Theo một số chuyên gia về văn hóa và du lịch, trong rất nhiều cách để quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như địa phương, lối đi bằng văn hóa là ngắn và hiệu quả nhất. Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hà Nội cũng chia sẻ, thời gian qua, khi giới thiệu đến du khách quốc tế về các làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội, họ rất thích và đón nhận nồng nhiệt. Hiện nay, việc quảng bá hình ảnh Hà Nội thông qua các hoạt động văn hóa, địa điểm văn hóa vẫn được chú trọng vì từ các hoạt động về văn hóa sẽ tạo ra những nét đẹp ăn sâu vào tâm hồn mỗi người.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, chỉ trong 7 ngày Tết Bính Thân, Thủ đô đã đón hơn 307 nghìn lượt người, trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 85 nghìn lượt, tăng 63% so với cùng dịp Tết năm ngoái. Có được kết quả này vì Hà Nội đã tích cực quảng bá du lịch, chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các điểm tham quan... để tăng sự hấp dẫn, tạo hình ảnh đẹp, thân thiện và giàu bản sắc đối với du khách.
Du khách quốc tế được hướng dẫn cách làm sản phẩm gốm tại làng gốm cổ Bát Tràng.
Hà Nội là điểm đến không thể thiếu khi du khách quốc tế đặt chân tới Việt Nam, bởi mảnh đất ngàn năm văn vật còn lưu giữ nhiều công trình văn hóa, lịch sử đã trở thành di tích, di sản vật thể và phi vật thể tầm cỡ thế giới hoặc quốc gia. Chẳng hạn đến Hà Nội, các tour du lịch quốc tế đều ghé đến các địa danh đã trở thành biểu tượng đất kinh kỳ, như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu Long Biên, thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long... Ngoài những địa điểm có sức hút khách du lịch như đã nói, Hà Nội còn sở hữu nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng cổ có những công trình kiến trúc là di sản thuộc dạng “hiếm”. Trong đó không thể không nhắc đến làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Hà Nội còn có những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như nghệ thuật hát xẩm, ca trù...
Bấy lâu nay, làng gốm cổ Bát Tràng của Hà Nội đã được bạn bè quốc tế tìm đến tham quan vì đây là địa điểm còn lưu giữ nhiều chất văn hóa Việt. Tới đây, du khách cũng thấy được sự tinh tế, nét tài hoa của người Tràng An thông qua các sản phẩm điêu khắc, hội họa được làm trên nhiều chất liệu khác nhau mà không phải mảnh đất nào cũng có được. Ông Jorge Rondon Uzcategui - Đại sứ Venezuela tại Việt Nam cho biết, ông rất thích khi đến thăm làng cổ Bát Tràng, tại đây ông có thể thấy được sự khéo léo của đôi bàn tay người nghệ nhân, đồng thời hiểu rõ hơn về văn hóa Việt. “Tôi đã giới thiệu với bạn bè, người thân tại Venezuela về Bát Tràng để họ có thể đến để tận hưởng một không gian văn hóa Việt Nam giàu bản sắc” - ông Jorge Rondon Uzcategui cho biết.
Trong khi đó, nhiều du khách đến với làng cổ Đường Lâm cũng nhận thấy đây là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình... Những ngôi nhà cổ ở làng Đường Lâm chủ yếu được xây bằng khối đá ong từ nhiều thế kỷ trước, điều đó cho du khách thấy người Việt khi xưa đã rất khéo léo, tài hoa trong các công trình kiến trúc.