Di sản văn hóa thế giới thứ 900

03-08-2010 2:10 PM | Quốc tế

Trong phiên họp lần thứ 34 tại TP.Brasilia - Brazil, UNESCO đã ra quyết định công nhận thêm 15 địa điểm tại nhiều nước là di sản văn hóa thế giới. Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam

Trong phiên họp lần thứ 34 tại TP.Brasilia - Brazil, UNESCO đã ra quyết định công nhận thêm 15 địa điểm tại nhiều nước là di sản văn hóa thế giới. Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam vừa được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thứ 900. Vậy là Việt Nam đã có 4 di sản được nhận vòng nguyệt quế này (cố đô Huế - 1993, đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn - 1999). Phía trước là một hành trình mới với rất nhiều thử thách.

Hoàng thành Thăng Long được đắp vào năm 866, khi đó có tên gọi là Đại La. Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, thành được đổi tên thành Thăng Long. Đây là trung tâm chính trị của đất nước trong các thời Lý, Trần, Lê. Năm 2002, khu di tích Hoàng thành Thăng Long được các nhà khảo cổ học khai quật khá quy mô. Trên mặt đất, hiện còn nhiều di tích tiêu biểu như: Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, cột cờ Hà Nội...

 Các nền móng thời Lý - Trần phát hiện trong Hoàng thành.

Nghị quyết của UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã đáp ứng các tiêu chí của danh hiệu Di sản văn hoá thế giới, với những giá trị nổi bật toàn cầu, ghi nhận bởi ba đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hoá, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú. Với diện tích khoảng 18 héc ta, nằm ở khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, giá trị chủ yếu của Khu di tích nằm ở khu vực di tích khảo cổ học. Dựa trên những di tích còn sót lại trên mặt đất, và hệ thống đồ sộ các di tích, di vật khai quật được trong lòng đất, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thuỷ, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vô-ban), đến từ Trung Hoa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Những tầng văn hoá khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật phát lộ đậm đặc trong khu vực này đã phản ánh một chuỗi dài liên tục 13 thế kỷ của các vương triều trị vì đất nước trong gần một ngàn năm. Một giá trị đặc sắc và độc đáo so với cả hệ thống các di sản văn hoá của thế giới!

Di sản thế giới là danh hiệu cao quý nhất trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO. Trong bản danh sách các di sản thế giới đã được công nhận, Hoàng thành Thăng Long đứng vị trí thứ 900. Theo GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam: hồ sơ Hoàng thành Thăng Long được đăng ký từ tháng 9/2008, và chính thức được đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009. Tuy đánh giá cao các giá trị độc đáo của khu di sản, nhưng ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hoá của UNESCO) cũng đưa ra nhiều băn khoăn, lo ngại và khuyến cáo đối với bộ hồ sơ do Việt Nam đệ trình. Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), trước những quan ngại từ phía các chuyên gia quốc tế, đại diện Việt Nam có mặt tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã cam kết vững chắc bảo vệ di sản và nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS.

Cùng với Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam, các di sản văn hóa khác trên thế giới đã được công nhận cùng đợt gồm: Khu di tích Đăng Phong (Trung Quốc); Thành phố Albi (Pháp), Thị trấn Roros (Nauy), khu khảo cổ Sarazm (Tajikistan), hệ thống kênh đào ở Singelgracht (Hà Lan), hệ thống quản lý nước cổ Harz Water (Đức), khu chợ cổ Tabriz (Iran), khu vực đài thiên văn Jantar Mantar (Ấn Độ), các khu kết án thời thuộc địa Anh (Úc), khu đảo Bikini (quần đảo Marshall), khu làng cổ Hahoe và Yangdong (Trung Quốc), khu cao nguyên trung phần Sri Lanka, khu bảo tồn Ngorongoro (Tanzania).

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được vinh danh, ở thứ hạng danh hiệu cao nhất, sánh cùng những di sản văn hoá đặc sắc nhất của nhân loại. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh của văn hoá Việt. Nhưng với những gì mà chúng ta đã cam kết trước UNESCO, có thể thấy, con đường trước mắt là một chặng dài không đơn giản.

GS. Phan Huy Lê cho rằng, cần phải có sự thống nhất và nghiên cứu kỹ lưỡng về phương án bảo tồn lâu dài Hoàng thành Thăng Long. Trước mắt, phải tập trung thực hiện yêu cầu của UNESCO là mở cửa hai hạng mục trưng bày trong khu thành cổ và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trong đó, hạng mục khu khảo cổ học là bài toán nan giải nhất, để vừa đáp ứng yêu cầu trưng bày, vừa bảo vệ được di tích.

Hà Nội cũng đã cam kết sẽ quản lý chặt chẽ tất cả hoạt động xây dựng trong khu vực Hoàng thành. Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ mối quan tâm và sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hoá vô giá mà cha ông đã để lại cho con cháu đất Việt. Niềm tự hào và trách nhiệm đang cùng đồng hành, để giá trị di sản văn hoá Việt toả sáng và bền vững.    

Luân Vũ


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH