Hà Nội

Di sản Việt Nam, một năm nhìn lại

13-02-2015 07:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm 2014, Việt Nam chúng ta vinh dự có tới 3 di sản (một vật thể, một phi vật thể và một tư liệu) được UNESCO công nhận. Trước thềm năm mới, cùng nhìn lại…

UNESCO công nhận danh thắng Tràng An là Di sản thế giới

Được ví như “Hạ Long trên cạn”, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) thu hút du khách bởi vẻ đẹp hài hòa của núi đá, hang động, sông nước, rừng cây và bầu trời, tạo nên một thế giới tự nhiên sống động đầy quyến rũ và thú vị không nơi nào có được.

Tại kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra cuối tháng 6/2014 tại Doha - Qatar, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành di sản kép đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận với các giá trị về văn hóa, danh thắng nổi bật toàn cầu, nâng tổng số các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam lên 8 khu di sản.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh

Ngày 27/11, tại Paris (Pháp), Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức vinh danh dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, từ tháng 12/2012, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Loại hình nghệ thuật dân ca này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... với lời ca ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống.

Theo nhiều chuyên gia về di sản, dân ca ví, giặm có sức sống mãnh liệt và là niềm tự hào của từng người dân xứ Nghệ. Ca từ của dân ca ví, giặm cũng đời thường và dung dị, do đó, công tác bảo tồn sẽ không gặp nhiều thách thức như các loại hình nghệ thuật đài các và đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ trong biểu diễn.

Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Ngày 14/5, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới thứ tư của Việt Nam được công nhận.

Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính duy nhất còn lại của Vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam, mang bút tích của nhà vua. Châu bản này là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như toàn bộ hoạt động của triều đình và đời sống xã hội thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.

Châu bản triều Nguyễn không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, mà còn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước ta, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Đây là Di sản tư liệu thế giới thứ tư của Việt Nam được công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn năm 2007, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012).

Công nhận thêm 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cuối tháng 12/2014, Bộ VH-TT&DL công bố thêm 26 di sản văn hóa phi vật thể, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lên 94 di sản.

Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này thuộc các loại hình: Ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Nổi bật trong 26 di sản có: lễ hội đền Trần (Nam Định), nghệ thuật múa the của người Tày Tà Chải (Lào Cai), lễ hội Lồng tồng Ba Bể (xã Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn)…

Công nhận thêm 12 bảo vật quốc gia

Cũng vào cuối tháng 12/2014, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599 về việc công nhận bảo vật quốc gia cho 12 hiện vật, nhóm hiện vật, nâng tổng số hiện vật được bảo tồn lên 79.

Trong số này có một số bảo vật đáng chú ý như: 82 bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội (nNiên đại: 1484 - 1780); Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên (niên đại: thế kỷ XVI, hiện lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội); Ekamukhalinga/Linga có một đầu thần Siva (niên đại: đầu thế kỷ VIII, hiện lưu giữ tại Ban Quản lý di tích lịch sử và du lịch Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam)…

Những tồn tại…

Mặc dù có nhiều thành tựu đáng tự hào, song trong năm 2014, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản còn tồn tại một số bất cập.

Đó là di sản thế giới Vịnh Hạ Long phải nỗ lực thoát diện khuyến nghị về công tác quản lý, bảo tồn của UNESCO xung quanh các vấn đề tác động của du lịch, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường, đe dọa đến các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Cuối tháng 10/2014, Viện Khảo cổ học ra văn bản “kêu cứu” cho di tích tâm linh thời Lý thuộc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long trước nguy cơ bị xâm hại bởi quá trình thi công xây dựng gara ngầm của Nhà Quốc hội…

Năm 2014 cũng chứng kiến nhiều di tích xuống cấp được trùng tu, nhưng vấp phải không ít sai phạm khiến dư luận bức xúc: trùng tu như… phá đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) và chùa Sổ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), xây bức bình phong có hình “quái thú” ở lăng Ngô Quyền (làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), trùng tu bằng cuốc xẻng ở đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc)… Tất cả cho thấy sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý di sản của ngành văn hóa, của hệ thống các Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương.

Di sản phải được bảo vệ bằng cách tôn trọng tính tự nhiên, xác thực, nguyên vẹn... Muốn làm được điều đó, cần có kiến thức, sự hiểu biết cùng sự hợp tác với các chuyên gia nhằm tôn tạo, trùng tu hay bảo vệ di sản một cách tốt nhất như nó vốn có.

Hà Phương

 

 

 

 


Ý kiến của bạn