Di tích ở Hà Tĩnh đang kêu cứu

10-10-2013 16:08 | Xã hội
google news

Hà Tĩnh là địa phương có hệ thống các di tích lịch sử, di tích văn hóa khá lớn, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay có nhiều di tích đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.

Hà Tĩnh là địa phương có hệ thống các di tích lịch sử, di tích văn hóa khá lớn, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay có nhiều di tích đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.

"Đua nhau"… xuống cấp

Miếu Biên Sơn thuộc thôn Trung Sơn xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh là ngôi miếu thờ nữ tướng Phan Thị Sơn, thời chống quân Minh. Miếu Biên Sơn được trao tặng bằng có công với nước 1967 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Đến năm 1991 thì Nhà nước trao tặng tiếp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Mặc dù là một di tích cấp quốc gia nhưng kiến trúc, hiện trạng của miếu Biên Sơn lại rất đơn giản và sơ sài. Miếu chỉ có diện tích khoảng 16,4m2 và được che bằng mấy tấm tôn và bạt để thờ cúng. Mặt trước miếu có cửa mở để đồ lễ, ba phía còn lại được che bằng ván. Bên tả có bàn thờ quan Văn, bên hữu thờ quan Võ, tất cả đều xây bằng vôi vữa. Được biết, năm 1995 và 2004 Nhà nước có đầu tư, tu bổ miếu nhưng do số tiền đầu tư ít nên chỉ làm được con đường dẫn lên miếu, còn phần miếu thì vẫn rất sơ sài.

Chi Gia Trang và Mộng Thương Thư Trai (ở thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) từng là một thư viện lớn nhất xứ Nghệ, là nơi cất giấu tài liệu, sách báo, toàn bộ di cảo của Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Du. Nhưng giờ đây quần thể di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Cùng cảnh ngộ với Chi Gia Trang còn có đền Đô Nam Nhạc Ô Trà Sơn (xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Đô Nam Nhạc Ô Trà Sơn phụng thờ ông Võ Sùng Ban, làm quan dưới triều Lý Nhân Tông, có công lớn trong việc cầm quân đánh giặc Chiêm Thành, được nhà vua phong Thượng Quốc Công. Sau khi ông mất, triều đình ra chỉ dụ giao cho nhân dân vùng Tổng Nội Ngoại Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc) - nơi ông đóng quân lập đền thờ tự và được phong thần bảo hộ của làng. Đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 2628-QĐ/UBND ngày 13/11/2006. Tuy nhiên, do lịch sử chiến tranh, thiên tai mà hiện nay ngôi đền đang bị xuống cấp. Đi từ ngoài vào trong nhìn ngôi đền tàn tạ, đổ nát một cách nghiêm trọng. Ngôi nhà Hữu vu và Tắc môn mục nát, tường gạch bong tróc từng mảng lớn, rêu bám phủ, những cột trụ rạn nứt, sứt mẻ còn một nửa gạch đá như không trụ nổi mái đền phía trên. Các hình thù chạm trổ, điêu khắc tinh xảo như chim hạc, rồng, ngựa đều bị sứt mẻ, không còn nguyên vẹn. Thảm nhất là gian hạ điện khi trần nhà mái đền là những lỗ hổng lớn, gạch vỡ, mối mọt gặm nhấm, gỗ mục chất đống trong góc đền thờ. Mái nhà thì có một số góc phải dùng ngói bi-rô lợp xen vào ngói âm dương để chống dột.

Di tích ở Hà Tĩnh đang kêu cứu 1
 Miếu Biên Sơn được che chắn sơ sài bằng tôn và bạt.

"Bài ca kinh phí"

Tìm về các địa phương có các di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết chính quyền đều đồng loạt lên tiếng là do không có kinh phí nên không thể tôn tạo, trùng tu.

Trao đổi với PV, ông Lê Viết Bình - Phó Chủ tịch xã Hồng Lộc, địa phương quản lý miếu Biên Sơn cho biết: "Hằng năm ngày lễ tết, xã có đến miếu thắp hương và có cấp 100.000 nghìn đồng để mua hương, hoa. Còn việc tôn tạo lại ngôi miếu thì vượt ngoài tầm khả năng của xã và xã cũng đang làm đơn lên cấp trên xin ý kiến lãnh đạo".

Còn ông Trần Quốc Trình - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu thì chia sẻ: "Trước sự xuống cấp của quần thể di tích Chi Gia Trang và Mộng Thương Thư, chính quyền xã đã báo cáo việc này lên cấp trên. Năm 2008 huyện Lộc Hà có hỗ trợ 30 triệu đồng, nhưng do số tiền quá ít, nên xã đã trả lại huyện. Còn việc xã muốn tôn tạo lại di tích nhưng việc này vượt ngoài tầm kiểm soát".

Mặc dù nhiều địa phương có vận động nhân dân cùng đóng góp, tuy nhiên đời sống người dân các xã còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp cũng hạn chế, nếu có thì cũng không được nhiều.

"Việc đền Đô Nam Nhạc Ô Trà Sơn bị xuống cấp xã đã biết từ lâu, xã cũng đã có đề nghị lên cấp trên, đến nay tỉnh đã cấp cho 300 triệu đồng. Đồng thời xã cũng kêu gọi bà con, nhân dân cùng đóng góp và bà con đã đóng góp được gần 300 triệu nữa. Tuy nhiên theo dự trù kinh phí thì tổng kinh phí cho công tác trùng tu là hơn 1,2 tỷ đồng nên xã đang tiếp tục cố gắng đi xin kinh phí" - ông Lê Sỹ Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện cho biết.

Nhìn nhận một cách khách quan thì để trùng tu, tôn tạo được các di tích đã được xếp hạng là một công việc vượt quá khả năng của các xã nên cứ đành phải chấp nhận chờ đợi nguồn kinh phí ở trên. Tuy nhiên, các di tích với tình trạng xuống cấp, hư hại trầm trọng như vậy thì không thể tiếp tục chờ đợi, không thể chống chịu với thiên nhiên, với thời gian. Vì vậy, mong chính quyền các cấp sớm có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, nhanh chóng "cứu" các di tích thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ.
Bài và ảnh: Hồ Ánh Nguyên

Ý kiến của bạn