Hà Nội

Dị ứng mắt và cách trị

19-04-2020 11:28 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Dị ứng mắt hay còn gọi là viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi mắt phản ứng với chất kích thích.

Những chất này gọi là dị nguyên. Khi cơ thể phản ứng với dị nguyên sẽ gây ra phản ứng dị ứng mắt. Dị ứng mắt cần được xử trí kịp thời để không tổn thương mắt.

Vì sao bị dị ứng mắt?

Hệ thống miễn dịch luôn làm việc để bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể chống lại các yếu tố có hại từ bên ngoài như virus, vi khuẩn. Dị ứng là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với dị nguyên. Tuy nhiên, hệ thống này phản ứng sai lệch cũng có thể gây ra các phản ứng miễn dịch. Đó chính là hiện tượng dị ứng.

Dị ứng mắt xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra các chất chống lại dị nguyên, các chất này vô hại với cơ thể nhưng lại dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa mắt, đỏ và chảy nước mắt. Khi một chất gây dị ứng tiếp xúc với mắt, một số tế bào bên trong mắt (gọi là các tế bào mast) phóng thích histamin và các chất khác để chống lại các chất gây dị ứng. Kết quả là mí mắt và kết mạc - lớp màng dạng sương mù, mỏng  phủ bên trong của mí mắt và phần trắng của mắt (củng mạc) trở nên đỏ, sưng và ngứa với chảy nước mắt và rát.

Đỏ mắt, chảy nước mắt là những dấu hiệu bị dị ứng mắt.

Đỏ mắt, chảy nước mắt là những dấu hiệu bị dị ứng mắt.

Nhiều người bị dị ứng mắt là do phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng trong không khí (cả trong và ngoài nhà), như bụi, lông vật nuôi, nấm mốc hoặc khói thuốc. Một số chất gây dị ứng trong không khí phổ biến nhất bao gồm phấn hoa từ cỏ cây, giống cúc vàng, góp phần vào dị ứng theo mùa.

Các phản ứng dị ứng với nước hoa, mỹ phẩm hoặc các loại thuốc cũng có thể gây phản ứng dị ứng cho đôi mắt. Một số người có thể bị dị ứng với các hóa chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt bôi trơn, do vậy nên sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chất bảo quản để thay thế.

Đôi khi mắt có thể phản ứng với các chất gây dị ứng khác mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp với mắt, như thực phẩm hay côn trùng cắn hoặc đốt.

Một số người có thể di truyền dị ứng mắt từ cha mẹ của họ. Bạn có nhiều khả năng bị dị ứng nếu cả cha mẹ của bạn bị dị ứng hơn là chỉ có một người bị dị ứng. Những người bị dị ứng ở mắt thường cũng có dị ứng mũi với ngứa, nghẹt mũi và hắt hơi. Nó thường là một tình trạng tạm thời (cấp tính) liên quan đến dị ứng theo mùa.

Các triệu chứng dị ứng mắt phổ biến nhất bao gồm: Mắt đỏ, sưng hoặc ngứa; Rát hoặc chảy nước mắt; Nhạy cảm với ánh sáng. Nếu kèm theo dị ứng mũi, bạn cũng có thể bị ngạt mũi, ngứa mũi và hắt hơi cũng như đau đầu, ngứa hoặc đau cổ họng hay ho.

Phấn hoa và các yếu tố từ môi trường là tác nhân gây dị ứng.

Phấn hoa và các yếu tố từ môi trường là tác nhân gây dị ứng.

Các tổn thương dị ứng mắt thường gặp

Các tổn thương dị ứng mắt thường gặp gây ra những bệnh khá cụ thể. Từ việc xác định đúng bệnh và nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp.

Viêm kết mạc dị ứng: Đây là bệnh dễ gặp nhất với triệu chứng ngứa mắt, chảy nước mắt, nặng hơn là co quắp mi, sợ ánh sáng, phù nề... Không giống như viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus, viêm kết mạc dị ứng không lây từ người này sang người khác.

Viêm giác mạc: Bệnh do một tổ chức vô mạch được nuôi dưỡng nhờ oxy và thẩm thấu nên các biểu hiện dị ứng có vẻ âm thầm và hiếm gặp hơn. Viêm giác mạc thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao - xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virus thủy đậu, zona... Ngoài ra còn có viêm giác mạc do viêm nhiễm tại củng mạc và thượng củng mạc.

Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên vào được bên trong nhãn cầu nhưng chúng ta vẫn gặp các bệnh lý dị ứng. Viêm bên trong nhãn cầu có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glocom do thể thủy tinh...

Bệnh dị ứng mắt có thể đi kèm với dị ứng của các cơ quan khác như dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, thuốc, hen...

Điều trị và phòng ngừa dị ứng mắt

Dù bị dị ứng mắt nặng hay nhẹ thì cách tốt nhất vẫn là loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Những người nghi bị dị ứng mắt cần đến khám ở các bệnh viện uy tín, tránh tình trạng dụi mắt quá nhiều sẽ gây ra kích thích tế bào mast cells làm bệnh tăng nặng thêm.

Khi có dấu hiệu bị dị ứng mắt, người bệnh nên rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo.

Chườm lạnh cũng là giải pháp tốt để giảm triệu chứng phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch.

Cần tránh việc tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc về nhỏ vì mắt khá nhạy cảm và quan trọng. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị mắt cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, không thể tùy tiện lạm dụng gây nên một số biến chứng cho đôi mắt.

Với những người dễ mắc bệnh dị ứng, cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên, các chất kích thích được cho là có khả năng gây dị ứng mắt. Khi mắt có dị vật, nên nháy mắt liên tục trong ly nước sạch. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật, nên đến ngay bệnh viện mắt  chuyên khoa để kiểm tra.


BS. Hiền Thu
Ý kiến của bạn