Di sản văn hóa biển đảo là một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam được giới chuyên gia nhận định vừa có giá trị khoa học, văn hóa, kinh tế lại vừa có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, lâu nay, ở nước ta có một thực tế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo chưa được chú trọng đúng mức.
Liên quan đến việc tuyên truyền và giới thiệu di sản văn hóa biển đảo, vừa qua, “Tuần Văn hóa-Du lịch biển đảo Việt Nam – Hà Nội 2014” được tổ chức phần nào đã thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu về di sản văn hóa biển, đảo của công chúng khi được tận mắt nhìn thấy những di sản văn hóa Việt Nam qua bộ sưu tập di vật, cổ vật được tìm thấy và trục vớt từ tàu cổ Cù Lao Chàm và ở nhiều vùng biển khác thuộc chủ quyền nước nhà. Theo PGS.TS. Trịnh Sinh (Viện khảo cổ học Việt Nam), di sản văn hóa biển của Việt Nam đã có từ lâu, từ thời Đông Sơn để lại di sản vật thể: một số đồ đồng dưới đáy biển Vũng Áng, di sản Sa Huỳnh: làng cổ Suối Chình và Xóm Ốc trên đảo Lý Sơn, Hòa Diêm, Giồng Cá Vồ ở Cần Giờ. Sau đó, đến thời Lý đã có thương cảng Vân Đồn. Đến thời Trần về sau thì di sản văn hóa biển thể hiện ở các di vật trong xác con tàu đắm. Hiện đã có 5 con tàu đắm được khai quật và công bố do sự hợp tác với các công ty trục vớt nước ngoài. Một con tàu đắm vừa được khai quật bài bản ở Bình Châu.
PGS.TS. Trịnh Sinh (đứng) cho rằng “Di sản biển gắn với du lịch mới sống được”!
Sở dĩ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam từ Bắc cho đến Nam dày đặc các di sản văn hóa, những trầm tích văn hóa cả về vật thể lẫn phi vật thể bởi nước ta giao lưu với thế giới từ cách đây hơn 2000 năm (trống đồng, khuyên tai và đồ gốm Sa Huỳnh). Sau đó, còn giao lưu đồ gốm thời Lê (gốm Chu Đậu), con đường gia vị miền Trung (Sa Huỳnh). Mặt khác, về điều kiện địa lý: Việt Nam nằm giữa con đường thương mại Ấn Độ-Trung Quốc và còn mở rộng ra thế giới phương Tây (thời kỳ cận đại).
Tuy nhiên, dù được nhận diện và xác định là loại hình di sản văn hóa đặc biệt quan trọng, nhưng thực tế, những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo tại Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Các di sản chìm dưới biển, chúng ta chưa tiến hành một chương trình nghiên cứu, khai quật nào bài bản. Hầu hết những khảo sát, khai quật dưới nước diễn ra dưới hình thức xã hội hóa bằng cách kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Khi việc khai quật kết thúc, số lượng lớn cổ vật được phân chia cho công ty tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài dẫn đến tình trạng “chảy máu cổ vật” như ở một số tỉnh miền Trung thời gian qua báo chí đã phản ánh.
PGS.TS. Trịnh Sinh cho biết thêm, ở ta chưa có những trung tâm nghiên cứu di sản biển, gần đây mới có một phòng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước. Bên cạnh đó, chúng ta chưa chủ động nghiên cứu khảo cổ học biển, trong khi đó, một số nước trong khu vực đã có tàu khảo cổ chuyên dụng nghiên cứu đáy biển khu vực biển Đông. Ở ta, việc “khai quật” nhiều khi ở thế bị động, tức là ngư dân phát hiện ngẫu nhiên xác tàu thì các nhà khoa học mới vào cuộc tiến hành khai quật một cách bài bản và chuyên nghiệp. Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, có thể về mặt kinh tế, chúng ta còn chưa thật sự dồi dào để mua sắm thiết bị, thiếu đầu tư đào tạo nhân lực ở các nước có kinh nghiệm về nghiên cứu biển. Đồng thời, trong khâu nhận thức, chúng ta chưa biết cách khai thác di sản để làm du lịch. Trong công tác quản lý, chúng ta còn để nhân dân ở các khu vực tàu đắm tự khai thác mà chính quyền chưa có sự quyết liệt quản lý.
Trước tình trạng đó, theo PGS.TS. Trịnh Sinh, hiện nay, Viện Khảo cổ học đang xây dựng đề án phát triển khảo cổ học dưới nước trình Thủ tướng phê duyệt nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dưới nước trong vùng biển, vùng lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền, chúng ta cần có những chế tài xử phạt thích hợp nhằm ngăn chặn tình trạng trục vớt trái phép các di tích, di vật dưới nước; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật đang diễn ra tại một số địa phương. TS. Trịnh Sinh cho rằng, bên cạnh việc phải có chế tài xử lý những sai phạm, cần nhanh chóng có cơ chế để động viên người phát hiện tàu đắm, cơ chế cho địa phương tạm thời quản lý chờ các chuyên gia khảo sát. Tuy nhiên, quan trọng là cần biến những nơi đã tiến hành khai quật khảo cổ học di sản biển đảo thành địa điểm du lịch như nhiều nước đã làm. Chẳng hạn như bên Mỹ, quốc gia này đã phục dựng con tàu May Flower liên quan đến lễ Tạ ơn Thank Givingday để phục vụ du lịch.
TS. Trịnh Sinh cũng nêu đề xuất cần có những bảo tàng văn hóa biển tại các địa phương bên cạnh kho di vật trong các bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Khi xây dựng Bảo tàng biển tại địa phương, cần có sự tham gia của chính những người địa phương, tức là cần có đội ngũ hướng dẫn viên thực hiện việc giới thiệu, có đội ngũ biểu diễn các sinh hoạt, lễ hội biển, cách đánh bắt hải sản, cách lặn biển theo đúng truyền thống. Du khách có thể tham gia một phần trong ngày hội biển hay trong các công đoạn phục dựng các nghề đánh bắt, chế biến hải sản.
Ngoài việc xây dựng bảo tàng văn hóa biển, cũng có ý kiến cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển, chúng ta cần sớm pháp lý hóa, quốc tế hóa những di sản văn hóa biển có giá trị. TS. Trịnh Sinh cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần xây dựng thương hiệu văn hóa biển có tính quốc tế như mô hình tại Hội An, có thể khởi điểm từ một vùng có nhiều tàu đắm là bờ biển Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
“Di sản biển phải gắn với du lịch thì mới sống được. Muốn cho công cuộc phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến biển, chúng ta phải có những giải pháp từ việc đầu tư cho nghiên cứu di sản biển đến giáo dục cộng đồng đến tuyên truyền quốc tế, nhất là phát triển du lịch di tích biển (ven bờ, các đảo)… Biến di sản biển là một mũi nhọn của ngành du lịch không khói”, TS. Trịnh Sinh chia sẻ.
Hữu Tùng