Di sản bị “bức tử” Bài toán chưa có lời giải

22-05-2019 15:32 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Sự thiếu hiểu biết cũng như cách hành xử tùy tiện của đơn vị quản lý khiến nhiều di sản, di tích lịch sử - văn hóa ở nước ta đã, đang bị xâm hại khiến dư luận bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, đồng thời có biện pháp xử phạt thích đáng với cá nhân, tập thể làm hư hại, xâm phạm di sản để di sản không còn bị “bức tử”.

Mới đây, dư luận xôn xao khi tháp Bánh Ít và tháp Đôi thuộc quần thể tháp Chăm cổ tại Bình Định - Di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia, bị khoan nhiều chỗ để lắp giàn sắt thép gắn dòng chữ quảng bá du lịch. Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có niên đại sớm khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12 tại Bình Định. Công trình được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1982. Trong khi đó, Tháp Đôi được xây dựng cuối thế kỷ 12 với hai khối liền kề, cũng là công trình có giá trị của người Chăm, được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1980.

Giàn sắt thép gắn dòng chữ ở quần thể tháp Chăm cổ tại Bình Định vừa qua khiến dư luận bức xúc (hiện nay giàn sắt gắn dòng chữ này đã tháo xuống).

Giàn sắt thép gắn dòng chữ ở quần thể tháp Chăm cổ tại Bình Định vừa qua khiến dư luận bức xúc (hiện nay giàn sắt gắn dòng chữ này đã tháo xuống).

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, vừa qua một nhóm công nhân đã khoan, đục vào tường gạch, bắt vít lắp đặt giàn sắt thép tháp Bánh Ít, tháp Đôi làm hỏng kết cấu ngàn năm của khối gạch cổ. Được biết, việc khoan lỗ vào tháp cổ để lắp giàn sắt thép quảng bá du lịch do Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) tự ý thực hiện và không xin ý kiến các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Định. Ngay sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định đã yêu cầu Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định tháo dỡ ngay biển hiệu đã gắn lên tháp Chăm cổ. Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc tự ý khoan đục tháp Chăm là sai phạm trong quản lý di tích, vi phạm Luật Di sản. Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Văn Doanh cho rằng, vẻ đẹp đặc trưng, giá trị nhất của các tháp Chăm cổ là các khối kiến trúc xây bằng gạch huyền bí. Nếu làm hỏng hoặc mất đi những khối gạch thì giá trị quý hiếm của những tháp Chăm sẽ không còn.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên di sản của đất nước bị xâm hại bằng cách làm thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật. Trước đó, các chuyên gia cùng người dân cả nước dậy sóng bức xúc, báo giới tốn nhiều giấy mực bởi trong thời gian dài, Công ty du lịch Tràng An đã tự ý xây dựng công trình cổng và đường lên núi Cái Hạ với chiều dài hơn 1km với hơn 2.000 bậc lên xuống xâm phạm nghiêm trọng vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình). Sau đó, Bộ VH-TT&DL đã kiểm tra và kết luận công trình này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng; vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, buộc phải tháo dỡ công trình.

Bên cạnh đó, một thời gian dài trước đây, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có dịch vụ ăn tối, biểu diễn nghệ thuật tại hang Trống trên vịnh, Hồ Động Tiên, Tiên Ông, Cỏ, Trinh Nữ... cũng được trưng dụng làm phòng tiệc trong khi đây đều là những hang nằm trong vùng lõi của di sản vịnh, ở vị trí đắc địa và sở hữu hệ sinh thái độc đáo. Tình trạng tổ chức tiệc, biểu diễn nghệ thuật tại hang động trên vịnh Hạ Long vì thế đe dọa nghiêm trọng hình ảnh và môi trường di sản vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới. PGS.TS. Đỗ Văn Trụ (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đánh giá, việc biến hang động tự nhiên thành nơi phục vụ mục đích kinh tế, gây ô nhiễm môi trường, xâm hại di sản là sai Luật Di sản văn hóa, cũng là hành động ứng xử sai trong quản lý di sản. Nhưng đáng mừng, sau đó UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản yêu cầu các công ty chấm dứt hoạt động ăn uống tại hang động trên vịnh Hạ Long để di sản thiên nhiên - kỳ quan thế giới không bị xâm hại thêm.

Không ít người đặt ra câu hỏi: tại sao những vụ việc đau lòng trên vẫn diễn ra như điều tất yếu, trong khi nhiều bài học nhãn tiền đã diễn ra ở chùa Trăm Gian, đình Lương Xá (Hà Nội), đình Ngọ Xá (Bắc Giang), tháp Bình Thạch (Tây Ninh)? Không thể phủ nhận, việc bảo tồn di sản là cần thiết, nhưng phải song hành với việc khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng điều quan trọng mà nhiều chuyên gia đã từng đưa ra, đó là trong quá trình khai thác thì yếu tố bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản luôn phải đặt lên hàng đầu.

Có nhiều sự việc xâm hại di sản, di tích văn hóa - lịch sử đã diễn ra và có lẽ, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại việc thực hiện luật pháp trong lĩnh vực di sản. Nếu xử lý nghiêm, chế tài nặng đối với các vụ việc thì sẽ giảm tình trạng di sản bị xâm hại như hiện nay. Việc coi thường di sản quốc gia, di sản thế giới như trường hợp ở tháp Chăm cổ gần đây (hoặc những sự vụ tương tự như ở Tràng An) nên được xử lý nghiêm, không thể chỉ xử phạt hành chính, kiểm điểm cá nhân (đơn vị) để xảy ra sai phạm theo kiểu hình thức. Vì nếu không thực sự có biện pháp xử lý nghiêm minh thì không ai dám chắc di sản, di tích lịch sử - văn hóa Việt trong tương lai có thể tránh được những làn sóng xâm hại, phá hoại như trên nữa hay không!?


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn