Di sản đình làng Việt còn hay mất?

05-10-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đình làng Việt - di sản làng xã trong lòng nhân dân sẽ còn – mất ra sao khi được trùng tu theo kiểu “thảm họa” trong sự thờ ơ, bàng quan của chính những người dân làng?

Đình làng Việt - di sản làng xã trong lòng nhân dân sẽ còn – mất ra sao khi được trùng tu theo kiểu “thảm họa” trong sự thờ ơ, bàng quan của chính những người dân làng? Câu hỏi đó luôn trăn trở trong lòng hàng trăm người yêu di sản cùng các họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, kiến trúc sư tâm huyết với nghề, để di sản thực sự sống trong lòng dân.

Anh Trần Ngọc Đông, một người con yêu nét đẹp quê hương xứ Đoài sinh ra và lớn lên ở Hương Canh, Bình Xuyên Vĩnh Phúc đã chia sẻ những trăn trở về việc bảo tồn di tích, di sản ở chính nơi mình sinh ra. Hương Canh xưa là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, chỉ một vùng đất nhỏ mà có tới 3 ngôi đình, 4 ngôi chùa, 3 điếu thờ, 21 điếm làng, 9 cổng làng, 12 quán đồng và 9 giếng đá. Điều đáng nói là đến nay Hương Canh chỉ còn lại 4 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia là đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Hường và chùa Kính Phúc. Mưa nắng nhiều năm,  những di tích này xuống cấp và được tiến hành trùng tu. Tuy nhiên, công tác trùng tu di tích nơi đây, theo anh Đông và báo chí từng phản ánh trong thời gian qua, không khác gì “thảm họa”.

Di sản đình làng Việt còn hay mất?
Nhiều đình làng Việt hiện nay xuống cấp, hư hại theo thời gian là thực tế buồn không thể phủ nhận.

Vốn là một người con nặng lòng với di sản nên anh Đông rất quan tâm tới việc trùng tu di tích của làng và khi phát hiện ra việc những người thợ dùng cuốc, xẻng hạ giải mái đình làm vỡ nhiều ngói cổ, làm hỏng những chi tiết cổ bằng gỗ trên mái anh đã thông tin cho báo chí biết và tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận nói chung và những người yêu di sản nói riêng. Việc làm của anh đã được đền đáp khi Bộ VHTT&DL đã vào cuộc để chấn chỉnh việc trùng tu theo đúng quy trình.

Điều làm anh Đông trăn trở ở đây là hằng ngày những người dân đều đi qua và chứng kiến những việc làm sai trái ấy nhưng lại không ai có ý kiến hay phản đối. Hơn nữa, việc làm của anh Đông lại bị người dân trong làng chỉ trích, mạt thị vì nó đã khiến cho ngôi đình của họ không được xây mới khang trang hơn, to đẹp hơn. Phải chăng cây đa, giếng nước, sân đình đã không còn là biểu tượng của làng quê Bắc Bộ khi mà chính người dân xứ Đoài xưa đã không còn nặng lòng với nó nữa.

Theo  họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những di tích được trùng tu, tôn tạo thường đánh mất đi cái giá trị văn hóa của nó là do đội ngũ thợ kém tay nghề do công cho thợ trùng tu di tích được tính như thợ xây dựng. Kể cả có thuê được những người thợ giỏi mà không có kiến thức về văn hóa, lịch sử mà chỉ biết chạm theo mẫu, thì tình trạng “dòm ngó, lai căng”  những mẫu của nước ngoài là điều đương nhiên. Điều này thể hiện rõ nhất là những con sư tử đá Trung Quốc nghiễm nhiên được đặt trước nhiều di tích của ta trong thời gian vừa qua.

TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng nguyên nhân người dân lại thờ ơ khi người ta đụng chạm đến đình làng của mình là vì việc trùng tu, tôn tạo di tích hiện giờ chủ yếu trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, để di sản thực sự sống trong lòng dân thì mỗi người phải có trách nhiệm đối với di tích ở địa phương mình. Phải để cho những người dân tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích thì mới có ý nghĩa gắn kết và được từ đó di sản dân tộc mới được gìn giữ. Hơn nữa, cần gắn công tác tôn tạo di tích với các hoạt động du lịch vừa nhằm bảo tồn, giới thiệu văn hóa và cũng cải thiện đời sống của người dân, đưa đình làng trở về là của người dân như xưa kia.

Dương Hòa

 

 

 

 


Ý kiến của bạn