Đi Tây để biết phim mình là... “của lạ”

25-01-2010 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Năm 2009 vẫn là năm chật vật khẳng định mình của điện ảnh nước nhà. Số lượng phim sản xuất chưa tăng. Lượng phim nhập khẩu tăng đột biến.

Năm 2009 vẫn là năm chật vật khẳng định mình của điện ảnh nước nhà. Số lượng phim sản xuất chưa tăng. Lượng phim nhập khẩu tăng đột biến. Cạnh tranh khốc liệt với những "bom tấn" của Mỹ, các nhà làm phim tư nhân gồng sức dồn vốn liếng cho mùa phim Tết. Nhưng trong sự chật vật ấy đã thấy ánh lên những nét vui vì đã có những bộ phim Việt lấy được nước mắt, hoặc được giới chuyên môn quốc tế thừa nhận. Mùa xuân, hãy nghe chuyện của những người đem chuông đi đánh xứ người trong năm 2009 để biết phim mình đang đứng ở đâu, giữa những “bom tấn” ấn tượng mang thương hiệu ngoại.

 Đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Minh Hương.

Đạo điễn, NSND Đặng Nhật Minh: Phải đi vào số phận con người và làm với tay nghề cao mới … thắng ở quốc tế

LHP quốc tế đầu tiên mà Đừng đốt tham gia là LHP Fukuoka. Trước đây, LHP này chỉ chọn chiếu các phim xuất sắc của châu Á. Giải khán giả bình chọn phim xuất sắc nhất mới chỉ có vài năm gần đây. LHP Fukuoka 2009 có 26 phim tham dự và tôi thực sự bất ngờ khi Đừng đốt dành được khá nhiều thiện cảm của người xem. Bất ngờ, vì người Nhật chưa từng đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm (cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản tại Nhật trước thời điểm diễn ra LHP ít ngày) nhưng họ đã đón nhận bộ phim và xúc động không kém khán giả VN. Trong các buổi giao lưu, khán giả Nhật đặt rất nhiều câu hỏi cho đạo diễn. Đại loại, khi làm phim này ông có bị o ép gì không?  Những người trong Chính phủ VN khi xem Đừng đốt, có ý kiến gì?  Tôi trả lời, Đừng đốt là phim Nhà nước cho tiền để làm.  Trong quá trình làm phim cũng không ai bắt tôi phải làm với mục đích tuyên truyền chính trị. Tôi chỉ làm theo lương tâm mách bảo, làm sao có được một bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật tốt nhất... Sau Nhật Bản, Đừng đốt đã sang Mỹ trong tour chiếu vòng quanh các trường đại học. Đối tượng xem phim là những người có học thức. Không ngờ, bộ phim đã được đón nhận một cách nồng hậu. Giáo sư Bruno Sachi của trường Đại học Princeton đã nói sau buổi chiếu:  "Đây là bộ phim về đề tài chiến tranh hay nhất mà tôi được xem". Buổi chiếu cuối cùng tại Mỹ được thực hiện tại một rạp với 400 chỗ ngồi ở New York và bán vé với giá 15 USD. Không còn ghế trống. Sau buổi chiếu là buổi giao lưu kéo dài. Trên sân khấu lúc đó có tới 3 Fred ( 2 diễn viên đóng vai Fred trong phim và Fred thật ngoài đời vừa kịp bay tới New Yord). Ông Mc. CuAuliff- Chủ tịch Tổ chức hòa giải Đông Dương, người có công vận động chính phủ Mỹ xóa bỏ  cấm vận đối với VN là người đầu tiên đứng lên phát biểu, nước mắt lưng tròng, thậm chí nói vài câu thì nghẹn ngào. Ông bảo:  "Đây là bộ phim cực  kỳ xúc động. Một bộ phim về chiến tranh mà  không thấy hận thù, chỉ thấy tình người. Tôi cho đây là bộ phim mà tất cả người Mỹ cần phải xem”...

Từ Đừng đốt, nhìn lại các phim đã làm và đã được công chiếu ở các LHP quốc tế, được các đài truyền hình nước ngoài mua và phát sóng, tôi tự rút được kinh nghiệm, phim VN muốn dành được thiện cảm của khán giả quốc tế phải đi vào số phận con người, làm phim bằng rung động thật của người nghệ sĩ, phim có tính nhân văn sâu sắc. Chỉ có vậy, mới thắng được.

 Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: Với thế giới, phim Việt gây sự tò mò vì  là "của lạ"...

Tháp tùng Trăng nơi đáy giếng đến các LHP quốc tế, tôi hơi choáng ngợp trước đông đảo khuôn mặt, tên tuổi mình đã biết đến qua phim ảnh, báo chí. Có vẻ như họ tò mò chú ý đến mình nhiều hơn, vì dù sao mình cũng là "của lạ". Nói có vẻ "chảnh", nhưng dự LHP là một công việc khá vất vả, chứ không thong dong như đi du lịch. Dĩ nhiên ưu tiên xem các phim cùng tranh giải, nhất là các phim châu Á, để tìm hiểu. Dù sao thì phim mình cũng có những cái không sợ đụng hàng. Mình cứ nghĩ: "Biết đâu được..." để yên tâm hơn. Như ở Dubai, tranh giải với phim Heaven on Earth của đạo diễn Deepa Mehta rất nổi tiếng, nữ diễn viên Preity Zinta đã đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc ở Chicago, thấy hơi lo cho Hồng Ánh. Nhưng cuối cùng thì Hồng Ánh lại được. Trong Trăng nơi đáy giếng, tính cách nhân vật, diễn biến và phát triển các tình tiết và giải pháp để giải quyết vấn đề có vẻ không giống ai, khiến các buổi thảo luận sau các buổi chiếu khá sôi nổi, thường là quá giờ quy định. Những đặc điểm riêng mang đậm bản sắc dân tộc theo tôi là những chất liệu quý giá cho người làm phim. Khán giả nước ngoài muốn biết những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đó ảnh hưởng thế nào đến lối sống và số phận nhân vật được trình bày trong phim. Và dĩ nhiên phải chấp nhận những phản ứng trái ngược của người xem. Tôi đã được đọc một bài báo của nhóm "Quốc học Đồng Khánh xa Huế" ở Mỹ phê bình gay gắt bộ phim "đã gây ra sự hiểu lầm sai lạc và tai hại về con người và văn hóa Huế".

Tôi cứ nhớ mãi đêm trao giải bế mạc LHP Dubai. Địa điểm là một trường đua lạc đà giữa sa mạc, với khoảng 3000 khách mời ngồi chung quanh. Hồng Ánh trong chiếc áo dài màu vàng nhanh nhẹn đi lên lãnh giải, tà áo tung bay thật đẹp, trên nền hình ảnh cô giáo Hạnh. Chung quanh mọi người ồ lên tán thưởng, đua nhau chụp hình. Thật vui. Còn ở LHP Rotterdam, theo yêu cầu của ban tổ chức, tôi có dựng triển lãm một điện thờ Huế ở gần chỗ chiếu phim cho khán giả hiểu hơn khi xem phim. Vậy là một số khán giả cũng thắp nhang, vái lạy, lắc xăm như những gì họ đã được xem. Buổi chiếu phim lại trùng với đêm giao thừa Tết Nguyên đán ở Việt Nam, nên trước khi chiếu, tôi đã có vài lời chúc Tết khán giả. Cũng là một kỷ niệm khó quên.

(Các giải thưởng của phim Trăng nơi đáy giếng: Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại LHP Dubai; Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Madrid - Tây Ban Nha)

 Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Đỗ Hải Yến.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên:  Chúng ta mới chỉ là "áo gấm đi đêm"

Việc bộ phim Chơi vơi có mặt tại các LHP hàng đầu của thế giới trong năm qua như Venice, Toronto... khiến tôi cảm thấy mình may mắn. Thời gian cho Chơi vơi tham dự LHP Venice 2009 khá cập rập nên những việc chuẩn bị để PR phim tại liên hoan cũng  không được chu toàn. Chúng ta chưa có một hệ thống để có thể hỗ trợ cho những sự kiện như thế.  Mặt khác, tại các LHP lớn như Venice, điện ảnh VN chưa phải là cái tên được chú ý. 1800 nhà báo quốc tế tại Venice chỉ chú ý đến các phim tranh giải chính thức, các phim của các đạo diễn danh tiếng có nhiều ngôi sao tham gia. Tuy nhiên, buổi chiếu phim Chơi vơi chính thức ở Venice trong một rạp chiếu 1.300 chỗ gần như kín hết, khán giả vỗ tay rất lâu. Sau đó mọi người đến chúc mừng chúng tôi. Và tôi thật sự bất ngờ khi biết Chơi vơi đoạt giải của Hiệp hội phê bình quốc tế. Bởi, những bộ phim được chọn vào Venice đều rất xuất sắc. Hơn nữa Hiệp hội phê bình điện ảnh quốc tế là của những người chuyên nghiệp ngành điện ảnh. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi "phổng mũi". Bởi có ra với thế giới, tham dự vào các LHP hàng đầu của thế giới mới biết phim Việt chưa có vị trí nào ở các LHP đó. Nếu không nói là số 0. Muốn phim Việt được chú ý  cần phải có những tác phẩm mang  dấu ấn cá nhân sâu sắc của người nghệ sĩ, phải mang tính cách riêng biệt của văn hóa dân tộc và được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc luôn là điểm mạnh, chưa bao giờ là "rào cản" sáng tạo. Rào cản ở đây chính là sự tù đọng của tư duy và đánh giá các giá trị nghệ thuật. Lâu nay, chúng ta không học cách làm sao cho nền điện ảnh có một con đường phát triển một cách tự nhiên, có nghĩa là một nền điện ảnh sống bằng thị trường với nhiều nhà đầu tư. Điện ảnh VN  cần phải  có  những nhà tài trợ vì sự phát triển điện ảnh Việt Nam; cần những chính sách nhất quán và hiệu quả vì sự phát triển điện ảnh;  cần sự tôn trọng của công chúng và những nhà chính trị;  cần phải có sự quyết tâm của những người làm điện ảnh... để những người làm phim Việt Nam có thể tự tin đồng hành cùng điện ảnh thế giới. Hiện tại tôi rất vui vì đã quên được Chơi vơi và đang có cảm hứng với một dự án mới.

Chu Thu Hằng


Ý kiến của bạn