Hải sản, bụi phấn (hoa cây cỏ, bọ ve), súc vật, nọc ong, lạc, nấm mốc và cả dịch cơ thể… đều có điểm chung là tiềm năng tạo ra dị ứng ở một số người. Khi một người bị dị ứng với một tác nhân nào đó thì hệ miễn dịch của người đó đã phản ứng lại một cách quá mức - giống như “báo động nhầm” nên đã huy động đội quân bảo vệ (gọi là kháng thể) để chống lại kẻ xâm nhập.
Kháng thể là những protein có tên là IgE làm nhiệm vụ bảo vệ luôn có mặt ở các mô và các tế bào máu, vì thế các tế bào đã nhả ra các chất có tác dụng tạo ra phản ứng viêm mạnh như: histamin, cytokine, leukotriene - những chất hóa học này tác động đến các mô khác nhau của cơ thể như: hô hấp, hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng dị ứng.
Một số người bị dị ứng với latex trong bao cao su
Dị ứng với bao cao su
Latex là chất để sản xuất ra hầu hết các loại bao (vẫn quen gọi là bao cao su) dùng trong kế hoạch hóa gia đình và găng tay dùng trong phẫu thuật. Một bộ phận nhỏ trong dân số có thể nhạy cảm hay bị dị ứng với latex (chính xác là dị ứng với protein cao su tự nhiên có trong latex). Ngày nay có nhiều người dùng bao cao su và găng tay làm bằng latex để phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là phòng ngừa lây nhiễm HIV cho nên số người có hiểu hiện dị ứng với latex cũng ngày càng tăng.
Một số người có phản ứng nhẹ nhưng mức độ phản ứng còn phụ thuộc vào thời gian phơi nhiễm. Một số khác thực sự có dị ứng với latex. Biểu hiện dị ứng với latex đôi khi tưởng lầm là phản ứng với chất diệt tinh trùng (ví dụ noxnynol-9) hoặc chất chống nhiễm khuẩn âm đạo hay hậu môn hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những người quá nhạy cảm với latex trong bao ít nghiêm trọng hơn, bao gồm một hay nhiều triệu chứng sau: đỏ vùng da, khô âm đạo, ngứa, viêm da và trong một số ít trường hợp có sưng nề.
Hạn hữu lắm có thể khó thở, thậm chí bị choáng phản vệ, tuy nhiên những trường hợp dị ứng nghiêm trọng với latex là hiếm. Nếu nghi ngờ bị dị ứng với latex, cần cho thầy thuốc biết để xác định xem tác nhân gây dị ứng đích thực là gì, do latex, do chất diệt tinh trùng (nonoxynol-9), chất diệt khuẩn hay do nhiễm khuẩn. Có thể dùng thử găng tay phẫu thuật làm bằng latex để xem có phản ứng tương tự; nếu thực sự có dị ứng với latex thì găng cũng gây ra triệu chứng ngứa.
Nếu mang găng tay không gây ra triệu chứng gì thì thử với loại thuốc bôi chất nonoxynol-9; với các loại bao khác để đánh giá mức độ nhạy cảm với từng loại thuốc diệt khuẩn có trên bao. Khi đã chắc chắn bị dị ứng với bao làm bằng latex thì thay bằng bao không có latex; nếu chỉ phòng tránh thai thì bao làm bằng da cừu non có thể thay thế (loại bao này không phòng tránh được các virus gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục).
Có người cẩn thận mang 2 bao, bao latex phủ lên bao da cừu non hay ngược lại tùy theo bị dị ứng với loại nào. FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) còn cho phép dùng bao làm bằng chất dẻo polyrethane (cho nam và nữ) với những ai bị dị ứng với bao làm bằng latex. Nếu vẫn không hết dị ứng thì có thể do một nhiễm khuẩn nào đó và cần được thầy thuốc xác định thêm.
Dị ứng với tinh dịch
Một số phụ nữ phàn nàn có cảm giác rát ngay sau khi bạn tình xuất tinh. Trạng thái đó nếu xảy ra ngay từ lần đầu quan hệ tình dục với bạn tình thì nguyên nhân có thể là do chính thành phần hóa học của tinh dịch, ví dụ tinh dịch có độ toan cao.
Nếu những lần đầu quan hệ tình dục không đau mà sau này mới xuất hiện cảm giác đau rát thì có thể thành phần hóa học của tinh dịch đã thay đổi do chuyển hóa của cơ thể, do nội tiết hay do dinh dưỡng. Xem lại thành phần hóa học của tinh dịch có gì bất thường.
Cũng không loại trừ chính thuốc bôi trơn gây cảm giác đau rát khi tiếp xúc với tinh dịch (trong thuốc bôi trơn có chất nonoxynol-9 để diệt tinh trùng nhưng có thể bị đau nếu dị ứng với chất này). Nếu không tìm ra yếu tố gì gây kích thích niêm mạc âm đạo thì nên dùng bao cao su. Ngoài ra, cần loại trừ những trạng thái bệnh lý có thể có ở khu vực âm đạo, cùng đồ (nhiễm khuẩn, nấm…).
Dị ứng với mồ hôi
Cơ thể nóng lên và vã mồ hôi là đáp ứng sinh lý bình thường khi quan hệ tình dục trong thời điểm cao trào, nhưng chính lúc này một số người lại có hiện tượng nổi mề đay và ngứa do phơi nhiễm với mồ hôi, với nhiệt độ.
Hiện tượng nổi mề đay cũng giống như trạng thái dị ứng với thuốc hay thực phẩm, gây ra bài tiết histamin vào các mô, làm giãn mạch và tiết dịch ở những mô xung quanh, làm cho mô nề và da bị ngứa, có thể kéo dài từ vài phút hoặc vài ngày. Càng bài tiết nhiều histamin thì các triệu chứng dị ứng càng tồi tệ. Ngoài ra, mề đay trong quan hệ tình dục còn do vận động, lo lắng, tắm nóng hay tắm hơi; vùng nổi mề đay thường bắt đầu từ phần trên của ngực hoặc cổ, kéo dài khoảng 3 - 30 phút sau đó có thể lan ra toàn thân. Tuy rất hiếm nhưng cũng có khi xảy ra phản ứng rất nặng, đe dọa sinh mạng (gọi là hiện tượng phản vệ). Cẩn thận khi có biểu hiện nổi mề đay kèm theo cảm giác tức ngực, khó thở, khó nuốt, hắt hơi, chóng mặt, muốn xỉu.
Hiện tượng dị ứng với dịch ở cơ thể bạn tình như: mồ hôi, tinh dịch, dịch âm đạo không phải ngay từ đầu mà sau nhiều năm chung sống cũng có thể xảy ra. Khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân nào đã phát động những gen gây dị ứng cũng như tại sao lại để chúng “mai phục” lâu như vậy; có thể người đó khi sinh ra đã có cấu trúc gen thuận lợi để phát triển bệnh dị ứng nhưng chỉ đến tuổi trưởng thành mới bộc lộ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, càng phơi nhiễm nhiều lần với tác nhân dị ứng tiềm năng thì các kháng thể càng được tích lũy nhiều, đến một lúc nào đó những kháng thể này được giải phóng ra và gây nên các biểu hiện của dị ứng, một khi đã trở nên mẫn cảm thì các triệu chứng dễ tái phát mỗi khi tiếp xúc lại với các tác nhân đó.
BS. ĐÀO XUÂN DŨNG