Dị ứng sữa dùng thuốc gì?

24-04-2025 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dị ứng sữa là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Dù vậy, tình trạng này vẫn còn dễ bị nhầm lẫn với chứng không dung nạp lactose, dẫn đến việc điều trị sai cách hoặc bỏ sót những dấu hiệu nguy hiểm.

1. Hiểu đúng về dị ứng sữa

Dị ứng sữa là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với các protein có trong sữa, thường gặp nhất là casein và whey. Khi tiếp xúc, cơ thể sẽ nhận diện những protein này như một "chất gây hại" và khởi phát phản ứng dị ứng.

Triệu chứng có thể xuất hiện trong vài phút đến vài giờ sau khi tiêu thụ sữa hoặc các sản phẩm từ sữa, bao gồm nổi mề đay, ngứa, phát ban, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, khò khè, thở gấp, và trong một số trường hợp hiếm là sốc phản vệ.

Dị ứng sữa ở trẻ nhỏ có thể cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, người lớn mắc dị ứng sữa thường có xu hướng kéo dài.

2. Các nguyên tắc điều trị dị ứng sữa

Việc điều trị dị ứng sữa hiện nay tập trung vào 3 mục tiêu chính: Loại trừ tiếp xúc với sữa, điều trị triệu chứng khi dị ứng xảy ra và phòng ngừa biến chứng.

- Thứ nhất, việc loại bỏ hoàn toàn sữa và các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn là bước quan trọng hàng đầu. Trẻ dùng sữa công thức cần được chuyển sang sữa thủy phân hoàn toàn hoặc công thức amino acid tùy theo mức độ dị ứng.

- Thứ hai, nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng dị ứng, cần điều trị ngay lập tức theo chỉ định của bác sĩ. Với các biểu hiện nhẹ như ngứa, mề đay hoặc sổ mũi, thuốc kháng histamin có thể giúp cải thiện rõ rệt. Trong những trường hợp nặng hơn, có biểu hiện viêm lan rộng hoặc tổn thương đường hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc corticosteroid để kiểm soát phản ứng viêm.

Đặc biệt, trong tình huống phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, adrenaline là thuốc cấp cứu và cần được sử dụng kịp thời.

Dị ứng sữa dùng thuốc gì?- Ảnh 1.

Dị ứng sữa là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với các protein có trong sữa.

3. Các thuốc điều trị dị ứng sữa

Tùy vào mức độ phản ứng, bác sĩ sẽ cân nhắc các thuốc điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn biến chứng cho người bệnh.

3.1 Thuốc kháng histamin

Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến khi dị ứng mức độ nhẹ đến trung bình, với các biểu hiện như ngứa, nổi mề đay, sổ mũi.

- Tác dụng: Ức chế hoạt động của histamin, chất trung gian gây phản ứng dị ứng. Các thuốc thế hệ 2 (loratadin, cetirizin, fexofenadin…) thường được ưu tiên vì ít gây buồn ngủ.

- Tác dụng phụ: Có thể gây khô miệng, chóng mặt, mệt mỏi nhẹ ở một số người.

3.2 Thuốc corticosteroid

Khi phản ứng dị ứng lan rộng hoặc kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid ngắn hạn để giảm viêm, sưng nề và ngăn ngừa tái phát.

- Tác dụng: Ức chế phản ứng viêm mạnh mẽ, giúp kiểm soát nhanh các biểu hiện nặng.

- Tác dụng phụ: Dùng ngắn hạn thường an toàn, nhưng nếu kéo dài có thể gây loãng xương, tăng đường huyết, suy giảm miễn dịch.

3.3 Thuốc adrenaline (epinephrin)

Là thuốc cấp cứu hàng đầu trong sốc phản vệ, tình trạng đe dọa tính mạng, cần xử trí tức thì.

- Tác dụng: Giãn phế quản, chống tụt huyết áp và sốc.

- Tác dụng phụ: Hồi hộp, tim đập nhanh, run tay, nhưng hiếm gặp và không nguy hiểm bằng tình trạng phản vệ.

Dị ứng sữa dùng thuốc gì?- Ảnh 2.

Việc điều trị dị ứng sữa hiện nay tập trung vào loại trừ tiếp xúc với sữa, điều trị triệu chứng khi dị ứng xảy ra và phòng ngừa biến chứng.

3.4 Các thuốc khác

- Thuốc giãn phế quản (salbutamol, terbutaline): Dùng trong trường hợp có triệu chứng đường hô hấp dưới như ho khò khè, co thắt phế quản, thường kết hợp với các thuốc trên trong phản ứng nặng. Tác dụng phụ là: Tim đập nhanh, run tay, cảm giác bồn chồn ở một số người nhạy cảm.

- Các thuốc bổ sung:

+ Probiotics: Một số nghiên cứu cho thấy men vi sinh có thể hỗ trợ cân bằng miễn dịch đường ruột, giảm mức độ dị ứng ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cần lựa chọn chủng lợi khuẩn phù hợp.

+ Vitamin D và kẽm: Giúp tăng cường miễn dịch, cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ của da và niêm mạc.

4. Những điều cần lưu ý

Kiểm soát dị ứng sữa không chỉ phụ thuộc vào thuốc mà còn đòi hỏi sự phối hợp của người bệnh, người nhà và nhân viên y tế. Việc đọc kỹ nhãn thực phẩm, tránh tất cả sản phẩm có chứa sữa là rất quan trọng.

Trẻ dị ứng sữa cần được bác sĩ tư vấn thay thế bằng sữa thủy phân hoàn toàn, sữa amino acid hoặc các lựa chọn không có nguồn gốc từ động vật (như sữa gạo, sữa yến mạch...) nếu đã loại trừ nguy cơ phản ứng chéo.

Về lâu dài, người bệnh cần được tái khám định kỳ để đánh giá mức độ nhạy cảm và khả năng "thoát dị ứng", điều đã được ghi nhận ở nhiều trẻ trước tuổi đi học.

 Dị ứng sữa bò ở trẻ em: Triệu chứng và cách xử trí Dị ứng sữa bò ở trẻ em: Triệu chứng và cách xử trí

SKĐS - Dị ứng đạm (protein) sữa bò là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Dị ứng sữa bò thường xảy ra sớm với nhiều triệu chứng ở các cơ quan khác nhau.

Thuốc nào điều trị bệnh viêm mũi dị ứng?



ThS. DS. Trần Phương Duy
Ý kiến của bạn