Những thay đổi về thời tiết từ nóng sang lạnh và ngược lại; thay đổi hướng gió, gặp mưa... là cơ hội cho những bệnh dị ứng phát triển, đặc biệt là ở những người có cơ địa dị ứng. Dưới đây là các dấu hiệu khi bị dị ứng và cách xử trí.
Dấu hiệu dị ứng thời tiết
Dấu hiệu dị ứng thời tiết dễ nhận biết nhất là da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh đột ngột. Các vùng da hở như bàn tay, chân, mặt… là nơi dễ bị nổi mẩn nhất. Trường hợp nguy hiểm khi bị dị ứng thời tiết là nổi mề đay cấp tính. Khi bị nổi mề đay, người bệnh sẽ bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng trên khắp cơ thể. Khi có dấu hiệu nổi mề đay cấp tính, người bệnh cần được nhanh chóng cấp cứu lập tức, tốt nhất là nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất trước khi quá muộn.
Khi thời tiết thay đổi đột ngột, bạn cũng dễ bị viêm mũi dị ứng với các dấu hiệu hắt hơi sổ mũi, chảy nước mắt. Một số người còn bị đau đầu...
Cách nào để dự phòng
Dị ứng thời tiết xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa, hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Các triệu chứng dị ứng xảy ra ở từng người không giống nhau nên khi phát hiện triệu chứng của bệnh, bạn cần nhanh chóng tìm cách ứng phó để phòng tránh nguy cơ vùng dị ứng lan rộng. Đối với các trường hợp bị dị ứng thông thường, một số mẹo nhỏ sau đây hy vọng sẽ giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này.
Ngay khi thấy có biểu hiện dị ứng đầu tiên, bạn có thể dùng bột khoai tây thoa lên vùng da bị dị ứng khoảng 20 phút, nên làm đều đặn mỗi ngày 2 lần cho đến khi những biểu hiện của bệnh dị ứng tự rút lui. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha chanh với 1 cốc nước ấm cùng một chút mật ong vào trong nước chanh, uống vào buổi sáng sớm khi thức dậy, uống đều đặn trong một vài tháng, cách làm này giúp bạn cải thiện hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Nước hoa quả cũng được xem như một phương pháp chữa trị hiệu quả đối với chứng bệnh dị ứng. Uống nước ép trái cây thường xuyên cũng là một biện pháp giúp hệ miễn dịch mạnh khỏe để chống lại các bệnh dị ứng. Bạn cũng có thể dùng 1 - 2 chén trà xanh mỗi ngày thêm với chút mật ong. Cách này có tác dụng chữa trị khi bạn mắc dị ứng. Nên tránh hút thuốc, dùng đồ uống có cồn, tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa… là những yếu tố nguy cơ cho bệnh dị ứng khởi phát.
Nếu đã thử nhiều cách, nhưng biểu hiện của chứng dị ứng không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kịp thời điều trị. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc chữa trị dị ứng.
Tùy từng loại dị ứng thời tiết mà bạn mắc phải, sẽ có biện pháp dự phòng khác nhau. Ví dụ để phòng tránh các cơn viêm mũi xoang dị ứng, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Nên giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc liên tục. Tránh tiếp xúc với chó mèo, phấn hoa, bụi, khói thuốc… Nếu ngồi trong máy lạnh thì bạn chỉ nên chỉnh nhiệt độ chênh lệch khoảng 1-2 độ so với thời tiết ngoài trời. Cũng nên dự trữ sẵn các thuốc chống dị ứng phòng khi thời tiết thay đổi và uống thuốc ngay từ khi có biểu hiện nhẹ. Còn khi có triệu chứng nặng thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được tư vấn dùng thuốc.
Để phòng những cơn đau đầu dị ứng thời tiết, nên ăn nhiều rau xanh, rau quả có nhiều vitamin C; uống đủ 2 lít nước mỗi ngày nhằm điều hòa cơ thể; tập thể dục thể thao điều độ nhằm tăng cường sức khỏe. Cũng có thể uống các loại thuốc bổ B1, B6, B12... Tránh làm việc dưới trời nóng gắt; về mùa đông, nên mặc ấm và giữ ấm đầu; tránh những nơi ồn ào náo nhiệt khiến cho không khí ngột ngạt dẫn đến hạ huyết áp và gây ra những cơn đau đầu.
Những người nổi mề đay lạnh nên tránh tiếp xúc với không khí lạnh cũng như nước lạnh càng nhiều càng tốt. Ví dụ, bơi lội trong nước lạnh là nguyên nhân phổ biến nhất của một phản ứng nghiêm trọng toàn bộ cơ thể, dẫn đến ngất xỉu, sốc và tử vong.