Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng, nhiều nhất là kháng sinh, trong đó penicillin đứng hàng đầu, tỷ lệ sốc phản vệ do dùng penicillin là 1/70.000. Dị ứng thuốc là một tai biến đáng sợ xảy ra cho bất kỳ ai, nhưng đáng chú ý nhất là người có cơ địa dị ứng.
Ở nước ta, dị ứng thuốc (DƯT) chiếm một tỷ lệ khá cao (khoảng từ 7 - 8% dân số). Bất kỳ loại thuốc nào dùng để điều trị hoặc dùng với mục đích bổ dưỡng đều có thể gây dị ứng. Thuốc dùng để chữa bệnh và bổ dưỡng bao gồm: thuốc Tây y, thuốc Nam, thuốc Bắc với các dạng bào chế như thuốc uống, thuốc tiêm, dịch truyền, thuốc đặt (đặt âm đạo), thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, niêm mạc, thuốc nhỏ tai... đều có khả năng gây dị ứng.
Nguyên nhân của dị ứng thuốc
Bản chất của phản ứng DƯT là loại phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể, tức là phản ứng giữa kháng thể sẵn có trong máu của con người với kháng nguyên lạ (dị nguyên lạ) từ ngoài cơ thể khi vào máu. Có một số trường hợp khi dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng lần sau dùng thuốc đó lại bị dị ứng, gọi là dị ứng muộn.
Nguyên nhân của DƯT rất đa dạng, ví dụ như thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc bảo quản không tốt. Nếu thuốc để quá hạn thì cho dù là loại thuốc nào cũng đã thay đổi tính chất và có thể sẽ trở thành dị nguyên nguy hiểm cho người sử dụng.
Một cháu bé ở Nghệ An bị dị ứng thuốc paracetamol. |
Sử dụng thuốc một cách bừa bãi cũng là một nguyên nhân đáng kể làm cho tỷ lệ DƯT tăng cao. Sử dụng thuốc bừa bãi có nhiều dạng khác nhau như không tuân theo lời dặn trong đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh; tự mua thuốc để điều trị; một số dược tá bán thuốc ở các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân với trình độ về y học có hạn nhưng vì lợi nhuận nên tư vấn sai cho người bệnh. Một số người quan niệm rằng, thuốc Đông y (thuốc Nam, thuốc Bắc) là không dị ứng.
Tác dụng phụ của thuốc và dị ứng thuốc Không nên nhầm lẫn giữa tác dụng phụ của thuốc với DƯT. Tác dụng phụ của thuốc là các biểu hiện không mong muốn, không liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể như DƯT. Tác dụng phụ của thuốc không nguy hiểm như DƯT, tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và tìm mọi cách loại bỏ chúng thì cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của một số cơ quan quan trọng của cơ thể như gan, thận hoặc gây xuất huyết. Thông thường, thuốc Tây y thì tác dụng phụ của thuốc đều có ghi rõ trong bản hướng dẫn kèm theo của nhà sản xuất hoặc được bác sĩ khám bệnh kê đơn giải thích cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân biết trước để đề phòng. |
Một số trường hợp bị DƯT mà không hề hay biết cứ tưởng là bị thêm bệnh khác cho nên lại tự động mua thuốc để dùng làm cho bệnh DƯT trầm trọng thêm.
Một điều cần quan tâm đặc biệt là người có cơ địa dị ứng thì rất dễ bị DƯT, nhất là dị ứng với thuốc kháng sinh. Người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, viêm mũi, viêm xoang dị ứng, chàm (eczema), tổ đỉa, viêm da dị ứng rất dễ mẫn cảm với chất lạ đối với cơ thể (dị nguyên), trong đó có thuốc dùng để chữa bệnh và thuốc bổ. Vì vậy, trên một cơ địa dị ứng khi dùng thuốc, bất kể là loại nào, đặc biệt là kháng sinh phải hết sức chú ý. Cần lưu ý rằng, ngay cả thuốc chống dị ứng (kháng histamin) vẫn có thể gây dị ứng.
Triệu chứng của dị ứng thuốc
Biểu hiện của DƯT thường thể hiện sớm nhất ở da và niêm mạc (ngoại trừ sốc phản vệ thì một số triệu chứng khác xuất hiện sớm hơn, dữ dội, mãnh liệt hơn). Ngứa, da xuất hiện mảng tấy, đỏ, đau, có khi đau rát mỗi khi sờ vào, thậm chí có hiện tượng phồng rộp ở vùng môi, mắt hoặc dạng nổi mề đay là các triệu chứng thường có trong DƯT. Sự xuất hiện phù Quincke cũng là một triệu chứng có thể gặp trong DƯT. Mề đay và phù Quincke hay kết hợp với nhau. Mề đay xảy ra chủ yếu trên da, phù Quincke thì không những xảy ra ở những tổ chức dưới da mà còn ở niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa gây khó thở và rối loạn tiêu hóa. Phù Quincke xuất hiện sau khi dùng thuốc vài phút đến vài giờ. Sốt, có khi sốt cao, choáng váng, rất khó chịu, đôi khi nổi da gà. Nặng hơn là biểu hiện của hen phế quản (co thắt phế quản) gây khó thở từ nhẹ đến nặng.
Nếu bị sốc phản vệ thì triệu chứng xảy ra nhanh, khẩn cấp và rầm rộ như khó thở, tím tái, vã mồ hôi, hốt hoảng, mạch nhanh, huyết áp tụt, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa.
Tóm lại, để hạn chế DƯT thuốc trong bất cứ trường hợp nào cũng nên xin ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để dùng, bất luận là thuốc gì (Tây y hay Đông y). Cần lưu ý là khi dùng thuốc nếu thấy khác thường (có thể là DƯT, có thể là tác dụng phụ của thuốc) thì phải ngừng ngay và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt. Mỗi lần đi khám bệnh thì nên cho bác sĩ biết về các bệnh dị ứng đang bị hoặc đã từng bị như hen suyễn, chàm..., đặc biệt bị dị ứng với loại thuốc nào, nhất là các loại kháng sinh.
PGS. TS. TTƯT. Bùi Khắc Hậu