Bệnh nhân H.V.P (1959) tình cờ phát hiện ra mình bị phình động mạch chủ ở bụng khi đi siêu âm tại phòng khám đa khoa trong khu vực. Theo lời kể, trước đó, bệnh nhân P. cảm thấy đau nặng ở ngực, bụng nên quyết định đi khám tại phòng khám gần nhà thì mới phát hiện ra mình bị phình động mạch chủ ở ổ bụng. Sau đó các bác sĩ chuyển qua Bệnh viện Quận để được được can thiệp sớm, nếu không sẽ vỡ động mạch ảnh hưởng đến tính mạng.
Các bác sĩ can thiệp đặt stent-graft cho bệnh nhân P.
Ths. Bs Nguyễn Kim Anh – Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu chia sẻ: Nếu như trước đây giải pháp cho những ca bị phình bóc tách động mạch chủ là phẫu thuật mổ hở với nhiều nguy cơ có thể xảy ra như chảy máu, nhiễm khuẩn, nằm hồi sức sau mổ lâu và tỷ lệ tử vong khá cao thì kỹ thuật can thiệp đặt stent-graft (đặt một khung giá đỡ bằng kim loại được phủ bởi màng sợi tổng hợp trong lòng của túi phình để tái tạo thành động mạch bị tổn thương đồng thời điều chỉnh dòng chảy đúng sinh lý hơn) đã tạo sự khác biệt rất lớn. Đây là sự can thiệp gây tê chứ không gây mê, thời gian hậu phẫu ngắn, người bệnh hồi phục mau chóng, tạo nhiều cơ hội sống.
Đặt Stent Graft là một kỹ thuật cao nhất trong can thiệp bệnh lý mạch máu, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và sự tinh tế trong thực hiện thủ thuật, dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Chính vì sự phức tạp của kỹ thuật này mà ekip bác sĩ khoa Lồng ngực Mạch máu và nhân sự phòng DSA khoa Gây mê hồi sức – Bệnh viện quận Thủ Đức đã chuẩn bị một thời gian dài trước khi triển khai.
Phình động mạch là sự giãn khu trú của thành mạch làm mất đi tính song song của thành mạch. Phình động mạch chủ bụng được xác định khi đường kính lớn nhất vượt quá 1,5 lần đường kính của đoạn bình thường trước nó. Đường kính trung bình của động mạch chủ ở người bình thường là 2cm, do vậy đa số các chuyên gia thống nhất khi đường kính động mạch chủ bụng > 3cm thì được coi là phình. Phình động mạch chủ bụng dưới thận chiếm 90-95% phình động mạch chủ bụng. 40% phình động mạch chủ bụng có phình động mạch chậu kèm theo.
Hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng. 80% phình động mạch chủ bụng được phát hiện tình cờ trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Bệnh thường không đặc hiệu bệnh nhân thường có các biểu hiện Đau ( có thể đột ngột, dữ dội hoặc đau dai dẳng giữa bụng hoặc lưng, đau lan xuống hai chân); Vã mồ hôi, chóng mặt.; Khó thở.
- Tuổi và giới tính: Nam giới có tần suất bị phình động mạch chủ bụng cao gấp 5 lần nữ giới và thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi.
- Nghiện thuốc lá: Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ mạnh cho sự phát triển phình động mạch chủ. Trẻ em đã hút hoặc nhai thuốc lá, nguy cơ càng cao
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp thường gây tổn thương mạch máu trong cơ thể, nâng cao cơ hội phát triển phình động mạch.
- Xơ vữa động mạch.