Dị ứng thịt đỏ - nguyên nhân và cách xử trí

28-03-2021 15:39 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hội chứng Alpha-gal (dị ứng thịt đỏ) khá hiếm gặp. Người mắc hội chứng này sẽ dị ứng mỗi khi ăn thịt động vật, chủ yếu là với thịt đỏ. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc bệnh nhân bị loài bọ Lone Star (bọ ve) đốt, trong nước bọt của loài bọ này có chứa Alpha-gal.

Triệu chứng của Alpha-gal

Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng Alpha-gal thường xuất hiện trễ hơn so với các kiểu dị ứng thực phẩm khác. Các dấu hiệu thường chỉ xuất hiện sau 3 - 6 giờ sau khi ăn thịt đỏ, bao gồm: phát ban, ngứa, bong vảy da (chàm); sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; thở khò khè hoặc khó thở; sổ mũi; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn; hắt xì; nhức đầu; sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có khả năng gây suy hô hấp, đe dọa tử vong.

Khoảng cách xa giữa thời điểm ăn thịt đỏ và thời điểm xuất hiện phản ứng dị ứng là một lý do khiến hội chứng Alpha-gal bị bỏ qua trong quá trình chẩn đoán dị ứng.

Biến chứng khi dị ứng thịt đỏ

Dự ứng thịt đỏ có thể gây biến chứng sốc phản vệ. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm bao gồm: suy hô hấp; sưng họng, dẫn đến khó thở; huyết áp giảm nghiêm trọng (sốc); mạch nhanh; chóng mặt, hoa mắt, thậm chí mất ý thức. Nếu gặp các dấu hiệu này, thì cần đi cấp cứu ngay.

Một số người bị sốc phản vệ thường xuyên không rõ nguyên nhân có thể đang sống chung với hội chứng Alpha-gal, nhưng chưa được chẩn đoán.

Điều trị hội chứng Alpha-gal chủ yếu là tránh ăn thực phẩm gây dị ứng - cụ thể thịt đỏ.

Điều trị hội chứng Alpha-gal chủ yếu là tránh ăn thực phẩm gây dị ứng - cụ thể thịt đỏ.

Xử trí thế nào?

Tương tự như bất kỳ loại dị ứng thực phẩm nào, trị hội chứng Alpha-gal chủ yếu là tránh ăn thực phẩm gây kích hoạt phản ứng dị ứng, cụ thể ở đây là thịt đỏ. Luôn kiểm tra nhãn thành phần trên các loại thực phẩm mua tại cửa hàng và đảm bảo chúng không chứa thịt đỏ hoặc các thành phần có nguồn gốc từ thịt đỏ. Kiểm tra cả những gói súp, gói nước sốt và thành phần gia vị trong các sản phẩm đóng gói sẵn. Tham khảo ý kiến bác sĩ về danh sách các thực phẩm cần tránh, bao gồm cả những chất chiết xuất từ thịt được sử dụng trong hương liệu.

Nhiều người chưa hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của dị ứng thực phẩm và thậm chí không biết có hội chứng dị ứng thịt đỏ tồn tại. Khi gặp dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, bệnh nhân cần được tiêm epinephrine khẩn cấp và chuyển ngay đến phòng cấp cứu. Nhiều người bị hội chứng Alpha-gal, bác sĩ có thể kê toa cho bệnh nhân mang theo thiết bị tiêm epinephrine tự động để tự cấp cứu trong trường hợp nguy kịch.

Những triệu chứng của hội chứng Alpha-gal có thể giảm bớt, thậm chí biến mất theo thời gian nếu bệnh nhân không bị thêm vết cắn nào từ bọ ve mang Alpha-gal. Một số người mắc bệnh này đã có thể ăn thịt đỏ trở lại sau 1 - 2 năm sống chung với bệnh.

Phòng ngừa hội chứng Alpha-gal

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng Alpha-gal là tránh đi vào những vùng có bọ ve sống, đặc biệt là những khu vực nhiều cây cối, rậm rạp, nhiều cỏ mọc dài. Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng Alpha-gal khi thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản: mặc đồ kín; sử dụng thuốc chống côn trùng: dùng các sản phẩm chống côn trùng phù hợp với làn da. Cha mẹ nên bôi thuốc cho trẻ, tránh tay, mắt và miệng; dọn dẹp sân vườn, phát quang bụi rậm, dọn sạch những nơi có nhiều lá cây, thường là nơi trú ngụ của bọ ve. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ khi vào trong nhà. Loài bọ ve có thể lưu lại trên da bạn hàng giờ. Khi phát hiện trên người có bọ ve, cần loại bỏ càng sớm bằng cách lấy nhíp nhẹ nhàng gắp phần gần đầu hoặc miệng của nó, không nên bóp hoặc nghiền nát chúng khi chưa loại bỏ ra khỏi cơ thể. Bôi thuốc sát trùng nếu đã bị bọ cắn.    


BS. Trần Đức An
Ý kiến của bạn