Hà Nội

Dị ứng thuốc- “kẻ xâm nhập” nguy hiểm

22-09-2020 22:22 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thuốc là hợp chất hoặc hỗn hợp nhiều chất được đưa vào cơ thể nhằm mục đích phòng, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh.

Thuốc ngoài mang lại tác dụng trị liệu mong muốn còn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn hoặc những biến cố có hại trong quá trình sử dụng. Dị ứng thuốc là một trong những phản ứng có hại của thuốc không đoán định trước được, thể hiện bởi nhiều dấu hiệu cảnh báo mà chúng ta cần lưu ý khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là những loại thuốc chưa từng sử dụng trước đây.

Dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc là trường hợp cơ thể không dung nạp được với hoạt chất hoặc tá dược có trong thuốc, dẫn đến phản ứng của hệ miễn dịch, gây nên các biểu hiện bất thường và có hại cho cơ thể người sử dụng thuốc. Dị ứng thuốc xuất hiện với tỉ lệ rất thấp, tùy thuộc cơ địa từng người, không phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng. Bất kỳ loại thuốc nào cũng có nguy cơ gây dị ứng, kể cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên, tuy nhiên gây dị ứng nhiều nhất là các thuốc kháng sinh và tiếp đến là vitamin, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs).

Khác với tác dụng phụ của thuốc thường xảy ra trên nhiều bệnh nhân, dị ứng thuốc chỉ xảy ra với rất ít người bệnh có cơ địa đặc biệt. Dị ứng thuốc có thể nhẹ, chỉ gây các triệu chứng trên da hoặc có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và toàn bộ cơ thể, đặc biệt nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, một loại tai biến dị ứng nghiêm trọng có thể gây tử vong trong thời gian  ngắn.

Dị ứng thuốc

Dấu hiệu dị ứng thuốc trên da

Hầu hết các trường hợp dị ứng thuốc đều có các biểu hiện đầu tiên trên da, là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất xuất hiện sau vài phút đến vài ngày, thậm chí hàng tuần sau khi cơ thể tiếp nhận thuốc. Các phản ứng dị ứng và triệu chứng thường gặp:

- Nổi mề đay: Xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc, bệnh nhân có cảm giác ngứa rát, châm chích vài chỗ trên da, sau đó xuất hiện những sẩn phù nổi cộm, màu hồng, kích thước một đến vài centimet, khu trú ở đầu, mặt, cổ, tứ chi hoặc toàn thân. Người bệnh càng gãi sẽ càng lan rộng.

- Phát ban đỏ: Thời gian xuất hiện chậm, tính bằng ngày sau khi dùng thuốc, thường từ thân mình rồi lan sang các chi, đầu cổ, có thể kèm theo ngứa và sốt nhẹ. Khá giống với phát ban do virus, vi khuẩn, vì vậy dễ bị nhầm lẫn. Tiến triển tự lành sau 1 đến 2 tuần hoặc nặng hơn là đỏ da toàn thân.

- Phù Quincke: Còn gọi là phù mạch, là tình trạng sưng phù vùng mô dưới da hoặc niêm mạc, xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng. Xảy ra nhiều nhất ở vùng quanh mắt khiến bệnh nhân khó mở mắt, môi, cổ, tay chân, vùng sinh dục tùy từng bệnh nhân. Nếu ở niêm mạc dạ dày, ruột gây đau bụng, còn ở họng, thanh quản có thể gây tắc nghẽn đường thở phải cấp cứu.

- Hội chứng Stevens - Johnson: Hội chứng hồng ban đa dạng, khởi đầu trung bình 1 đến 2 tuần sau khi dùng thuốc với cơn sốt cao đột ngột 39 - 400C, đau đầu, mệt mỏi, viêm họng, viêm niêm mạc miệng và phát ban đỏ trên da. Sau một vài ngày, tiến triển thành các thương tổn trên da và niêm mạc có dạng bọng nước lớn, trợt da, viêm, loét và chảy máu. Thương tổn có thể xuất hiện trên cả niêm mạc vùng sinh dục, giác mạc, kết mạc mắt, khí phế quản và lan rộng toàn thân. Đối với biến chứng toàn thân, nhiều cơ quan bị ảnh hưởng như tim, thận, phổi dẫn đến suy thận, khó thở, suy hô hấp và nặng hơn là viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết dẫn đến nguy cơ tử vong. Ngoài dị ứng thuốc, nhiễm virus, nhiễm khuẩn cũng có thể gây ra hội chứng này hoặc làm tăng nguy cơ mắc nếu bị dị ứng thuốc.

- Hội chứng Lyell (hay hội chứng TEN): Hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc. Khởi phát, biểu hiện lâm sàng và biến chứng giống với hội chứng Stevens - Johnson. Nghiêm trọng hơn khi diện tích da bị tổn thương lên đến trên 30% so với dưới 10% ở hội chứng Stevens - Johnson. Thương tổn da ở hội chứng Lyell là những mảng hoại tử bong da lớn gần giống bị bỏng nhiệt độ cao, dễ xảy ra bội nhiễm. Tỉ lệ tử vong cao.

Tình trạng trên da và sốt đi kèm sau đó thường là dấu hiệu của dị ứng thuốc, phân biệt với các bệnh da liễu khác. Chú ý, những dấu hiệu dị ứng đầu tiên trên da có thể là khởi đầu cho tình trạng dị ứng nặng và nghiêm trọng, vì vậy không được chủ quan, cần theo dõi và đến bệnh viện ngay nếu chúng tiến triển nhanh chóng hoặc có thêm các dấu hiệu bất thường khác.

Dị ứng thuốc

Các dấu hiệu toàn thân và sốc phản vệ

Ngoài các dấu hiệu xuất hiện trên da, dị ứng thuốc còn có thể biểu lộ đồng thời các dấu hiệu toàn thân, chúng có thể là dấu hiệu khởi đầu của sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng liên quan đến nhiều hệ thống của cơ thể do hệ miễn dịch phản ứng thái quá với thuốc - tác nhân được nó nhận định là “kẻ xâm nhập nguy hiểm”. Trong tai biến sốc phản vệ nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ dần hôn mê, nghẹt thở, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu, ngừng tim và tử vong sau vài phút. Sốt cũng là một dấu hiệu toàn thân đối với những trường hợp dị ứng tương đối nghiêm trọng, khi hệ miễn dịch tăng cường hoạt động chống lại tác nhân gây dị ứng.

Cần lưu ý đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức nếu các dấu hiệu toàn thân sau xuất hiện nhanh, thường chỉ sau vài phút nếu tiêm truyền thuốc, vắc-xin hoặc vài giờ nếu uống thuốc trong bữa ăn:

- Cảm giác bất thường: Tê cứng và sưng môi, lưỡi, bồn chồn, hốt hoảng.

- Triệu chứng hô hấp: Khó thở, thở nhanh và nông, có thể có tiếng rít do phù nề thanh khí quản, co thắt cơ trơn.

- Triệu chứng tim mạch: Huyết áp hạ do giãn mạch nặng, tim đập nhanh.

- Triệu chứng tiêu hóa: Đau quặn bụng, nôn, chảy nước mũi, tiêu tiểu không kiểm soát.

Lời khuyên cho bệnh nhân

Dị ứng thuốc cũng là một loại dị ứng, vì vậy mà không chỉ dị ứng thuốc, các loại dị ứng khác như dị ứng thức ăn, phấn hoa, nọc độc côn trùng, nọc rắn… cũng có các biểu hiện gần giống dị ứng thuốc đã trình bày ở trên.

Người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân đã từng có tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào (thuốc, thức ăn, hóa chất…) hoặc chưa bị dị ứng nhưng gia đình có truyền thống bị dị ứng cần tuân theo những vấn đề sau:

- Ngưng ngay loại thuốc đang sử dụng khi có các dấu hiệu dị ứng đầu tiên và báo với bác sĩ điều trị.

- Luôn luôn khai báo những loại thuốc đã từng gây dị ứng và các loại thuốc (kể cả thuốc Nam, thuốc Bắc), thực phẩm chức năng đang sử dụng khi bác sĩ kê toa hoặc khi mua thuốc ở nhà thuốc. Không tự ý mua thuốc điều trị. Tuy là loại thuốc khác, nhưng nếu nó cùng nhóm với thuốc gây dị ứng thì nguy cơ gây dị ứng sẽ rất cao.

- Tuyệt đối không dùng lại những loại thuốc đã có dấu hiệu dị ứng dù là tình trạng nhẹ, vì phản ứng dị ứng lần sau sẽ nặng nề hơn rất nhiều do hệ miễn dịch đã “ghi nhớ” và sẽ phản ứng nhanh, mạnh hơn với loại thuốc đó.

- Theo dõi thận trọng với đối tượng bệnh nhân là trẻ em, trẻ nhỏ sau khi dùng thuốc.

- Các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh, uống nước chanh, nuốt lòng trắng trứng... đều chưa có cơ sở khoa học làm giảm tình trạng dị ứng. Nếu trong trường hợp sốc phản vệ, việc thực hiện các biện pháp này sẽ làm mất “thời gian vàng” đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

- Các loại thuốc kháng histamin, chống dị ứng, corticoid đều là những thuốc điều trị triệu chứng dị ứng, không có loại thuốc nào có tác dụng làm bệnh nhân khỏi dị ứng với một loại thuốc nào đó một cách triệt để. Việc làm giảm dị ứng với một tác nhân nào đó có thể được bác sĩ hướng dẫn thực hiện bằng phương pháp “giải mẫn cảm” trong một thời gian dài, nếu thật sự cần thiết.


DS. VĨNH PHÚ
Ý kiến của bạn