Hà Nội

Di sản Hội Gióng - Kịch trường dân gian

17-05-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội Gióng là bảo tàng sống hệ tư tưởng, đạo lý, triết học.

Ngày 16/11/2010 là mốc thời gian vô cùng quan trọng không chỉ của người dân xã Phù Đổng mà của cả người dân Việt Nam nói chung khi Hội Gióng chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội đã tái hiện một cách tiêu biểu nhất tính cộng đồng, văn hoá làng xã; là một bảo tàng sống ẩn chứa những hệ tư tưởng, đạo lý, triết học mang giá trị toàn cầu về sự tất thắng của cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ đất nước và khát vọng luôn được sống trong hoà bình của con người.

Hàng vạn người dân thành kính dự Lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc - Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang

Hàng vạn người dân thành kính dự Lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc - Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang

Những gốc tích xưa và giá trị cộng đồng

Trong tiềm thức văn hoá - tín ngưỡng của người Việt, Thánh Gióng là một vị anh hùng tượng trưng cho sức mạnh dân tộc bất khuất, kiên cường. Sự thắng lợi trong cuộc chiến chống giặc xâm lược của ông đã “gây dựng” lên một triết lý về bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân và thể hiện được khát vọng to lớn của người dân đất Việt đó là khát vọng về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và mỗi dân tộc. Chính vì những giá trị to lớn đó, Thánh Gióng đã trở thành “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và cứ đến ngày mùng 7, 8, 9/4 (ÂL) hàng năm, nhân dân xã Phù Đổng - là nơi sinh ra Thánh Gióng đã tổ chức Hội Gióng để tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc này.

Lễ hội được đánh giá là một trong những lễ hội đặc sắc nhất trong hơn 7.000 lễ hội dân gian của Việt Nam. Nó đã tái hiện được cả một “kịch trường dân gian” với những trận đánh còn giữ nguyên được gốc tích của chiến tranh bộ tộc xưa, bởi vậy nó được ví như “một bảo tàng sống lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa - tín ngưỡng”.

Theo tục truyền Hội Gióng hàng năm từ xa xưa được các vương triều Nhà nước phong kiến nước ta hết sức chú ý, tổ chức rất quy mô, đặc biệt dưới vương triều Lý. Chính Lý Thái Tổ (1010-1025), vị vua đầu tiên của vương triều Lý đã tạo dựng nên ngôi đền Gióng và rất coi trọng di tích và lễ hội này. Các vương triều sau cũng đều rất trân trọng lễ hội Gióng. Theo ghi chép của nhà nghiên cứu người Pháp G. Dumoutier từ năm 1893 cho đến ghi chép của GS.TS. Nguyễn Văn Huyên năm 1938 và ghi chép của GS. Trần Quốc Vượng năm 1987 và các bài viết mới đây của các nhà nghiên cứu đều cho thấy tính thống nhất và sự nguyên vẹn của Hội Gióng. Trong bản ghi chép của mình, nhà nghiên cứu người Pháp G.Dumoutier viết: “Hội Gióng còn đọng mãi trong tâm trí người Việt, giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất chúng tôi chứng kiến ở vùng Bắc Kỳ. Liệu rằng ở châu Âu của chúng ta người dân có còn tự hào làm lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử diễn ra hai ngàn ba trăm năm trước?”.

Đã bao đời nay người ta nói về Hội Gióng, thế nhưng cứ đến mùng 9/4 ai cũng háo hức về trảy hội, cả người đã đến hay những kẻ chưa từng đến. Vì sao! Vì những hệ tư tưởng, những đạo lý, triết học về cộng đồng, gia đình, xã hội, làng xã, quốc gia từ cách đây hàng nghìn năm đến bây giờ người ta vẫn thấy đó là những giá trị sống mãi. Sống trong lễ hội, người ta thấy được cái gốc của cuộc sống đó là không gì quý bằng một cuộc sống dân dã, giản dị nhưng ở đó ấm áp chan chứa tình người. Cuộc chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là cuộc chiến tranh luôn mang bản chất tất thắng, cũng như khát vọng về một cuộc sống hòa bình ấm no hạnh phúc cho mỗi gia đình, mỗi làng xã và cho cả đất nước là những giá trị mang tính toàn cầu, đi đúng với bản chất khách quan của sự phát triển xã hội loài người, góp phần vào sự tiến bộ nhân loại, xứng đáng là di sản văn hóa cần được bảo tồn của nhân loại.

Tái hiện một kịch trường dân gian

Hội Gióng được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá là một trong những lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng một cách sinh động nhất, khoa học nhất diễn biến những trận đánh của Thánh Gióng, thể hiện dưới hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa.

Tái hiện hình ảnh đội quân Thánh Gióng đóng khố cởi trần, làm lễ trước giờ ra trận. Ảnh: Trần Huấn
Tái hiện hình ảnh đội quân Thánh Gióng đóng khố cởi trần, làm lễ trước giờ ra trận. Ảnh: Trần Huấn

Mở đầu là lễ rước nước tiến hành vào chiều mùng 6/4, do phường múa Ải Lao dẫn đầu cùng các tướng, quân tham dự. Việc lấy nước mở màn cho lễ hội này với ý nghĩa là rửa khí giới trước khi bước vào trận chiến và nước của ông Gióng ban cho sẽ thành mưa tưới cho mùa màng luôn xanh tốt, để cuộc sống người dân được ấm no.

Sáng mùng 7/4 (ÂL), vào giờ Tỵ, có lễ rước cổ chay (cơm và cà) từ đền Mẫu đến đền Thượng và tế Thánh Gióng. Buổi chiều cùng ngày có lễ rước khám đường với ý nghĩa thăm dò đường đến trận địa. Ngày mùng 8/4 (ÂL), đại diện các giáp và quan viên hàng tổng đi duyệt các tướng nữ (gọi là tục kén tướng). Có tất cả 28 cô tướng là những thiếu nữ tuổi từ 8-13, tượng trưng cho đạo quân xâm lược, mỗi giáp được chọn hai cô. Các nữ tướng đều ăn mặc, trang điểm lộng lẫy và thể hiện phong thái sao cho giống các cô tướng nhất. Ngày mùng 9/4 (ÂL) là ngày chính hội, buổi sáng có lễ rước cờ từ đền Mẫu đến đền Thượng. Buổi chiều là tái hiện các trận đánh.

Khách thập phương không khỏi bất ngờ về những lễ lạt trong lễ hội mà không ở đâu có được, đó không phải là những lễ lạt thông thường mà là những động tác quân sự cách điệu hóa, cho thấy những bước điêu luyện trong các chiến lược quân sự. Chân trái đá sang trái, chân phải đá sang phải rồi đi thụt lùi... tất cả đều làm theo sự điều khiển của xướng xuất bằng tiếng trống khẩu tong và tiếng kẻng boong. Các động tác từ việc rút từ quạt từ lưng ra, cúi đầu xuống, đánh trống, đánh chiêng đều có tính chất múa.

Đến đầu giờ Ngọ, phường Ải Lao diễn trò săn hổ trước đền, biểu diễn bằng các động tác múa, hát theo nhịp trống chiêng đẹp mắt điêu luyện và thuần phụ được hổ hung dữ. Trong thời gian này, ở cuối làng Đổng Viên, trên bãi Đống Đàm (tượng trưng cho trận địa địch), 28 cô tướng địch đang dàn trận. Vào khoảng 1 giờ chiều, quân thám báo chạy về đưa tin quân giặc đã đến đóng quân ở Đống Đàm. Ba hồi trống, chiêng nổi lên dồn dập báo hiệu cho tất cả tướng, quân chỉnh đốn hàng ngũ chuẩn bị xuất quân. Phường Ải Lao đi theo hát, máu bài ca ca ngợi Thánh Gióng để tiếp thêm sinh khí cho quân lính. Tiếng hát dứt, các ông Hiệu đến làm lễ trước bàn thờ Gióng, đoàn quân ta nhằm phía Đống Đàm thẳng tiến. Đi đầu là làng áo đen, làng áo đỏ (gồm 24 người), cầm roi song sơn đỏ, vừa đi vừa reo “dẹp ra nào” để đi dọn đường, tiếp theo là hai đội tiên phong. Tướng tiên phong áo đỏ, quần vàng, mũ thêu rồng, cầm trống khẩu bước đi dưới lọng đỏ có tua vàng. Tiếp theo là ông Hổ và phường Ải Lao vừa đi vừa rung cờ lau theo nhịp trống, nhịp chiêng và sênh. Tiếp đến là đoàn của hiệu Trống, hiệu Chiêng, hiệu Trung Quân, hiệu Cờ. Sau hiệu Cờ là Long giá (ngựa thờ tức là ngựa gỗ sơn trắng bóng loáng được phủ bộ yên cương cách điệu bằng gấm vóc thêu rồng phượng, cổ đeo nhạc đồng). Cuối cùng là đoàn mang bá bửu, siêu đao, truỳ đồng, phủ việt uy nghiêm trong tiếng trống nhạc của phường bát âm, tạo lên một cảnh tượng đoàn quân uy nghi, hùng dũng dài vài ba km. Qua đền Mẫu, đoàn quân cúi chào mẹ Gióng.

Đến địa phận chiến trường Đống Đàm, trận chiến bắt đầu diễn ra, ba chiếc chiếu được trải ra và ở giữa có một chiếc bát úp lên tờ giấy trắng tượng trưng cho núi non mây trời. Sau khi ổn định hàng ngũ, đến 2 giờ, trận chiến chính thức bắt đầu. Ba đợt phất cờ thể hiện cho ba ván thuận. Quân ta yếu thế phải lui về đền và chuẩn bị cho trận chiến diễn ra ở Soi Bia, được bố trí giống như ở Đống Đàm. Tại trận này quân giặc đã bị đánh bại hoàn toàn, tiệc khao quân được diễn ra linh đình, mừng thắng trận.

Trận chiến đã tái hiện lại một cách rất đầy đủ, sinh động, một tưởng niệm lịch sử - văn hóa - huyền thoại đan xen với những thế lính tượng trưng, người xem như đang được sống trong một kịch trường dân gian rộng lớn chưa từng có. Điều đó càng cho thấy một ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc của Hội Gióng nói riêng và của người Việt xưa nói chung. 

Vũ Ninh


Ý kiến của bạn