Dị ứng thuốc kháng sinh nói riêng hay dị ứng thuốc nói chung là phản ứng không thể biết trước, vì tùy thuộc vào cơ địa của từng người.
Hệ thống miễn dịch có thể trở nên nhạy cảm với thuốc kháng sinh ngay trong lần đầu tiên dùng thuốc hoặc cũng có thể bị dị ứng vào những lần dùng thuốc sau đó.
Các loại kháng sinh có nhiều khả năng gây ra phản ứng dị ứng nhất là:
- Penicillin như ampicillin, amoxicillin, penicillin G, penicillin V…
- Cephalosporin như cefalexin, cefixime, cefuroxime…
1. Những dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng dị ứng thuốc kháng sinh
- Các triệu chứng nhẹ: Bao gồm ngứa, đỏ da hoặc sưng tấy hay phát ban da…
- Các triệu chứng nghiêm trọng: Bao gồm da bị phồng rộp hoặc bong tróc, các vấn đề về thị lực và sưng hoặc ngứa dữ dội. Các phản ứng nghiêm trọng bao gồm các tình trạng như hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) và các tình trạng nghiêm trọng khác.
- Các triệu chứng sốc phản vệ (rất nguy hiểm): Bao gồm đau thắt cổ họng, khó thở, ngứa ran, chóng mặt và thở khò khè.
Sốc phản vệ là một phản ứng đột ngột, đe dọa đến tính mạng, cần được điều trị ngay lập tức… có thể xảy ra ngay sau khi tiêm, uống... thuốc kháng sinh.
2. Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể có phản ứng dị ứng với thuốc, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ này, bao gồm:
- Tiền sử dị ứng khác, chẳng hạn như dị ứng thực phẩm, dị ứng lông động vật hoặc viêm mũi dị ứng…
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị dị ứng thuốc
- Tăng tiếp xúc với thuốc, do dùng liều cao, sử dụng nhiều lần hoặc sử dụng kéo dài
- Một số bệnh (liên quan đến hệ miễn dịch), thường liên quan đến phản ứng dị ứng thuốc, chẳng hạn như nhiễm HIV…
3. Dị ứng thuốc kháng sinh được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh và dị ứng của bạn. Ngoài ra, có thể cần làm các xét nghiệm bổ sung.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ lấy máu để xét nghiệm.
- Test áp bì: Đặt một lượng nhỏ kháng sinh lên da, và phủ bởi một miếng dán trong 2 ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng trên da của bạn.
- Test lẩy da: Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ kháng sinh trên cánh tay và theo dõi các phản ứng sau đó…
4. Phản ứng dị ứng thuốc kháng sinh được điều trị như thế nào?
- Thuốc kháng histamine: Làm giảm các triệu chứng nhẹ như ngứa hoặc phát ban…
- Epinephrine: Là thuốc dùng để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ.
- Steroid: Có tác dụng làm giảm viêm.
- Giải mẫn cảm: Có thể được thực hiện sau khi bạn có phản ứng, nếu bạn cần được điều trị lại bằng kháng sinh.
5. Phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh
Nói chung không có cách nào để ngăn ngừa dị ứng thuốc. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ này nên:
- Không được tự ý mua kháng sinh về sử dụng và chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ.
- Cho bác sĩ biết nếu trước đó bạn bị dị ứng với một loại thuốc nào và các triệu chứng phản ứng của bạn. Không dùng thuốc có chứa kháng sinh mà trước đây bạn đã bị dị ứng. Điều này bao gồm cả các loại thuốc bôi ngoài da.
- Đọc nhãn thuốc trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng.
- Gọi cấp cứu ngay, nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của sốc phản vệ như: Khó thở, sưng ở miệng hoặc cổ họng, hoặc thở khò khè. Bạn cũng có thể bị ngứa, phát ban, nổi mề đay hoặc cảm thấy như sắp ngất xỉu…
Cần tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức nếu:
- Bị phát ban với những nốt đỏ ngứa, sưng tấy.
- Xuất hiện mụn nước, hoặc da bị bong tróc.
- Gặp khó khăn khi nuốt hoặc giọng nói trở nên khàn.
- Nhịp tim đập nhanh hoặc đập thình thịch.
- Da hoặc lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng…
Dị ứng thuốc là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với một loại thuốc. Bất kỳ loại thuốc nào (không kê đơn, kê đơn hoặc vitamin, thảo dược…), đều có thể gây dị ứng thuốc. Tuy nhiên, dị ứng thuốc có nhiều khả năng xảy ra với một số loại thuốc, trong đó có một số loại thuốc kháng sinh.
Các triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng thuốc là nổi mề đay, phát ban hoặc sốt..., nhưng dị ứng thuốc cũng có thể gây phản ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, gọi là sốc phản vệ.
Dị ứng thuốc không giống như tác dụng phụ của thuốc. Tác dụng phụ là một phản ứng đã biết có thể xảy ra với một loại thuốc. Tác dụng phụ của thuốc được liệt kê trên nhãn thuốc.
Dị ứng thuốc cũng khác với ngộ độc thuốc. Ngộ độc thuốc thường là do dùng thuốc quá liều.
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng