Hà Nội

Dị ứng retinol bôi da, xử lý thế nào?

08-12-2021 17:40 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Retinol là một trong những thành phần của các sản phẩm chăm sóc, điều trị một số tình trạng về da. Tuy nhiên ở một số người có thể bị dị ứng khi bôi các sản phẩm này. Vậy ứng phó thế nào?

Khi mùa đông đến, da dễ bị khô nẻ, nổi mụn, nhăn nheo… nên nhiều người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm dược mỹ phẩm để điều trị. Trong đó, retinol là một hoạt chất được sử dụng nhiều trong việc chống lão hóa, làm sáng da và điều trị mụn.

Tuy nhiên, hoạt chất này lại có thể làm gia tăng kích ứng da. Vậy sử dụng retinol như thế nào cho đúng và khi bị kích ứng thì cần phải làm gì?

Da mẩn đỏ, ngứa rát sau khi dùng retinol

Chị N.T.Q. thấy da "xuống cấp" thậm tệ chỉ sau 1 tháng mùa đông: Da nhăn nheo, khô, bong tróc và nổi mẩn đỏ. Vì vậy chị đã đi khám và được tư vấn sử dụng một số sản phẩm dược mỹ phẩm, như: Serum, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng... Sau 1 tháng sử dụng, chị thấy da được cải thiện nên tiếp tục sử dụng sản phẩm, kèm thêm retinol để tăng cường chống lão hóa, làm mờ sẹo mụn…

Tuy nhiên, chỉ sau lần đầu sử dụng retinol, lập tức chị cảm thấy da bị châm chích, bỏng rát… Qua ngày hôm sau thì da bong tóc, nổi mẩn đỏ khắp mặt.

Dị ứng retinol, điều trị thế nào? - Ảnh 1.

Tình trạng da bong tróc sau khi thoa retinol.

Tuy được bác sĩ khám và giải thích đây là hiện tượng kích ứng mẫn cảm với vitamin A liều cao và kê đơn thuốc để xử trí tình trạng kích ứng da này, nhưng chị Q. vẫn thấy khó chịu trong suốt 1 tuần sau đó và phải thêm vài tuần nữa, các lớp bong tróc da hết thì làn da của chị Q. mới trở lại bình thường.

1. Tác dụng của retinol với làn da

Retinol chính là hoạt chất tiền vitamin A, có nhiều trong các loại thực phẩm: Cá, thịt, trứng, gan… Các thực phẩm này (hoặc bào chế dạng thuốc) được sử dụng để bổ sung trong các trường hợp thiếu vitamin A.

Nhưng retinol cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, hiệu quả cao trong điều trị mụn, làm mờ nếp nhăn, do đó hoạt chất này còn được sử dụng rộng rãi trong ngành mỹ phẩm chăm sóc da.

Do retinol kích thích sản sinh tế bào da mới, kích thích sản xuất collagen nên nếu thiếu chất này, da có thể trở nên lão hóa, khô ráp. Sự thiếu hụt retinol cũng có thể gây ra chứng dày sừng nang lông, một tình trạng có quá nhiều chất sừng trong nang lông, gây ra các sẩn nổi lên trên da. Vì thế retinol được sử dụng nhiều trong các loại thuốc phục hồi da tổn thương, giúp chữa lành vết thương, viêm nhiễm do mụn…

Dị ứng retinol, điều trị thế nào? - Ảnh 2.

Retiol có thể khiến da tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Khi mùa hanh khô tới, da khô và tình trạng lão hóa dễ bị xảy ra. Do đó, ngoài việc cấp ẩm và bảo vệ da khỏi tác tác động bên ngoài (bụi bẩn, hanh khô, ánh nắng…) thì da cần được bổ sung các thành phần chống lão hóa, trong đó retinol là một lựa chọn.

Nếu thoa retinol đúng cách, đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu, thì thuốc có thể giúp giảm thiểu các vấn đề như: Thâm, nám, mụn; cải thiện tình trạng lỗ chân lông bị bít tắc và trì hoãn quá trình lão hóa da…

Tuy nhiên, retinol lại có những tác dụng không mong muốn, khiến người sử dụng rất khó chịu nếu gặp phải.

2. Retinol gây tác dụng phụ trên da như thế nào?

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi bôi retinol:

- Da châm chích, nóng rát: Tình trạng này không phải hiếm gặp. Đây là phản ứng phụ thường gặp ở những người mới bắt đầu sử dụng retinol và có làn da nhạy cảm. Ở những người có da nhạy cảm, thì dù đã thoa kem retinol đúng cách, vẫn có thể gặp tình trạng da ửng đó, ngứa rát, bóng tróc lớp da bên ngoài.

Khi gặp phải tác dụng phụ này có thể khiến người sử dụng hốt hoảng. Tuy nhiên, tác dụng phụ này xảy ra là tạm thời, có thể sẽ hết và da trở lại bình thường khi được xử trí đúng. Để hạn chế tình trạng này, cần dùng retinol từ nồng độ thấp để da làm quen, sau đó tăng dần và cần kết hợp với sản phẩm cấp ẩm da đầy đủ.

- Da khô, bong tróc: Tình trạng này là do trong quá trình tái tạo tế bào, retinol có thể làm bong tróc các tế bào sừng bên ngoài và gây hiện tượng khô da, bong tróc da. Hiện tượng này rất thường gặp, đặc biệt là khi sử dụng retinol ở nồng độ cao, khiến người sử dụng khá khó chịu, mất tự tin…

Để hạn chế, các tình trạng bong tróc, khô da, thì người dùng không nên vì sốt ruột muốn cải thiện làn da nhanh mà lạm dụng. Chỉ nên thoa kem mỗi tuần 1-2 lần để da làm quen dần và có thời gian phục hồi.

3. Cách sử dụng retinol để giảm kích ứng da

Để an toàn khi dùng retinol, nên sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời cần kết hợp với dưỡng ẩm, giúp da khỏe hơn.

- Do retinol khiến da tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nên sử thoa kem vào ban đêm. Dù vậy, ban ngày vẫn cần thoa kem chống nắng, ngay cả khi không đi ra ngoài trời.

- Khi bắt đầu sử dụng, cần thoa với số lượng ít. Chỉ lấy một lượng kem bằng khoảng một hạt đậu Hà Lan và thoa đều cho toàn bộ vùng da mặt. Mỗi tuần chỉ nên sử dụng 2 lần để da làm quen dần với retinol. Khi da đã thích nghi, thì tăng số lần sử dụng.

- Với làn da bình thường, sau khi thoa retinol khoảng 1 tiếng sau sẽ thoa kem dưỡng ẩm. Nhưng với người có làn da nhạy cảm, để giảm thiểu tình trạng kích ứng da, nên thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi thoa retinol. Hoặc có thể sử dụng kem dưỡng ẩm trước khi thoa retinol (bước này sẽ giúp hạn chế tình trạng kích ứng da, nhưng cũng làm giảm tác dụng của retinol). Tùy vào làn da của mình mà người dùng có thể lựa chọn thứ tự bôi retinol cho phù hợp.

Dị ứng retinol, điều trị thế nào? - Ảnh 4.

Da kích ứng thường gặp ở người lần đầu sử dungj retinol.

4. Điều trị da kích ứng do retinol thế nào?

Mặc dù những dấu hiệu dị ứng retinol chỉ xảy ra tạm thời và không ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến cấu trúc của da, nhưng nhiều người tỏ ra thất vọng vì khi dùng retinol lại thấy tinh trạng của da tồi tệ hơn nên bỏ liệu trình điều trị. Việc điều trị da bằng retinol có hiệu quả hay không, phụ thuộc vào sự kiên trì và sử dụng thuốc đúng cách. Chính vì sự chăm sóc sai cách nên dẫn đến thất bại trong điều trị cải thiện làn da.

Với những người không chủ động xử lý đúng tình trạng dị ứng da do retinol, thì cần đến chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị. Trong một số trường hợp, chỉ cần vệ sinh da cùng tích cực sử dụng kem dưỡng ẩm một thời gian thì da sẽ trở lại trạng thái bình thường. Một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống dị ứng như: Fexofenadine hay chống viêm như medrol... Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

COVID-19 ở trẻ em.

ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
Ý kiến của bạn