Cộng đồng dân tộc Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trên dải đất hình chữ S trải dài từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, nhiều dân tộc có các chi, nhánh nhỏ được gọi là tộc người. Nhưng cho đến nay duy nhất chỉ còn tồn tại một tộc người “ngủ ngồi” mà nguồn gốc của họ lại không phải là dân tộc thiểu số.
Từ truyền thuyết đến tập tục “ngủ ngồi”
Còn một giả thuyết là từ xa xưa lắm, không ai biết chính xác tên gọi họ là gì. Một số tài liệu ít ỏi có nói về họ với cái tên Đan Lai, chính là tên gọi nhánh cổ của sông Lam chảy qua huyện Thanh Chương- Nghệ An.
Còn già làng La Văn Quyết năm nay gần 100 tuổi ngậm ngùi cho biết: Tổ tiên ta cũng có thể là người Kinh đấy. Già Quyết giải thích: Theo như ta biết thì chữ “Đan” là từ tên làng Đan Nhiệm mà ngày xưa tổ tiên ta cư ngụ dưới xuôi, còn chữ “Lai” là bởi nhiều thế hệ người Đan Lai chung sống với nhiều tộc người khác, nhưng để che giấu thân phận hẩm hiu của mình nên buộc phải chấp nhận sự lai tạp trong cuộc sống hằng ngày.
Khám bệnh cho trẻ em người Đan Lai. |
Theo sách Thanh Chương tú khí của Bùi Dương Lịch, thư tịch hiện còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm cho hay: Cách đây khoảng trên 300 năm, tên bạo chúa miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, chẳng hiểu vì lý do gì bắt dòng họ La phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái”, nếu không sẽ bị tru di cửu tộc. Thời ấy người họ La không thể tìm đâu ra, nhưng quyết không để cho tên bạo chúa tàn ác kia tru di cửu tộc dòng họ mình. Trong đêm, người họ La rủ nhau bỏ trốn. Nhưng biết đi đâu bây giờ, nếu tên bạo chúa kia mà bắt được thì nó chẳng tha. Sau lưng họ La là một bản án tử hình, trước mặt họ là một con đường vô phương định. Nhưng họ phải ra đi khỏi làng Đan Nhiệm. Thế là đi mãi, đi mãi vào tận rừng sâu núi thẳm, nơi ấy vốn chỉ dành cho thú rừng, chim muông và bạt ngàn cây quần tụ.
Nơi đoàn người của dòng họ La dừng lại “cắm bản” thì chao ôi đã ở gần biên giới Việt - Lào, thuộc địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, và thời gian cách chúng ta khoảng 1/3 thiên niên kỷ. Mãi đến năm 1985, một người đi rừng lần đầu tiên phát hiện ra ở vùng bìa Vườn quốc gia Pù Mát, Con Cuông có một nhóm người sinh sống. Thế là người họ La lại tiếp tục “nhổ neo” lùi sâu mãi vào đến tận vùng lõi của khu vườn mới dừng lại hẳn để “cắm bản”. Họ nghĩ rằng đấy mới là nơi cư trú “an toàn”, tránh được sự dòm ngó của quân quan tên bạo chúa đang tìm cách bức hại mình. Người họ La nay có một tên gọi mới là người Đan Lai.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tộc người Đan Lai chỉ có hơn 3.000 người, trong đó gần 1.000 người sinh sống ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông.
Trước kia, vì ở tận nơi “thâm sơn cùng cốc” đầy thú dữ nên người Đan Lai dựng chòi phủ cành cây ở tạm, không giường, chiếu, chăn, màn. Họ thường dùng chạc cây chống vào cằm ngồi ngủ để phòng thú dữ. Già Quyết cho biết: Ngủ ngồi là cái nếp tự xa xưa. Ngày xưa con hổ, con báo ở nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân bạo chúa truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào, nên mới sinh tật “ngủ ngồi” từ khi nào cũng chẳng ai hay. “Ngủ ngồi” là để có thế mà vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu... Tập tục “ngủ ngồi” có lẽ được hình thành từ đấy và cho đến bây giờ vẫn còn được lưu giữ ở tộc người này.
Vườn chuối của người Đan Lai ở Khe Bu. |
Báu vật của tộc người Đan Lai
Trong bản tộc người Đan Lai, bà con luôn nhắc đến già Bốn với tấm lòng khâm phục. Bởi ông La Văn Bốn là người Đan Lai duy nhất được gặp Bác Hồ lúc sinh thời. Ông Bốn năm nay đã ngoài 70 tuổi, bước chân đã chậm, tiếng nói không còn vang như trước nhưng đôi mắt vẫn còn tinh nhạy lắm.
Năm 1946 có cán bộ Việt Minh đi qua bản Khe Chát hoang vu vận động bà con dân tộc thiểu số tham gia phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt”, La Văn Bốn đi theo ngay, và năm 1947 khi mới 13 tuổi, La Văn Bốn đã vượt rừng đón thầy về bản xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc, trong đó có người Đan Lai.
Bảy năm sau chàng thanh niên Đan Lai này là học viên Trường Sư phạm miền núi Trung ương ở Tuyên Quang. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trường chuyển về Hà Nội. Tại đây, trong lần Bác Hồ đến thăm, trường chọn mỗi dân tộc một học sinh chụp ảnh với Bác Hồ, người Đan Lai duy nhất đó là La Văn Bốn.
Ông nhớ lại: Sau khi hỏi chuyện ăn có no không, các thầy cô có thương không, có bày vẽ tốt không, Bác khuyên: Các cháu như những hạt giống văn hóa. Các thầy cô là người ươm những hạt giống trở thành cây của bản làng các dân tộc. Vì vậy các cháu phải cố gắng để học giỏi. Ký ức đó như tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên Đan Lai trên con đường lập nghiệp.
Hồi đó hết ngược lên xã Tà Cả, huyện Kỳ Sơn dạy học ông lại xuôi về Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông làm công tác quản lý rồi đi học trường chính trị của Bộ Giáo dục để về làm hiệu trưởng Trường Sư phạm miền núi tỉnh Nghệ An (1969-1970). Những lời dạy của Bác cùng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú mà ông Bốn đã được phong tặng, người Đan Lai xem đó như là một báu vật...
Cụ già người Đan Lai. |
Những tấm hình thầy Bốn chụp chung với Bác ngày ấy vẫn được thầy lưu giữ như kỷ vật để đời. Khi có người hỏi xin thầy nhất định không cho. Thầy bảo: Kỷ vật này là thiêng liêng, ta lưu giữ cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Thực hiện lời căn dặn của Bác, cho đến tận bây giờ mặc dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng thầy Bốn vẫn ngày đêm miệt mài đèn sách đem cái chữ của Bác Hồ về dạy cho con em người Đan Lai ngay tại nhà.
Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ An, với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng. Theo đề án này, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục tại các khu vực đồng bào Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn. Để triển khai đề án bảo tồn tộc người Đan Lai, năm 2008, huyện Con Cuông đã dựng nhà tái định cư được cho 42 hộ, với 193 nhân khẩu Đan Lai ra lập bản mới tại xã Thạch Sơn. Sâu trong rừng Pù Mát chỉ còn 2 bản là Cò Phạt và bản Púng, với khoảng 150 hộ, 800 nhân khẩu.
Huyện Con Cuông đang từng bước cố gắng thực hiện di dân tái định cư, tạo điều kiện để người Đan Lai sớm hòa nhập cuộc sống mới. Bản tái định cư của người Đan Lai hiện có một trường mẫu giáo và một trường tiểu học 5 lớp với 50 học sinh. Tại vùng tái định cư, người Đan Lai có cuộc sống ấm no hơn, có điện, có giao thông, có đất canh tác, trẻ em được học tại những ngôi trường khang trang, sạch sẽ hơn hẳn khi còn “cắm bản” trong rừng sâu...
Thạch Thành