Đi tìm sự tích “ma hát” ở Thẩm Rộc

02-03-2012 10:49 AM | Xã hội

Còn nhớ, khi lên dự Lễ hội Lồng tồng do ngành văn hóa huyện Định Hóa, Thái Nguyên tổ chức đầu xuân năm ngoái, khá vất vả tôi mới lách qua được một rừng người lớn, trẻ con để vào xem… rối.

Còn nhớ, khi lên dự Lễ hội Lồng tồng do ngành văn hóa huyện Định Hóa, Thái Nguyên tổ chức đầu xuân năm ngoái, khá vất vả tôi mới lách qua được một rừng người lớn, trẻ con để vào xem… rối. Trước đó, tôi không để ý ngay dưới thềm sân khấu lớn dùng để biểu diễn văn nghệ, một “quầy” múa rối khá hoành tráng đã được dựng ở đấy từ bao giờ. Trong tiếng trống thì thùm, tiếng kèn, nhị réo rắt và tiếng thoại oang oang phát ra từ loa nén, các chú rối lắc lư, nhảy múa trên nền phông làm bằng một tấm vải xanh da trời. Tôi thực sự bất ngờ khi phát hiện ra những tích cổ đang được những con rối vô cùng linh hoạt kia “nói hộ” là do một phường rối của người Tày thể hiện.

Độc đáo phường rối

Quá tò mò, tôi vạch phông chui vào “hậu trường”. Ba bốn chị tuổi trạc 40, mắt phượng mày liễu nhưng vẫn dung dị một vẻ đẹp vùng cao đang hát và thoại lời nhân vật. Còn các nam diễn viên, ai nấy quần xắn móng lợn, chân đất, tay cứ lắc lư những con rối nhoay nhoáy. Kết thúc “show diễn”, tôi lại gần một “diễn viên” đang chữa cái khớp tay một con rối và được giới thiệu: “Tôi là Ma Quang Chóng, Trưởng phường rối Thẩm Rộc. Phường rối này là “tài sản” riêng của dòng họ Ma Quang. Một buổi biểu diễn trước kia phải bao gồm 8 trò, kéo dài cả buổi, nhưng do các trò có nội dung chồng chéo, phức tạp về lời dẫn cổ nên đến nay chúng tôi đã tinh giảm xuống còn một trò gồm nhiều mục nhỏ. Các buổi biểu diễn đều là những con rối mới được điều khiển bằng que tre và dây do anh em trong phường sáng tạo ra…”.

 Ông Ma Quang Chóng giới thiệu về nghệ thuật rối Thẩm Rộc.
Theo ông Chóng, rối Tày truyền thống ở bản Thẩm Rộc theo trình tự “tiền ổi hậu ca”. Mở màn buổi biểu diễn, hai người sẽ ra trước buồng trò “ổi” nhằm giới thiệu về phường rối và ổn định trật tự. Sau đó sẽ là các trò biểu diễn với những người điều khiển rối trong buồng trò, những người chơi nhạc cụ trống, phách, thanh la... và người đọc lời giáo. Lời giáo thường là các bài văn vần, có tính tương tác, đối thoại với người xem, dẫn dắt các động tác biểu diễn của rối và biểu đạt ước nguyện của con người. Các tiết mục đặc trưng nhất của rối Tày Thẩm Rộc bao gồm các trò rối cổ, tiêu biểu gồm rối mệ, rối táp, rối bồi, rối tắc kè…

Chỉ “thu thập” được chừng ấy thông tin, tôi phải dừng “tác nghiệp” vì một màn diễn mới sắp được bắt đầu dưới sự chỉ huy của trưởng phường Ma Quang Chóng. Ngồi một góc quan sát, tôi vô cùng ngạc nhiên về chuyện các “diễn viên” của phường rối đặc biệt này có thể thủ ba bốn vai một lúc. Sau hồi trống dạo đầu, con rối đi trong cánh gà ra, từ từ ngồi lên ghế, tay đặt lên cây đàn bầu. Cả một rừng khán giả phía dưới lặng ngắt. Tiếng đàn bầu ngân lên, tay con rối nhẹ nhàng gảy điệu nhạc Tiếng đàn bầu. Người xem những tưởng chính con rối đang đàn bản nhạc này thật sự vì tay nó thể hiện giống quá. Tiết mục tiếp theo diễn ra chỉ trong vài phút mà thật sự ấn tượng. Con rối trong vai người nông dân ngồi nghỉ bên gốc cây, tay cầm điếu cày, tay nhồi thuốc. Sau tiếng rít dài, khói từ miệng con rối nhả ra y như nó đang… hút thuốc lào thật. Để ý kỹ, tôi thấy rằng, cách điều khiển con rối ở phường rối Thẩm Rộc khác với các phường rối tôi đã từng được xem. Ngoài một số con rối dùng dây giật, cầm trên tay điều khiển, phần lớn các con rối được điều khiển qua các que tre. Người điều khiển sử dụng một que to cắm vào thân và 2 que nhỏ cắm vào 2 tay con rối, đầu que to được giắt sau thắt lưng, có dây quàng vào cổ để giữ, 2 tay giữ 2 que nhỏ để điều khiển các tay rối.

Sau này tìm hiểu, tôi được biết, Thẩm Rộc là bản “ăn chơi” có tiếng của xã Bình Yên (Định Hóa, Thái Nguyên) mà phường rối cạn là một điển hình. Đội rối bản này từng tung hoành ngang dọc khắp vùng Định Hóa, vừa mới tham gia liên hoan rối quốc tế ở Hà Nội trở về. Cứ vào dịp đầu xuân, bên bất cứ khoảnh đất trống nào ở khu vực trung tâm các bản, các xã hay trong Lễ hội Lồng tồng, những con rối cạn xuất hiện từ các buồng trò được quây bằng lá cọ, tưng bừng diễn xướng các động tác sinh hoạt thường ngày của con người cũng như muông thú, mang ước nguyện về sự đỗ đạt vinh danh bảng vàng, thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu…

Nỗi lo thất truyền nghề rối

Một ngày cuối tháng Giêng năm Nhâm Thìn này, tôi lại “khăn gói quả mướp” lên Định Hóa, tìm về “sự tích rối Tày” Thẩm Rộc để thỏa chí tò mò. Người tôi gặp đầu tiên vẫn là trưởng phường Ma Quang Chóng. Nhận ra “người quen cũ”, ông Chóng xởi lởi mời tôi vào nhà để “giới thiệu thật kỹ về rối Tày Thẩm Rộc cho nhà báo dưới xuôi”. Bên ấm trà Thái Nguyên ngào ngạt hương thơm, ông bồi hồi nhớ lại: “Phường rối Thẩm Rộc do các bậc tiền bối của dòng họ Ma Quang thành lập vốn có từ xa xưa và được truyền từ đời này sang đời khác trong sự đam mê nghệ thuật rối của người dòng họ này. Với người trong dòng họ Ma Quang ở Thẩm Rộc, những con rối luôn được coi là hình tượng linh thiêng và thường gọi là “ma hát”. Bởi thế, mỗi khi có ai trong dòng họ Ma Quang qua đời đều phải mang theo con rối để không bị “ma bắt”. Hiện nay, trong phường rối có 3 thành viên khác dòng họ, nhưng họ chỉ tham dự với vai trò là người hát then, biểu diễn đàn tính và thổi sáo mà thôi. Có thể nói, cách thức điều khiển con rối vẫn là nghệ thuật bí truyền của dòng họ Ma Quang. Khán giả khi xem các con rối chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng tưởng đơn giản nhưng thực tế, để điều khiển được chúng thì không hề dễ dàng. Người điều khiển chúng phải có độ tinh tế rất cao, phải khéo léo và có sự phối hợp nhịp nhàng với người cùng diễn trong từng tích trò. Khác với các cụ ngày xưa, bây giờ, các buổi biểu diễn đều là những con rối mới được điều khiển bằng que tre và dây do anh em trong phường sáng tạo ra, còn 33 con rối cổ luôn được cất kỹ trong hòm và rất ít khi mang ra biểu diễn trước công chúng...

 Rất đông khán giả đến xem phường rối Thẩm Rộc biểu diễn tại Lễ hội Lồng tồng ở Định Hóa năm 2011.
Trả lời câu hỏi của tôi về lý do có sự “thay thế nhân vật” này, ông Chóng bảo, các quân rối cổ của dòng họ Ma Quang đã trên 200 năm tuổi. Theo tục lệ truyền lại từ xa xưa, những quân rối cổ xưa được xem là “ma” nên phải thờ cúng. Đã từng có không ít đoàn nghiên cứu nước ngoài sang hỏi mua cả hòm rối cổ với giá “trên trời” nhưng họ chỉ nhận được lời từ chối. Trước lời đề nghị của tôi muốn được xem bộ rối cổ, ông Chóng đến gần bàn thờ làm lễ xin phép ông tổ. Những quân rối cổ được cất cẩn thận trong một chiếc hòm gỗ lớn đã cũ kỹ. 33 quân rối cổ, mỗi quân một kiểu; có rối mô phỏng người, động vật và đồ vật…

Theo ông Ma Công Triệu - Bí thư chi bộ thôn Thẩm Rộc, “tài sản” rối cạn của dòng họ Ma Quang có thể coi là “độc nhất vô nhị”, song nó đã phải nhiều phen khốn đốn trước nguy cơ thất truyền. Sau nhiều năm vắng bóng bởi sự thờ ơ của khán giả, bởi nỗi lo mưu sinh thường nhật của các thành viên dòng họ Ma Quang, nghệ thuật rối Tày Thẩm Rộc mới được khôi phục và biểu diễn trở lại từ năm 1996 với sự giúp đỡ nhiệt tình của tiến sĩ La Công Ý (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)… Cứ nghe những gì Bí thư Triệu tâm sự cùng với tiết lộ của ông Ma Quang Chóng về chuyện đời, chuyện nghề, tôi biết những nghệ nhân phường rối Thẩm Rộc còn say nghề đến “cùng cực”. Từ mấy mẩu gỗ đầu thừa đuôi thẹo, các con rối được chế tác dùng làm trò chơi cầu kỳ và sang trọng. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng ở một “sân khấu” của phường tối Thẩm Rộc, người xem đứng xúm xít dưới những gốc cây để nghe, để xem đàn sáo, trống phách vang trời, các con rối khua chân, múa tay diễn trò y như thật. Đã quá đi chứ! Cứ nghĩ trò chơi của những người nông dân chân đất nơi vùng cao Định Hóa lại làm ngây ngất khán giả mà thấy sướng!

Đất lề, quê thói. Thẩm Rộc - nơi sinh ra một “báu vật” rối cạn của người Tày vốn là đất “ăn chơi” từ thuở xa xưa và ngày nay, một thú chơi cổ truyền ở đây đang phục hồi, đáng được khuyến khích lắm thay!

Bài và ảnh: Hùng Bình


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH