Hà Nội

Dị ứng cao dán thuốc, phải làm gì?

05-03-2019 15:04 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi bị đau vai, do không có điều kiện đi khám, tôi đã tự mua một loại cao dán được quảng cáo là có tác dụng giảm đau.

Sau khi dán, tình trạng đau của tôi thuyên giảm nhưng sau hơn 1 ngày, tôi bắt đầu thấy ngứa tại chỗ dán, sau đó, trên da bắt đầu nổi các đám đỏ và mụn nước. Tôi đã bóc bỏ cao dán nhưng vùng da tại chỗ dán vẫn bị sưng nề ngày càng tăng, ngứa nhiều và căng tức. Xin hỏi có phải tôi đã bị dị ứng với cao dán và tôi phải điều trị thế nào?

Trần Đức (Lạng Sơn)

Qua những triệu chứng chị đã mô tả, có thể chị đã bị viêm da dị ứng tiếp xúc do cao dán. Đây là một dạng dị ứng chậm, gây ra do các loại hóa chất, mỹ phẩm hoặc thuốc tiếp xúc với cơ thể qua da, niêm mạc mắt, mũi, miệng…,  thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh từ 24 - 48h. Các biểu hiện thường gặp là ngứa và đau rát, sau đó nổi các ban đỏ, mụn nước và sưng nề khu trú tại nơi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng và diễn biến kéo dài, các tổn thương có thể sẽ lan ra toàn thân, mất đi tính chất khu trú. Do có thành phần phức tạp và xa lạ với cơ thể người, các loại thuốc đông dược dùng tại chỗ (bôi, cao dán…) là nhóm nguyên nhân rất thường gặp gây ra thể dị ứng này. Vấn đề quan trọng nhất trong điều trị viêm da dị ứng tiếp xúc là kịp thời phát hiện và ngưng việc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Vì vậy, chị cần ngừng ngay việc dán cao này lại và đi khám để được xử lý kịp thời, tránh để các tổn thương này nặng hơn. Để phòng ngừa viêm da dị ứng tiếp xúc do thuốc, nhất là đối với những người bệnh có cơ địa dị ứng, trước khi dùng thuốc nên bôi thử trên một diện da nhỏ ở mặt dưới cẳng tay (đối với các loại thuốc dạng mỡ, kem) hoặc cắt một miếng cao dán nhỏ để dán thử (đối với dạng cao dán) và theo dõi trong 24-48h, nếu không có phản ứng xảy ra mới sử dụng trên diện rộng.


BS. Nguyễn Trường
Ý kiến của bạn