Dị ứng nặng hơn vì tự chữa bệnh

31-07-2012 10:52 | Thông tin dược học
google news

Bệnh dị ứng thực phẩm không khó điều trị và việc điều trị cũng rất đơn giản, không tốn kém mà hiệu quả cao. Chỉ cần dùng thuốc đúng cơ chế gây bệnh là có thể khống chế.

(SKDS) - Bệnh dị ứng thực phẩm không khó điều trị và việc điều trị cũng rất đơn giản, không tốn kém mà hiệu quả cao. Chỉ cần dùng thuốc đúng cơ chế gây bệnh là có thể khống chế. Tuy nhiên, không ít trường hợp tự ý mua thuốc về dùng khiến tình trạng dị ứng ngày càng trầm trọng hơn.

Tự chữa - bệnh nhẹ thành nặng

Anh Nguyễn Công Thành (Hà Nội) vốn là một nhân viên của một công ty điện tử viễn thông có tiếng ở Hà Nội. Kỳ nghỉ này, công ty anh cho đi du lịch tận bãi biển Nha Trang. Đã đi biển thì thực đơn thường có các món ăn hải sản. Thế nhưng sau khi ăn vào, hôm sau, anh thấy chân tay bị nổi một số nốt rất lạ. Các nốt có hình tròn, hình đa giác, màu đỏ và hơi gồ lên trên mặt da. Các nốt này có kích thước khác nhau, từ 1-2cm và đặc biệt không đau, chỉ ngứa.
 
Anh cho rằng mình bị nóng trong nên đi mua thuốc về tự điều trị. Ra cửa hàng thuốc, anh trình bày hiện tượng sức khỏe của mình và hỏi mua thuốc làm mát cơ thể. Nhân viên bán thuốc đã bán cho anh một số loại trà dược giải nhiệt và một số thuốc giải độc gan. Anh cho rằng gan bị nhiễm độc nên cần phải bổ dưỡng gan. Nhưng kỳ lạ, càng uống thuốc bệnh càng không giảm. Sang đến ngày thứ 3 thì nốt dị ứng nổi hết trên cơ thể, toàn bộ chân tay, ngực bụng. Các nốt không còn là 1-2cm mà đã lớn lên thành 5-7cm, có nốt to như lòng bàn tay.

Về đến Hà Nội, anh tức tốc đi khám. Các bác sĩ đã chẩn đoán ngay ra bệnh là dị ứng thực phẩm và anh đang tự trị liệu nhầm. Bệnh dị ứng thực phẩm hiếm khi là một bệnh dị ứng nặng. Thông thường, nó chỉ là bệnh ngoài da và ít khi gây ra hệ trọng với cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể thì bệnh có thể chuyển từ nhẹ thành nặng và rất nguy hiểm. Điều này đã xảy ra với anh Nguyễn Công Thành, đã bị dị ứng nặng do điều trị nhầm từ một dị ứng thực phẩm rất nhẹ.

Dị ứng thì dùng thuốc gì?

Dị ứng thực phẩm là một bệnh khá thông thường. Nguyên nhân do cơ thể không dung nạp một số loại thực phẩm cố định gây ra. Điều này có liên quan sâu xa tới thành phần dinh dưỡng trong chúng.

Nốt, mụn, ban ngoài da cũng là một biểu hiện của nhiễm độc gan. Tuy nhiên, không phải tất cả các nốt, ban ngoài da đều là biểu hiện của những rối loạn này. Trong trường hợp của anh Thành, anh chẳng hề bị nóng trong hay nhiễm độc, mà đơn giản anh đang bị dị ứng thực phẩm.

 Nổi mề đay do dị ứng thực phẩm.

Thuốc dùng trong trường hợp này chỉ cần các thuốc kháng histamin tại thụ thể H1. Kháng histamin sẽ bất hoạt toàn bộ cơ chế gây dị ứng. Vì suy cho cùng, toàn bộ các rối loạn của dị ứng như ngứa, nổi mề đay, nổi mẩn, nổi ban… đều do histamin và các chất trung gian hoá học của dị ứng gây ra. Ức chế được hoạt chất này thì chúng ta khống chế được bệnh.

Các thuốc kháng histamin có hai thế hệ cơ bản, mặc dù cho đến nay, người ta đã bào chế thử nghiệm lên đến thế hệ thứ 3. Trên thị trường đa phần là các thuốc kháng histamin thế hệ 1, 2 mà thôi.

Có thể kể ra đây một số loại như clopheniramin (giá thành thấp nhất), diphenhydramin, carbinoxamin, clemastin thuộc thế hệ thứ 1. Các thuốc như cetirizin, loratadin, terfenadin thuộc thế hệ thứ 2.

Khi dùng thuốc chống dị ứng có ba điều cơ bản bạn cần lưu ý:

 Với thuốc thệ hệ 1, chúng ta phải chia liều thuốc ra làm hai lần trong ngày. Nhưng với thuốc thế hệ 2, chỉ cần uống một liều duy nhất.

Thứ hai là thuốc thế hệ 1 có thể gây ra chứng ngủ gà, vì vậy, chỉ được dùng thuốc vào buổi tối và không được dùng thuốc ban ngày khi làm việc, đặc biệt là những người vận hành máy móc, tàu xe.

Thứ ba là mức độ mạnh của thuốc tùy thuộc vào dạng thuốc dùng. Thuốc dạng tiêm thì mạnh hơn thuốc dạng uống. Tùy vào mức độ dị ứng mà dùng các dạng thuốc khác nhau. Đa phần các trường hợp chỉ cần dùng ngay một liều thuốc uống là có thể khống chế sớm được dị ứng thực phẩm.

Trong các trường hợp dị ứng nặng, cần phải sử dụng đến các thuốc hỗ trợ corticoid hay thuốc trợ tim mạch như dobutamin, noradrenalin, salbutamol. Các thuốc này chỉ được dùng trong trường hợp cấp cứu và xử trí các tình huống nguy kịch có liên quan đến dị ứng và phải do bác sĩ chỉ định.

Trong các trường hợp này, mọi biện pháp điều trị nóng trong hay thải độc gan đều không có hiệu quả. Và một nguyên tắc tối quan trọng với dị ứng thực phẩm thì phải ngay lập tức dừng loại thực phẩm đang dùng vì biện pháp này có tác dụng cắt đứt nguyên nhân gây bệnh. 

BS. Lê Thanh Huyền


Ý kiến của bạn