Di tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp nghiêm trọng, vì sao chưa được tu bổ?

09-04-2022 16:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chín Hầm nằm dưới chân núi Thiên Thai (phường An Tây, TP Huế) vốn là kho vũ khí do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1941 bằng bê tông cốt thép, theo thời gian đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu, năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Nhật đã lấy toàn bộ vũ khí ở đây, khu Chín Hầm bị bỏ trống. Từ sau năm 1954, dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn đã cải tạo Chín Hầm trở thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.

Tên gọi di tích là Chín Hầm nhưng thực ra có 8 hầm và 1 pháo đài canh, cũng là nơi ở của binh lính. Mỗi hầm có mỗi chức năng riêng. Các hầm được xây dựng theo kiểu bán quân sự nửa chìm nửa nổi. Căn hầm lớn nhất có diện tích 85m2, căn nhỏ nhất 41m2. Đây được xem là "địa ngục trần gian", trong đó điển hình là hầm số 8 được ngăn thành 2 dãy xà lim kiểu chuồng cọp chỉ vừa 1 người (1,8m x 1,8m x 0,8m).

Di tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp nghiêm trọng, vì sao chưa được tu bổ? - Ảnh 1.

Đường vào Hầm số 8.

Sau vụ đảo chính ngày 1/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, các căn hầm này cũng bị đập phá. Để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại Chín Hầm, đồng thời để ghi dấu tội ác của kẻ thù, ngày 16/12/1993, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã có quyết định 2015/QĐ-BT công nhận di tích Chín Hầm là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Di tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp nghiêm trọng, vì sao chưa được tu bổ? - Ảnh 2.

Tượng đài trong khuôn viên Di tích lịch Chín Hầm.

Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định tạm giao khu quy hoạch Chín Hầm cho Công ty CP Du lịch Hương Giang quản lý. Tiếp đến là Quyết định về việc tạm giao đất cho đơn vị này để xây dựng khu tưởng niệm tại Khu chứng tích Chín Hầm vào năm 2004.

Để phát huy giá trị di tích, Công ty CP Du lịch Hương Giang đã xây dựng các công trình: Đền tưởng niệm, khu tượng đài, 2 nhà đón tiếp khách tham quan, cải tạo hệ thống đường đi lại tham quan, cải tạo 2 hồ nước, phục dựng lại hầm số 8.

Đến ngày 18/3/2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định giao di tích Chín Hầm cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) trực tiếp quản lý. Trải qua thời gian, hiện nay một số hạng mục công trình của di tích bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được đầu tư nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp.

Di tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp nghiêm trọng, vì sao chưa được tu bổ? - Ảnh 3.

Xuống cấp theo thời gian.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, sau này khi Công ty CP Du lịch Hương Giang bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh vào năm 2013, đến nay vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo, nhiều hạng mục xuống cấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Dù trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu thốn, nguồn kinh phí hết sức khó khăn, nhưng đơn vị vẫn thường xuyên bố trí cán bộ hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã lập biển nội quy tham quan, biển giới thiệu nội dung tại di tích và tiến hành cắm mốc xác định các khu vực bảo vệ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế việc vi phạm xâm lấn…", đại diện Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế  thông tin.

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích. Qua khảo sát, các thành viên tham dự đã có ý kiến và thống nhất nhiều nội dung đề nghị Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế báo cáo Sở VHTT trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất hạng mục thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Khu vực Chín Hầm.

Di tích lịch sử Chín Hầm xuống cấp nghiêm trọng, vì sao chưa được tu bổ? - Ảnh 4.

Tái hiện bên trong một hầm thuộc Di tích lịch sử Chín Hầm.

Tại Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 thì dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Khu chứng tích lịch sử Chín Hầm được thực hiện theo giai đoạn từ năm 2026-2028.

Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Sở VHTT xem xét, báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sang giai đoạn 2021-2025.

Thừa Thiên Huế được tặng 2 cổ vật quý triều Nguyễn trị giá hàng chục tỷ đồngThừa Thiên Huế được tặng 2 cổ vật quý triều Nguyễn trị giá hàng chục tỷ đồng

SKĐS - Ngày 1/4, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có có văn bản đồng ý tiếp nhận cổ vật do một tập đoàn hiến tặng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trưa 9/4: Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tuyệt dối không lơ là phòng dịch dịp Giỗ Tổ


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn