Chuyện di tích Hoàng thành Thăng Long bị ngập ngụa, cỏ mọc, bị xâm lấn, tầng văn hóa bị ảnh hưởng... đã gây sốc cho không ít người và khiến dư luận xôn xao. Hoàng thành Thăng Long giờ đây không chỉ là tài sản của Việt Nam mà còn là tài sản văn hóa, lịch sử của nhân loại khi được UNESCO công nhận.
Bảo tồn và phát huy di sản phải bằng cái tâm và sự hiểu biết đối với di sản chứ không thể bằng những biện pháp hành chính máy móc. Một di sản lớn có giá trị như vậy đang thiếu một cơ quan quản lý thống nhất. Hiện đang có nhiều đơn vị như Viện Hàn lâm KHXH, Bộ Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long... đang tham gia quản lý từng khu vực liên quan. Và sự manh mún, chia nhỏ, chồng chéo trong quản lý đã khiến di sản thành “cha chung không ai khóc” và chả ai, chả cơ quan nào phải chịu trách nhiệm! Thế nhưng khi Hoàng thành xuống cấp, Cục Di sản có báo cáo Bộ Xây dựng về thực trạng bi đát này thì các nhà khoa học - đại diện các hội quan tâm về tình trạng di sản gồm Hội Khoa học Lịch sử, Hội Khảo cổ, Hội Di sản đều không được mời tham dự cuộc gặp! Quản lý thì chia nhỏ nhưng khắc phục cần đến sự tham gia góp ý của các nhà chuyên môn thì lại thu nhỏ!
Thật ra, chỉ một cơ quan quản lý di tích là đủ. Ví dụ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long sau khi nhận mặt bằng cho xây dựng thì trung tâm này vẫn cần phải được quyền quản lý, giám sát xây dựng, cải tạo. Trung tâm sẽ tập hợp các nhà khoa học chuyên ngành để bảo tồn di sản theo chuyên môn sâu. Không ai có thể thạo mọi lĩnh vực và các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực như khảo cổ, nghiên cứu vật liệu, nghiên cứu vi sinh sẽ bảo tồn di sản theo đúng khoa học bảo tồn. Nó giống như một bệnh viện, một trường đại học chỉ có một vị trí quản lý, còn việc chữa bệnh hay dạy học thuộc về từng khoa chuyên ngành.
Với Di sản Hoàng thành Thăng Long tất nhiên phải có sự tham gia của giới khảo cổ học và cơ quan làm nhiệm vụ trùng tu, bảo tồn. Thế nhưng không thể tách bạch ra từng bộ phận độc lập mà công việc hoàn toàn liên quan tới nhau. Nếu muốn trùng tu phải nghiên cứu khảo cổ để việc đào bới ít làm tổn thương di sản bị chôn vùi nhất. Kết quả nghiên cứu khảo cổ cũng là cơ sở cho trùng tu. Rồi từ kết quả nghiên cứu khảo cổ sẽ làm tiền đề cho nghiên cứu vật liệu giúp tái tạo lại gạch, chất kết dính hoặc nghiên cứu vi sinh chống nấm mốc. Ấy là chưa kể cơ quan quy hoạch, xây dựng, cấp thoát nước tham gia vào địa chỉ di sản không thể như với một công trình xây dựng bình thường.
Trên thực tế, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã tổ chức một quy trình trùng tu khép kín, trọn vẹn tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn như một kinh nghiệm nhưng rất tiếc, tại đây hình như chưa được áp dụng. Hay vì Di sản Hoàng Thành Thăng Long quá lớn? Trong bảo tồn, tu tạo di tích, không thể có chuyện di tích lớn hay nhỏ để có cách quản lý khác nhau mà bảo tồn, tu tạo phải được thực hiện đúng nguyên lý, đúng kỹ thuật với một phương cách quản lý thống nhất. Trái với nguyên lý và quy luật này, những di tích dễ gặp những hậu quả khó lường khi mà bộ phận độc lập này dẫm chân lên bộ phận độc lập kia.
Di sản là vô giá và việc bảo quản tài sản vô giá không thể mỗi nơi giữ một phần ngoài việc phải có cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Đức Trung