Hà Nội

Đi tắm suối, bé trai 18 tháng tuổi bị vắt chui vào mũi

16-08-2022 16:09 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sau khi phát hiện mũi phải chảy máu trong nhiều ngày, người nhà đưa bé trai 18 tháng tuổi đến bệnh viện thì phát hiện một con vắt dài 4cm nằm trong hốc mũi phải của bé.

Ngày 16/8, TS.BS CKII Nguyễn Thanh Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã gắp thành công con vắt sống gần 20 ngày trong mũi của bé trai 18 tháng tuổi.

Theo người nhà của cháu bé, trước khi nhập viện 2 tuần, gia đình có đưa cháu bé về quê Thái Nguyên và đi tắm suối. Khi về nhà bé có hiện tượng chảy máu ở mũi phải và rỉ rả nhiều lần trong suốt 10 ngày. Ban đầu, gia đình nghĩ con bị chảy máu cam bình thường. Bé đi khám và được bác sĩ tư cho uống thuốc viêm mũi xuất huyết nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Tối 14/8, bé trai được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng tỉnh, sinh hiệu ổn, mũi phải có dị vật động đậy nằm ở cửa mũi, sau đó chui vào hốc mũi.

Ths.BS Nguyễn Thanh Tuấn cho hay, các bác sĩ cấp cứu cố gắng gắp nhưng dị vật chui vào hốc mũi, bé không hợp tác nên phải chuyển vào phòng mổ để gây mê mới có thể lấy dị vật ra. Con vắt được lấy ra đã hút căng máu, vẫn còn động đậy, dài khoảng 4cm. Hiện sức khỏe của bé đã ổn định, vui vẻ chơi đùa.

Đi tắm suối, bé trai 18 tháng tuổi bị vắt chui vào mũi - Ảnh 1.

Con vắt dài khoảng 4cm sau khi được lấy ra khỏi mũi cậu bé. Ảnh: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, đây là trường hợp ít gặp chứ không phải hiếm gặp. Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM từng ghi nhận một số trường hợp dị vật là đỉa, vắt bám ở vùng thanh quản, hoặc kiến, ve chó bám trên tai bệnh nhân.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em cần hiểu biết về sự nguy hiểm của các loại dị vật sống. Việc phát hiện sớm để loại bỏ dị vật sống nhanh chóng rất quan trọng. Người dân nên lưu ý khi đi tắm sông, suối và cẩn thận khi uống nước bởi có thể không thấy con đỉa, vắt nhỏ.

Con vắt (con tấc) có ở nơi ẩm thấp, nặng 100mg, dài 3-5cm nhưng có thể hút máu rất nhiều (8 - 10 lần trọng lượng cơ thể). Chúng có giác bám vào lớp niêm mạc mũi, khi hút máu tạo ra chất không đông (hirudin) nên thường không gây đau, rát, rất khó phát hiện.

Con vắt khi cư trú trong mũi ở các ngách khe, dị vật gây ra tình trạng chảy máu mũi, phù nề, ra máu, nghẹt mũi. Ở thanh quản gây ra tình trạng ho, khó thở thanh quản. Nếu bị bỏ quên lâu ngày trong hốc mũi sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi kéo dài và gây thiếu máu mãn tính. Nếu dị vật bám vào thanh quản dễ gây tình trạng tắc nghẽn đường thở và nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người nhà khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ có triệu chứng chảy máu mũi hoặc chảy mũi hôi 1 bên, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay.

Vắt sống trong mũi bé trai 5 tuổiVắt sống trong mũi bé trai 5 tuổi

SKĐS - Bé trai vào viện với tình trạng chảy dịch và máu mũi nhiều, nội soi phát hiện con vắt ký sinh trong mũi gần một tháng.


Kim Vân
Ý kiến của bạn