Dị ứng thời tiết- Ngăn chặn thế nào?

09-04-2019 15:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mỗi mùa trong năm đều có một đặc điểm riêng về không khí, khí hậu, thời tiết, độ ẩm… dẫn đến rất nhiều tác nhân riêng đặc trưng của từng mùa.

Bên cạnh đó, sự thay đổi thời tiết giữa các mùa làm cho dị ứng dễ xuất hiện, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng.

Dị ứng liên quan đến yếu tố thời tiết

Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với một tác nhân gây dị ứng, cũng như việc tiếp xúc với tác nhân đó nhiều hay ít sẽ dẫn đến triệu chứng khác nhau. Thông thường, nếu khô hanh, có nhiều gió sẽ là nguy cơ bị thổi phấn hoa bay vào không khí gây viêm mũi dị ứng, chảy nước mắt, sốt cỏ khô (sốt cỏ khô là hình thức phản ứng dị ứng). Đối với người có cơ địa dị ứng với các chất gây dị ứng như phấn hoa, cây cỏ, bào tử nấm mốc, mạt bụi hoặc lông thú vật nuôi... thì chắc chắn những ngày này sẽ bị “dính” dị ứng.

Nếu thời tiết ẩm ướt hoặc có mưa sẽ làm cho nấm mốc phát triển, cả ở trong nhà và ngoài trời cũng khiến ai có cơ địa dị ứng sẽ tái phát. Sự thay đổi các mùa trong năm cũng có ảnh hưởng lớn đến tình trạng dị ứng. Không chỉ mùa xuân phấn hoa gây dị ứng mà ngay cả mùa hè phấn hoa cây cỏ có thể kích hoạt các phản ứng dị ứng. Tương tự như mùa thu và mùa đông thời tiết lạnh, khô hanh, các kháng nguyên gây dị ứng ở trong nhà như lông thú vật nuôi và bụi bặm có thể trở thành một vấn đề gây dị ứng nghiêm trọng. Đặc biệt khi nhiệt độ thấp, lạnh giá nếu người có cơ địa dị ứng có thể bị nhiễm lạnh, mắc triệu chứng cước (tình trạng các mô bị tê cóng và đóng băng).

Dị ứng thời tiếtThời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu dị ứng thời tiết dễ nhận biết nhất là da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh đột ngột. Các vùng da hở như bàn tay, chân, mặt… là nơi dễ bị nổi mẩn nhất. Trường hợp nguy hiểm khi bị dị ứng thời tiết là nổi mề đay cấp tính. Khi bị nổi mề đay, người bệnh sẽ bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng trên khắp cơ thể. Khi có dấu hiệu nổi mề đay cấp tính, người bệnh cần được nhanh chóng cấp cứu lập tức, tốt nhất là nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất trước khi quá muộn. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, bạn cũng dễ bị viêm mũi dị ứng với các dấu hiệu hắt hơi sổ mũi, chảy nước mắt. Một số người còn bị đau đầu...

Cách nào để dự phòng

Dị ứng thời tiết xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa, hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Các triệu chứng dị ứng xảy ra ở từng người không giống nhau nên khi phát hiện triệu chứng của bệnh cần hạn chế gãi, mặc đủ ấm, hạn chế mặc quần áo bằng chất liệu dễ gây kích ứng da như vải bố, không mặc quần áo quá chật vì gây cọ sát khiến da bị kích thích ngứa.

Cần tăng cường uống nước, ăn thêm hoa quả, ít sử dụng chất kích thích; Chú ý giữ nhiệt độ cho cơ thể, khi ngủ không nên mở rộng cửa sổ để tránh gió lùa. Khi ra ngoài trời lạnh, cần đeo găng tay, đội mũ để tránh lạnh và bảo vệ da khỏi bốc hơi nước. Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa thì không được chủ quan, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, không chà xát mạnh quanh vết dị ứng để tránh bị nhiễm trùng. Nếu tình trạng nặng cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kịp thời điều trị. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc chữa trị dị ứng.

Để phòng những cơn đau đầu dị ứng thời tiết, nên ăn nhiều rau xanh, rau quả có nhiều vitamin C; uống đủ 2 lít nước mỗi ngày nhằm điều hòa cơ thể; tập thể dục thể thao điều độ nhằm tăng cường sức khỏe. Cũng có thể uống các loại thuốc bổ B1, B6, B12... theo chỉ dẫn của bác sĩ; tránh làm việc dưới trời nóng gắt; về mùa đông, nên mặc ấm và giữ ấm đầu; tránh những nơi ồn ào náo nhiệt khiến cho không khí ngột ngạt dẫn đến hạ huyết áp và gây ra những cơn đau đầu.


BS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Ý kiến của bạn