Dị ứng tinh dịch và cách khắc phục

24-11-2014 00:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Dị ứng tinh dịch (DƯTD) có thể ảnh hưởng đến vấn đề thụ thai, nghiêm trọng nhất là dẫn tới vô sinh, hiếm muộn, chiếm 20 - 40% các trường hợp cặp vợ chồng có vấn đề về DƯTD.

Dị ứng tinh dịch (DƯTD) có thể ảnh hưởng đến vấn đề thụ thai, nghiêm trọng nhất là dẫn tới vô sinh, hiếm muộn, chiếm 20 - 40% các trường hợp cặp vợ chồng có vấn đề về DƯTD.

DƯTD xuất hiện ở cả nam và nữ với các mức độ biểu hiện khác nhau. Ở nam: đau tức tinh hoàn trong một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân, viêm mào tinh hoàn, quá phát mào tinh hoàn, viêm tắc ống dẫn tinh… Ở nữ: dạng nhẹ sẽ xuất hiện tại chỗ các dấu hiệu đỏ ngứa, bỏng rát, phồng rộp ngay tại nơi tiếp xúc cả trong âm đạo, thường ở vùng sinh dục bên ngoài, xung quanh hậu môn... Một số ít người có thể xuất hiện nặng hơn và có biểu hiện hệ thống như mẩn ngứa, mề đay khó thở, cá biệt có trường hợp xuất hiện cơn hen...

​Môi trường tinh dịch có thể gây dị ứng.

Với nam giới bị DƯTD

Phải điều trị dứt điểm các bệnh viêm tắc đường ống dẫn tinh, viêm mào tinh hoàn và các bệnh liên quan tới bộ phận sinh dục và xử lí các bất thường về giải phẫu như giãn tĩnh mạch thừng tinh... Sau đó, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch để giảm bớt việc tăng sinh kháng thể kháng tinh trùng, các thuốc nhóm corticoid thường được lựa chọn cho việc điều trị dị ứng khá tốt. Tuy vậy, nhược điểm của các thuốc corticoid là có nhiều tác dụng phụ khi dùng kéo dài như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm khớp, loãng xương,… và có khá nhiều nam giới không dung nạp với corticoid, có thể khiến người bệnh khó có con tự nhiên.

Trường hợp nữ giới bị DƯTD

Với trường hợp DƯTD dạng nhẹ: Bệnh nhân được tiếp xúc dần dần với tinh dịch để cơ thể quen dần, mỗi ngày đưa một lượng nhỏ mẫu tinh dịch của chồng đã được lọc rửa đem đặt ở bên trong âm đạo, sau đó sẽ tăng dần số lượng mẫu tinh dịch này tới khi bằng một lượng tinh dịch tự nhiên mà không xuất hiện triệu chứng mẫn cảm, dị ứng với tinh dịch nữa là được. Sau đó, cơ thể người phụ nữ đã quen dần và có thể giao hợp một cách bình thường và có thể có con.

Với trường hợp DƯTD nặng có biểu hiện hệ thống thì phải ngừng giao hợp và tránh tiếp xúc với tinh dịch của chồng ngay lập tức, sau đó sử dụng các nhóm thuốc kháng histamin, nhóm corticoid để điều trị chữa các triệu chứng tức thì. Nhưng trong trường hợp các kháng thể kháng tinh trùng của người nữ tấn công mạnh vào các tế bào tinh trùng nhưng không có biểu hiện lâm sàng của DƯTD mà chỉ biểu hiện là việc khó có con, người bệnh lúc này nếu muốn có con thì cần sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ thai trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào tương bào của noãn (ICSI).

DS. Hoàng Anh

 

 


Ý kiến của bạn