị ứng. Lưu ý là BCS polyisoprene chỉ sử dụng an toàn với chất bôi trơn gốc nước hoặc silicone, không nên sử dụng với chất bôi trơn gốc dầu.

Bao cao su nữ (FC2), không có latex nên an toàn khi sử dụng cho những người bị dị ứng với latex.

Phòng ngừa dị ứng latex

Tránh xa BCS latex chỉ là một phần. Bởi khi đã dị ứng với BCS latex, cần chú ý đến cả những vật dụng khác có chứa mủ cao su để phòng ngừa dị ứng. Nhiều vật dụng trong nhà có thể chứa latex như: đồ chơi, sơn, găng tay cao su, dây thun, thảm lót,  bóng, núm vú giả, núm vú bình sữa, băng vệ sinh, phụ kiện/phụ liệu quần áo, băng...

Ngoài ra người dị ứng với latex còn có khả năng dị ứng với một số loại thực phẩm có chứa cùng loại protein có trong latex như  hạt dẻ, chuối, bơ, dưa, cần tây, đào, kiwi, táo, cà rốt, quả sung, khoai tây, cà chua, đu đủ,...


Đỗ Hiếu
Ý kiến của bạn