Dị ứng thời tiết: Bác sĩ chỉ cách dùng thuốc chữa hiệu quả

26-04-2022 13:45 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hiện nay, do biến đổi khí hậu kèm theo ô nhiễm môi trường nên dị ứng thời tiết là bệnh lý rất thường gặp. Các triệu chứng dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa.

Lưu ý khi bị dị ứng thời tiếtLưu ý khi bị dị ứng thời tiết

SKĐS -Dị ứng thời tiết là căn bệnh rất hay gặp. Hơn nữa, bệnh lại thường xuyên tái phát. Và biện pháp tốt nhất giúp duy trì bệnh ở mức nhẹ nhất có thể là người bệnh cần nắm được một số kiến thức cơ bản như nên làm gì hay kiêng khem gì khi bị dị ứng thời tiết và thực hiện chúng thật tốt.

1.Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết

Vào những thời điểm chuyển mùa, thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng - lạnh hoặc độ ẩm ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể. 

Dị ứng thời tiết thực chất là hiện tượng rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể gây ra các phản ứng miễn dịch, sản sinh ra hàng loạt kháng thể, chất trung gian hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại cơ thể. Cơ chế sản sinh histamin cũng là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng.

Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng rất nhanh. Hiện đang vào mùa hè, trong những ngày nắng cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi nên làn da luôn trong tình trạng ẩm ướt, dễ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm và cơ thể dễ rơi vào tình trạng mất nước. Điều này làm cho bệnh cảnh dị ứng thời tiết trở nên nặng hơn.

photo-1650895326370

Mùa hè dễ làm cho bệnh cảnh dị ứng thời tiết trở nên nặng hơn.

2. Cách nhận biết triệu chứng của dị ứng thời tiết

Các triệu chứng thường gặp:

- Da ửng đỏ xuất hiện kèm theo ngứa dai dẳng, có dấu hiệu mề đay trên da hoặc sưng rộp phù nề và xung huyết.

- Nổi mề đay song song xuất hiện với dấu hiệu mẩn ngứa. Các trường hợp này thường xuất hiện dấu hiệu phù, mảng mề đay dày cộm, có màu trắng hoặc hồng. Sau khoảng thời gian ngắn khi da tiếp xúc với các yếu tố thời tiết như mưa lạnh, độ ẩm không khí cao... da sẽ nổi mề đay.

Chàm (eczema) biểu hiện là các mảng da đỏ, nổi mụn nước và ngứa ngáy, sau đó mụn nước vỡ dẫn đến trợt loét, da khô ráp, dày sừng và nứt nẻ. Nếu là chàm bội nhiễm cần phải can thiệp sớm để tránh tổn thương nặng hơn.

Viêm mũi dị ứng: Triệu chứng này dễ gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng thời tiết. Khi mắc, bệnh nhân sẽ cảm thấy khô vùng mũi họng, ngứa ngáy vùng mũi, mắt khó chịu, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, mất ngủ, buồn ngủ ngày, mệt mỏi, kém tập trung... Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng từ 20-30 phút. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau.

Các triệu chứng khác như ho nhiều, thở khò khè, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, mệt mỏi, chán ăn…ít khi gặp ở người lớn mà chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 15 tuổi.

 3. Điều trị dị ứng thời tiết thế nào?

3.1.Điều trị  bằng phương pháp không dùng thuốc

- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin C, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, uống bổ sung nước ép trái cây cung cấp nhiều vitamin, giúp tăng cường hệ miễn dịch, cơ thể mạnh khỏe để chống lại các bệnh dị ứng.

- Không hút thuốc, hạn chế lượng thức uống có cồn và hạn chế tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa, chó mèo vì đó là những dị nguyên thường gặp cho bệnh dị ứng. Do đó, bệnh nhân nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay khi di chuyển ngoài trời.

- Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, giữ ấm khi trời lạnh và làm mát khi trời nóng, đặc biệt lưu ý vào những thời điểm giao mùa.

- Khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, không nên chỉnh nhiệt độ quá thấp, chênh lệch khoảng 1-2 độ C so với thời tiết ngoài trời.

- Tập thể dục thể thao thường xuyên nhằm tăng cường sức khỏe.

- Hạn chế làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc trong thời tiết giá lạnh. Tránh những nơi đông người, không khí ngột ngạt.

- Tắm nước ấm/ nước mát. Tắm nước ấm được áp dụng trong trường hợp dị ứng thời tiết lạnh và ngược lại. Biện pháp này giúp điều hòa thân nhiệt, giảm mức độ ngứa ngáy và tiêu các mẩn đỏ, phát ban do dị ứng thời tiết gây ra.

- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Nếu dị ứng thời tiết xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa hoặc thời tiết quá lạnh, bệnh nhân nên sử dụng kem dưỡng ẩm 2 – 3 lần/ ngày. Kem dưỡng có tác dụng làm mềm và cải thiện hàng rào bảo vệ da. Qua đó có thể hạn chế mức độ ngứa ngáy và tránh sự xâm nhập của các chất dị ứng, kích ứng.

- Xông mũi bằng thảo dược: Để cải thiện các triệu chứng ở đường hô hấp, bệnh nhân nên xông mũi 2 – 4 lần/ tuần bằng thảo dược tự nhiên như gừng, chè xanh, tinh dầu tràm trà, lá chanh… Biện pháp này giúp làm loãng dịch tiết hô hấp, đồng thời loại bỏ chất dị ứng ứ đọng trong niêm mạc.

photo-1650895328194

Dị ứng thời tiết khiến cơ thể nổi mề đay song song xuất hiện với dấu hiệu mẩn ngứa.


Để tránh dị ứng thời tiết nên hạn chế làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc trong thời tiết giá lạnh. Tránh những nơi đông người, không khí ngột ngạt.

3.2. Điều trị dùng thuốc

Thuốc kháng histamine

Đây là thuốc chính trong điều trị các tình trạng dị ứng. Histamin là một trong những chất trung gian trong phản ứng dị ứng. Histamin được dự trữ nhiều nhất trong các tế bào mast ở các mô (chủ yếu ở phổi, ruột, da) và trong các hạt bài tiết của tế bào ưa kiềm. 

Các thuốc kháng histamin H1thế hệ 1 (promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin...) đóng vai trò là đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, đồng thời không gắn được với thụ thể nên không có tác dụng trên tế bào do đó có tác dụng chống dị ứng. Thuốc kháng histamin H1 có nhiều loại trên thị trường bao gồm 2 nhóm chủ yếu là thuốc thế hệ 1 và thuốc thế hệ 2.

Các thuốc kháng histamin H1  qua được hàng rào máu não nên có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người dùng phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày. 

Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 (loratadin, cetirizin, fexofenadin...) ít tác dụng phụ gây buồn ngủ hơn thuốc thế hệ 1, do đó được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị.

Một số tác dụng phụ ít gặp hơn là chóng mặt, ù tai, mờ mắt và run, khô miệng, bí tiểu, mờ mắt và táo bón. 

Do có tác dụng phụ gây buồn ngủ nên thuốc kháng histamin thường bị cấm dùng cho người vận hành máy móc. Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, glôcôm, tắc nghẽn ống tiêu hóa và đường tiểu hoặc dị ứng thuốc.

Thuốc chống viêm corticoid

Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng. Do thuốc thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên tình trạng lạm dụng corticoid gây ra rất nhiều tác dụng phụ đáng báo động. Một số loại thông dụng hiện nay như hydrocortisone, prednisolone, methylprednisolone, prednisone, fluocinolone, betamethasone, dexamethasone...

Corticoid dạng hít qua miệng, xịt mũi và dạng kem, gel, thuốc mỡ, dung dịch... dùng tại chỗ (bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai....) là những loại hay sử dụng trong điều trị dị ứng nhất.

Sử dụng corticoid trong thời gian ngắn (khoảng 1 – 2 tuần) thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp khi sử dụng đợt ngắn gồm: Kích ứng dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng, khó ngủ...

Tác dụng phụ dễ xảy ra hơn nếu dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhìn chung, liều càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng lớn: Loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, Hội chứng Cushing, đặc biệt là Cơn suy thượng thận - một trong những cấp cứu nội khoa khi ngưng đột ngột corticoid sau một thời gian dài dùng thuốc dẫn đến tuyến thượng thận bị ức chế.

Thuốc ổn định tế bào mast (dưỡng bào)

Nhóm thuốc này giúp ổn định tế bào mast ngăn chặn việc giải phóng các chất trung gian (histamin, serotonin,…) từ các tế bào mast. Thuốc này được sử dụng khi các nhóm thuốc khác (kháng histamin, corticoid tại chỗ) không có hiệu quả hoặc không dung nạp tốt. Một số loại theo đường dùng phổ biến như đường uống (cromolyn), nhỏ mũi (azelastine, cromolyn), nhỏ mắt (azelastine, cromolyn, lodoxamide, ketotifen, nedocromil, olopatadine, pemirolast). 

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đắng miệng, ít gặp như châm chích, ngứa, hắt hơi và chảy máu cam, kích ứng nhẹ thoáng qua ở mắt. Hiếm gặp hơn là các phản ứng quá mẫn như phát ban, ngứa, mề đay. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.

Ngoài những loại thuốc kể trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác tùy theo triệu chứng của từng bệnh nhân như thuốc giảm ho, long đờm, thuốc co mạch…

4. Lời khuyên của thầy thuốc

- Chỉ sử dụng thuốc khi đã được sự tư vấn của bác sĩ.

- Không được tự ý sử dụng thuốc trị dị ứng, đặc biệt là nhóm corticoid.

- Không thể chữa trị dứt điểm khi bị dị ứng thời tiết vì nó liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Đối với người bị dị ứng thời tiết, chỉ có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi.

- Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó cần tránh các tác nhân gây dị ứng tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo di chứng kéo dài hậu COVID có thể thành hội chứng phổ biến


BS. Đặng Xuân Thắng
Trường Đại học Y Dược, Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Ý kiến của bạn